Trang chủ » Thế giới » Việt Nam tụt 8 bậc môi trường kinh doanh

Việt Nam tụt 8 bậc môi trường kinh doanh

Tác giả:

Việt Nam: Tín dụng siết lại, nhà đầu tư được bảo vệ tốt hơn

Nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập dưới trung bình với tổng thu nhập quốc dân tính trên đầu người là 1.100 USD/năm, trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh cho năm 2012, Việt Nam xếp thứ 98 trên tổng số 183, giảm 8 bậc so với xếp hạng năm 2011, do hầu hết các quy định đều không hoặc kém được cải thiện, thậm chí còn có xu hướng kém dần.

Tụt bậc mạnh nhất là ở lĩnh vực nộp thuế, giảm đến 22 bậc xuống vị trí 151. Theo đó, số lần nộp thuế của DN ở Việt Nam là 32 lần/năm, so với con số trung bình 25 lần ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương, còn thời gian dành cho việc nộp thuế ở Việt Nam lên tới 941 giờ/ năm, nhiều gấp 4 lần so với các nước trong khu vực.

Các quy định giải quyết việc mất khả năng thanh toán của DN của Việt Nam cũng được đánh giá là đang kém đi, thể hiện ở việc tụt 12 bậc trong bảng xếp hạng, từ vị trí 130 xuống 142. Ở Việt Nam để giải quyết việc mất khả năng thanh toán, tuy DN chỉ tốn chi phí bằng 15% tổng giá trị tài sản, thấp hơn 5% so với mức trung bình ở các doanh nghiệp Đông Á – Thái Bình Dương, nhưng lại mất thời gian đến 5 năm, gấp đôi so với các DN cùng khu vực.

Tương tự, các quy định khác liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản, tín dụng, giao thương qua biên giới, đều đang có chiều hướng kém cải thiện. Ví dụ, tuy thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam tốn chi phí thấp hơn một nửa nhưng mất thời gian nhiều hơn: DN phải hoàn thành 9 bước và mất đến 44 ngày trong khi ở các nước Đông Á – Thái Bình Dương khác, thủ tục này trung bình chỉ có 7 bước và mất 38 ngày.

Tuy nhiên, các quy định về đăng ký tài sản, tín dụng đang được đánh giá là tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam; nhưng so với năm 2011, các quy định này vẫn có chiều hướng kém cải thiện, và tụt từ 1 đến 3 bậc so với xếp hạng năm 2011.

Theo bảng xếp hạng “Môi trường kinh doanh 2012”, dù vẫn rất kém so với các quốc gia còn lại (xếp thứ 166/183), các quy định bảo vệ nhà đầu tư tại Việt Nam được ghi nhận đã có nhiều cải cách tích cực khi có thứ hạng tăng cao nhất trong 10 yếu tố (6 bậc) so với xếp hạng năm trước đó. Kết quả này có được nhờ quy định ở Việt Nam đã đề ra được các tiêu chuẩn cao hơn về trách nhiệm của các giám đốc DN cũng như tăng cường quyền của cổ đông thiểu số trong các giao dịch có liên quan đến hoạt động của DN.

Bên cạnh đó, nhờ thiết lập được cơ chế hành chính một cửa (kết hợp nhiều quá trình xin giấy phép kinh doanh, giấy phép thuế và loại bỏ nhiều quy định phức tạp), đến nay, quy định về xin giấy phép kinh doanh và cưỡng chế thực hiện hợp đồng cho các DN Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều chuyển biến tích cực so với các nước còn lại, thể hiện ở mức tăng từ 1 đến 3 bậc so với bảng xếp hạng năm 2011.

Singapore vẫn là môi trường kinh doanh số 1

“Môi trường kinh doanh 2012: Kinh doanh trong một thế giới minh bạch hơn” là báo cáo thường niên của IFC phối hợp với Ngân hàng thê giới (WB) nhằm đánh giá các quy định trong kinh doanh có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước tại 183 nền kinh tế và xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 10 yếu tố quy định kinh doanh, bao gồm: thành lập doanh nghiệp, giải quyết vấn đề phá sản và giao thương qua biên giới…

Các số liệu trong báo cáo năm 2012 phân tích các quy định từ tháng 6/2010 đến tháng 5/2011. Các xếp hạng về mức độ thuận lợi trong kinh doanh năm nay được mở rộng hơn, bao gồm cả các yếu tố phục vụ sản xuất như nguồn cung điện. Báo cáo cho thấy được nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất ở Iceland, Đức, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore.

Theo xếp hạng năm nay, Singapore dẫn đầu các quốc gia thuận lợi nhất cho họat động kinh doanh. Sau Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, New Zealand, Mỹ và Đan Mạch là các quốc gia nằm trong top các môi trường lý tưởng cho doanh nghiệp làm ăn.

Báo cáo năm nay cũng cho thấy Morocco là quốc gia cải thiện các quy định kinh doanh nhiều nhất so với các quốc gia khác, đã tiến 21 bậc, lên vị trí thứ 94 nhờ đơn giản hóa quá trình xin giấy phép xây dựng và giảm gánh nặng tài chính trong việc đóng thuế và bảo vệ các cổ đông nhỏ tốt hơn. Kể từ năm 2005 tới nay, Morocco đã cải cách 15 quy định kinh trong kinh doanh.

Chính phủ của 125 trên tổng số 183 quốc gia đã cải cách tổng cộng 245 quy định trong kinh doanh, cao hơn năm trước 13%. Trong vòng 6 năm qua, 163 quốc gia đã tạo được môi trường chính sách thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, có thể kể đến tiêu biểu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga.

Tính riêng trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sau Singapore, Hong Kong – vốn là những quốc gia được đánh giá là có cơ chế thành lập doanh nghiệp, xin giấy phép kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế… dễ dàng nhất, thì Thái Lan, Malaysia, Đài Loan cũng nằm trong top các quốc gia tạo được nhiều thuận lợi trong hoạt động kinh doanh. Riêng tại Hong Kong, khó khăn lớn nhất và duy nhất của các doanh nghiệp là cơ chế đăng ký tài sản.

“Môi trường kinh doanh 2012: Kinh doanh trong một thế giới minh bạch hơn” là báo cáo nằm trong dự án nghiên cứu “Môi trường Kinh doanh” ra đời từ năm 2002 do IFC và WB phối hợp thực hiện, nghiên cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các 183 quốc gia, nhằm đưa ra các đánh giá khách quan về các quy định kinh doanh và quá trình thực thi các quy định đó.

Dự án “Môi trường kinh doanh” khuyến khích các quốc gia cạnh tranh tiến tới các quy định hiệu quả hơn, đưa ra các tiêu chuẩn cho cải cách, là nguồn tham khảo phục vụ cho giới nghiên cứu, nhà báo, và những người quan tâm đến môi trường kinh doanh ở các quốc gia.

Các báo cáo trong dự án này cung cấp số liệu về mức độ thuận lợi của việc kinh doanh ở các quốc gia, xếp hạng theo tổng thể, và theo từng khu vực, qua đó đề xuất các hướng cải cách nhằm cải thiện tình trạng ở mỗi lĩnh vực cụ thể.