Trang chủ » Tranh luận » Hai năm: Sự im lặng dài hạn bên chứng khoán

Hai năm: Sự im lặng dài hạn bên chứng khoán

Tác giả:

Liệu có thể lạc quan về thị trường chứng khoán (TTCK) trong bối cảnh mà mức thanh khoản của thị trường này đang trở về “đầu 3”, tức tổng giá trị giao dịch của cả hai sàn chưa đầy 400 tỷ đồng – như một cách so sánh gần gũi với xu hướng chỉ số VNI đang chuẩn bị phá mốc 400 điểm?

Tương tự như khoảng thời gian tháng 7-8/2011, tâm lý chán chường lại phủ trùm lên trí não vốn đã quá tải do căng thẳng dài hạn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chỉ mới đây thôi, một phép thử nữa được đưa ra – chỉ số CPI tháng 10/2011 của Hà Nội chỉ còn tăng rất không đáng kể so với thời điểm giữa năm nay – nhưng đã gần như bị dòng tiền đầu tư phủ nhận. Đã không hề có ít ra một dấu hiệu nhỏ nhoi về nguồn lực cầu của tổ chức nhằm “đánh lên”, cũng chẳng hề thấy bóng dáng động đậy từ các tài khoản ‘chết” của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vậy thì dòng tiền đang nằm im chờ thời hay đã trôi vào dĩ vãng tối tăm nào đó?

Cho tới lúc này, đã có thể khẳng định rằng TTCK không nhận được sự hưởng ứng của dòng tiền tiết kiệm và cũng chẳng có sự trợ lực nào của nguồn tiền từ vàng. Thậm chí ngược lại, đã có những xác nhận của ngân hàng và giới đầu tư về chuyện tiền tiết kiệm được rút ra để chuyển vào kênh vàng, cho dù kênh này đang thiếu khả quan và còn có vẻ khá nguy hiểm, hoặc được dồn sang bất động sản giá rẻ như nhà bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng và đất “bình dân” có giá dưới 3 tỷ đồng.

Như nhận định của chúng tôi vào đầu tuần trước, dường như một tháng Mười khác đang lặp lại thời kỳ tháng Mười năm 2010. Không hề có một chuyển biến đáng kể nào, trong khi các cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn như MSN, VIC, BVH vẫn tiếp tục được làm giá (hiện nay là làm giá xuống). Nhiều cổ phiếu midcap (vốn hóa trung) vẫn đang giảm sút khá mạnh từ đỉnh gần giữa tháng 9/2011. Nhưng có lẽ điểm nhấn đáng lo ngại nhất trong các nhóm cổ phiếu là cổ phiếu ngân hàng như EIB, STB và cả ACB đã bắt đầu có dấu hiệu giảm mạnh hơn so với thời kỳ kéo ngang trước đây.

Thị trường chứng khoán vẫn đang ảm đạm (ảnh Tiền phong)

Rõ ràng TTCK đang tái hiện nét tiêu cực, được phản ánh bởi sự thận trọng của hầu hết các công ty chứng khoán. Bản thân các công ty này cũng đang nằm trong tình thế chẳng vui vẻ gì khi với việc tất toán báo cáo tài chính quý 3/2011, những công ty khá nhất cũng chỉ là “ăn dần vào vốn”, còn  đa số đều lỗ. Ngay cả Công ty chứng khoán ACB mà còn phải đóng cửa một số văn phòng giao dịch thì có thể hình dung ra sự việc đang ở chiều hướng như thế nào.

Chiều hướng ấy càng được củng cố thêm bởi người đàn bà có tên Huỳnh Thị Huyền Như. Nếu tuyệt đại đa số nhà đầu tư đã không thể hiểu được tại sao TTCK lại trở nên thê thảm đến thế, thì đó cũng là lý do để giải thích về bức màn tối của con số 5.000 tỷ đồng vỡ nợ của bà Như đã thúc đẩy hội chứng “không thấy, không nghe, không biết” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sự trùng hợp lạ lùng cũng xảy ra khi làn sóng vỡ nợ chứng khoán và bất động sản ở Việt Nam lại rơi vào vòng xoáy của cuộc cách mạng “Chiếm phố Wall”. Chẳng lẽ ” thời điểm Minsky” của thế giới đã tới, gióng lên tiếng chuông định mệnh của nó về tương lai bùng vỡ của các thị trường? Có vẻ là như thế thật, bởi ít nhất khái niệm khoa học về thời điểm đáo hạn thanh toán ấy đã ứng với thực tế hoàn toàn phản khoa học trong thị trường chợ đen buôn bán chứng khoán và bất động sản ở nước ta.

Chỉ có sự khác biệt cơ bản đang tồn tại là trong khi các con nợ trên thế giới đã dũng cảm thừa nhận “Chúng ta là 99%”, thì lại chẳng có lấy một phản ứng, ít ra cũng thể hiện lòng sĩ diện, trên TTCK Việt Nam, nơi có lẽ cũng gần 99% thua lỗ và sạt nghiệp mà nguồn cơn đến từ một vài phần trăm lũng đoạn thị trường trong suốt hai năm qua.

Thấm thoắt mà đã tròn hai năm kể từ khi TTCK lập đỉnh phục hồi sau khủng hoảng 2008 (chính xác là vào ngày 22/10/2009), để từ đó bắt đầu một cuộc “thay máu” bi thảm chưa từng thấy trong lịch sử của nó. Hai năm – đó cũng là thời gian của sự im lặng. Sự im lặng của các cơ quan quản lý nhà nước, những người có trọng trách đối với TTCK và gián tiếp có trách nhiệm đối với vô số hậu quả xã hội từ thua lỗ cổ phiếu.

Nhưng sau hai năm sẽ là cái gì? Cũng như việc chỉ số chứng khoán sẽ ra sao sau hơn hai tháng qua miệt mài được làm giá tăng-giảm? Thực lòng, chẳng có mấy ai hy vọng vào một sự mở lời thẳng thắn của Ủy ban chứng khoán nhà nước như một dấu hiệu phục hồi của cơ thể thị trường nhằm kết thúc thói quen im lặng lâu ngày, cũng khó ai xác nhận được là cơ quan này đã “làm mạnh hơn” trong mục tiêu xử lý những tồn tại đầy rẫy của TTCK.

Chẳng lẽ Bộ Tài chính và Bộ trưởng Vương Đình Huệ lại không biết đến sự im lặng dài hạn như vậy?

Một khi không bị thúc bách bởi mệnh lệnh hành chính, sự im lặng sẽ trở nên từng trải hơn, đặc biệt nếu sự im lặng đó được thúc đẩy bởi những lý do riêng tư. Có thể đồ rằng trong những tháng tới, sự im lặng vẫn có thể tiếp diễn, vẫn có thể kéo dài như nó đã từng thế. Chứng khoán vì thế vẫn có thể tái diễn cái màn bi hài kịch của nó trên sân khấu mà vẫn có không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ bị cưỡng bức trở thành nhân vật chính – dù chính diện hay cả phản diện – để cho một lượng khán giả tối thiểu ngồi dưới vỗ tay trêu cười.

Tháng Mười đã gần qua, năm 2011 cũng đã gần hết. Cũng chẳng khác với những cảnh diễn trước đây, chỉ số chứng khoán sẽ đếm đúng bước đi của nó khi thời gian kéo dài đúng hai tháng rưỡi hoặc ba tháng – ứng với cuối tháng 10 hoặc giữa tháng 11/2011. Khi đó, thị trường lại chợt bừng tỉnh bởi một dòng tiền từ trên trời lao xuống và nhấc bổng thị trường lên.

Nhưng từ đây tới đó vẫn còn một khoảng thời gian đủ để thị trường lặp lại thế bĩ cực trước khi được cứu vớt. Bất chấp phiên tăng điểm “bất ngờ” vào cuối tuần qua, với tất cả những gì mà thị trường đang bộc lộ, khá dễ dàng cho nhà đầu tư đoán già đoán non về ngưỡng tâm lý bán tháo vẫn đang cận kề, cũng như đà suy giảm có thể biến thành một cơn lao dốc đỏ rực của thị trường có thể xuất hiện trong tuần này hoặc vào nửa đầu tháng 11/2011.