Trang chủ » Tranh luận » Khi EVN làm mất lòng dư luận

Khi EVN làm mất lòng dư luận

Tác giả:

Chuyện EVN có dùng tiền vốn của lĩnh vực kinh doanh điện đổ sang chứng khoán, ngân hàng hay không, và việc tăng giá điện để bù cho lỗ kinh doanh điện hay lỗ chứng khoán, viễn thông hay không… tất cả những câu hỏi lớn này chỉ có thể được giải đáp thỏa đáng nếu như cuộc thanh tra tài chính, kiểm toán EVN được thực hiện và công bố công khai. Cũng phải chờ khi, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hoàn tất việc rà roát đầu tư ngành ngoài của EVN mới mong có câu trả lời chính xác.

Bên lề kỳ họp Quốc hội thứ 2 hôm 20/10, Phó Thủ tưởng Vũ Văn Ninh đã xác nhận: tăng giá điện là chủ trương nhất quán của Chính phủ, nhưng thời điểm tăng thì chưa xác định.

Tuy nhiên, câu chuyện về EVN luôn chứa đựng nhiều nghịch lý: “EVN xin tăng giá điện ngay trong tháng 9”, rồi mới đây “xin tăng giá điện từ 10-13% áp dụng vào tháng 11”, xếp thứ 3 trong 21 tập đoàn, tổng công ty về đầu tư ngành ngoài và kết quả chung là thua lỗ. Câu chuyện này đã khiến nhiều bạn đọc bất bình.

Thua lỗ, nợ nần bằng một nửa Vinashin

Nhận định về “những quả đắng của EVN khi lấn sân ngành ngoài”, độc giả NtamQT lo ngại: “Cứ đầu tư theo trào lưu, dàn trãi thế không tập trung vào chuyên môn thì bảo sao không nợ nần chồng chất, thua lỗ là chuyện khỏi phải nghĩ nhiều! Nhưng cũng mong là không có Vinashin 2”.

Mối liên tưởng từ EVN tới một Vinashin thứ hai là điều tất yếu. Vì khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng và khoản nợ đối với Tập đoàn Dầu khí, Than… hơn 10.000 tỷ đồng của EVN đã bằng một nửa so khoản nợ 86.000 tỷ đồng của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại thời điểm Tập đoàn này công bố tái cấu trúc.

Nhìn vào EVN, nhiều độc giả bày tỏ sự lo ngại về một vụ Vinashin thứ 2 xảy ra.

Độc giả Anhdung1050 so sánh: “Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ồ ạt ra ngoài ngành bằng tiền thuế của dân (vì vốn ngân sách chính là nguồn đóng góp của nhân dân – PV). Liệu “con cưng” EVN với tình hình thua lỗ này có đi theo vết xe đổ của Vinashin, giờ đang ngập chìm trong hơn 4 tỷ USD nợ nần?”.

Bạn đọc Thanhha bày tỏ: “Việc đầu tư ngoài ngành cũng được nếu có hiệu quả. Nhưng khi đầu tư ngoài ngành thì EVN phải hạch toán độc lập giữa các đơn vị kinh tế. Không thể cứ lấy thế độc quyền về điện, cứ tăng giá điện để bù lỗ cho các hoạt động ít vì mục đích xã hội (ngân hàng, chứng khoán).

Không chỉ là đầu tư ngành ngoài, ngay với ngành chính, EVN cũng không được lòng dư luận. Độc giả HTKhoa viết: “Những thất thoát và đầu tư sai lầm của ngành điện như đã xây 5-6 nhà máy nhiệt điện thiết bị Trung Quốc, bây giờ vận hành không đúng công suất, hiệu suất thấp, chi phí cao gây nên lỗ nặng ở giá thành điện. Điều này chỉ ngành điện biết. Cứ nhăm nhăm tăng giá và những khoản lỗ chỉ được giải thích bằng giá điện?”.

Đã độc quyền còn đầu tư đa ngành: Lợi bất cập hại

Lý giải về câu chuyện của EVN, nhiều bạn đọc cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do EVN còn chiếm giữ vị trí độc quyền. Cho dù đến nay, EVN chỉ còn giữ 70% nguồn phát điện nhưng trong phân phối, truyền tải và các dịch vụ hạ tầng của ngành điện thì EVN vẫn giữ 100%. Gắn với vị trí thống lĩnh thị trường là đặc thù của ngành điện, một loại hàng hóa đặc biệt, nhạy cảm, bán và mua diễn ra cùng một lúc, là huyết mạch cho đời sống kinh tế. Phải chăng vì sự độc quyền tự nhiên đó nên EVN đã có những hành xử mang tính “áp đặt”?

Độc giả Trần Hoàng cho rằng, sự độc quyền thể hiện trong cả văn hóa “thu tiền điện: “Muốn đóng tiền điện qua thẻ thì phải là thẻ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank). Không hiểu sao mấy “ông” độc quyền lại được ưu ái quá vậy!”

Độc giả Hoàng Lương Hiền cũng nhận xét: “Lâu nay EVN độc quyền trong ngành điện, chính vì độc quyền nên muốn tăng giá là họ tăng. Gần đây các doanh nghiệp khác sản xuất ra điện thì EVN không mua trong khi vẫn nhập khẩu điện từ Trung Quốc”.

“Do đầu tư kinh doanh sang lãnh vực khác như viễn thông, chứng khoán không chuyên nghiệp, EVN lỗ nặng. Nhưng không thể vì kinh doanh ngành nghề khác thua lỗ mà lại đòi tăng giá điện để bù đắp. Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc làm rõ thực hư và thực chất kinh doanh của họ ra sao?”, bạn đọc này kiến nghị.

Nhìn rộng hơn về cơ chế chính sách, độc giả Ladaigt bày tỏ: “Nhà nước đừng bao giờ quyết định cho DNNN đầu tư ngoài ngành nữa. Vốn này là thuế của nhân dân được giao cho DNNN để kinh doanh phục vụ đúng ngành, mục tiêu kinh tế xã hội chứ không phải dùng để chộp giật như đầu tư ngoài ngành như EVN… vừa qua”.

Độc giả này thẳng thắn: “Tôi chắc chắn rằng nếu DNNN tiếp tục đầu tư thì sẽ tiếp tục lỗ, vậy cái lỗ đó quy trách nhiệm về ai? 2.100 tỷ là con số quá kinh khủng nếu các quan chức chịu khó đi đến vùng sâu, xa như Lai Châu, Sơn La, biên giới thì đời sống người dân bây giờ quá nghèo khổ, trong khi các chủ DNNN lại để thua lỗ như thế?”.

Nói tới việc tăng giá điện, nhiều bạn đọc đã đồng tình với ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều quan trọng nhất phải làm trước khi tính chuyện tăng giá là thanh tra lại tài chính đầu tư của ngành điện một cách minh bạch. “Việc này cần phải điều trần trước Chính phủ và nhân dân một cách công khai. Nếu lý do đủ sức thuyết phục rằng EVN vẫn đang chịu lỗ, thì không có lý do gì mà người dân không cho EVN tăng giá điện”, độc giả MsHung82 viết.

Nếu không có sự minh bạch này, vòng luẩn quẩn EVN đầu tư lớn ngành ngoài, rồi thua lỗ, đòi tăng giá, không tăng sẽ cắt điện sẽ còn kéo dài.

Theo độc giả Soleynew, đã đến lúc cần xem lại vai trò của cơ quan quản lý. Bởi lẽ, các tập đoàn, các DNNN chuyên ngành lâu nay chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới thiếu minh bạch trong giá thành điện, xăng dầu. Giá điện qua nhiều năm tăng bình quân tăng 10%, gần đây tăng gần 20% chắc chắn góp phần lớn vào gia tăng lạm phát. Trong khi đó, đầu tư ngành điện (nhà nước và tư nhân) các năm rất lớn. Với cách quản lý điều hành như vậy thì tương lai ngành công nghiệp chúng ta ra sao? Nếu người dân có phải góp thêm tiền cho ngành điện, nhưng niềm tin của họ vào kiểu quản lý không minh bạch sẽ ra sao?