Trang chủ » Doanh nhân » Chàng trai Việt được Facebook mời thăm

Chàng trai Việt được Facebook mời thăm

Tác giả:

Từ bán bánh ít đến sưu tầm tên miền

Nguyễn Trọng Khoa thâm nhập “con đường domain” rất tình cờ, nhưng càng đi anh càng thấy nhiều thú vị và quyết không ngừng khai phá nó. Từng làm giám đốc marketing của công ty FPT Online, Khoa từ bỏ con đường làm thuê để đầu tư, phát triển thương hiệu Bánh Ít Lá Gai của quê nhà Bình Định bằng cách mở quán bán bánh ít lá gai và nhiều đặc sản khác trên đường Đặng Văn Ngữ vào năm 2009.

Từ đây, Khoa mở trang web thuần chất Việt: www.banhitlagai.com. Ít lâu sau đó, từ chuyện thất lạc con của mình, một lần nữa Khoa đã lập ra trang web www.thatlac.com.vn để giúp cộng đồng người Việt, người nước ngoài đã từng sinh sống, làm việc tại Việt Nam có người thân, bạn bè bị thất lạc kết nối, đoàn tụ thông qua công cụ Internet.

Chính việc lập web phục vụ cộng đồng này là cơ duyên đưa Khoa đến thăm tổng hành dinh của vị tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg theo lời mời của Facebook hồi tháng 3 vừa qua. Trong thời gian tham quan và làm việc tại Mỹ, những người bạn tại Facebook đã gợi mở rằng, có một kho tàng vô giá ở Việt Nam chưa được khai thác bởi Việt Nam có bờ biển dài, thuận lợi cho quảng bá và phát triển du lịch qua website. Từ đây, Khoa quyết định sở hữu và phát triển tên miền – một lĩnh vực số mà nhiều người chưa khai phá.

Tích lũy tài sản trôi nổi

Ban đầu, chàng trai “bánh ít” chỉ đăng ký binhdinhtourist.com, binhdinhtourist.net, binhdinhtravel.net và các domain liên quan đến đặc sản Bình Định như: bánh ít lá gai, bún cá Quy Nhơn, bánh tráng Bình Định… Nhưng khi tiếp tục tra cứu trên mạng, anh rất ngạc nhiên khi tên miền của một loạt địa danh du lịch nổi tiếng trong nước như: Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hạ Long… vẫn chưa được đăng ký. Với suy nghĩ đó, Khoa tiếp tục đăng ký hàng loạt tên chợ, siêu thị như: benthanhmarket, binhtaymarket, bancomarket, các festival như: khanhhoafestival, binhdinhfestival, halongfestival và cả đặc sản nước mắm, trà và cá ngừ đại dương…

Tổng cộng số tên miền liên quan đến du lịch mà Khoa đang nắm giữ hơn 100 cái gồm các tỉnh thành: Hà Nội, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình, từ Huế vào đến Phan Thiết, Tiền Giang, An Giang. Sau đó, tính tò mò, sáng tạo lại tiếp tục đưa đẩy Khoa lạc vào “mê cung” thế giới thương hiệu số đang còn “hoang dã” trên Internet, từ các thương hiệu quốc gia thuộc nhóm ngành hàng nông sản, hải sản đến các dự án bất động sản, trung tâm thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp…

Từ Domain… nghĩ về thương hiệu

Hiện tại Khoa đang nắm trong tay hơn 500 tên miền của phần lớn những tập đoàn lớn của Việt Nam, khiến nhiều người phải suy nghĩ và nhìn lại tầm quan trọng của sở hữu tên miền khi muốn phát triển thương hiệu ở thế giới số. Khoa chia sẻ: “Các CEO của các tập đoàn hàng đầu Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của thương hiệu cũng như sức mạnh của Internet, nhưng giữa nhận thức, hành động và áp dụng thực tiễn một cách bài bản thì hoàn toàn trái ngược dẫn đến chậm trễ trong việc đăng ký sở hữu tên miền. Chính Khoa cũng đưa ra câu hỏi: rồi sẽ ra sao nếu tất cả tên miền những thương hiệu nòng cốt của Việt Nam bị rơi vào tay những người “săn” domain chính hiệu trên thế giới?

Với gia tài tên miền về du lịch Việt Nam, mới đây Khoa đã được một tập đoàn kinh doanh du lịch của nước ngoài trả giá mua gần 1 triệu đô la Mỹ, nhưng anh đã kiên quyết lắc đầu. Còn với domain của ngành trà, cà phê, hải sản, ca cao, gạo, cao su… Khoa cũng nhận được lời đề nghị từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn mua lại toàn bộ thương hiệu số này với số tiền không nhỏ. “Điều ngạc nhiên là người nước ngoài đã gõ cửa tìm đến tôi, nhưng người Việt Nam vẫn… im lìm”, Khoa nói. Người viết tự hỏi: biết đâu một ngày đẹp trời, Khoa bán hết tất cả thì sao nhỉ?

Lúc ấy, các doanh nghiệp Việt Nam phải mua lại của nước ngoài với giá không rẻ. Khoa nói rằng: “Chỉ cần tốn chưa đến 15 USD để sở hữu một tên miền.com (chấm com) gắn liền với thương hiệu công ty, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của bạn. Nếu bạn bị mất Domain thương hiệu, bạn có thể sẽ phải tốn rất nhiều tiền để khắc phục những sự cố phát sinh”. Do vậy anh Khoa “bánh ít” đang lên kế hoạch kết hợp cùng các tỉnh miền Trung từ Phan Thiết đến Huế tư vấn, xây dựng chiến lược phát triển, quảng bá du lịch trên nền tảng chuỗi travelto.com cho từng địa phương, ví dụ: traveltobinhdinh.com, traveltoquangnam.com, traveltophanthiet.com…

Ngoài ra Khoa cho biết, khoảng 100 domain của Khoa sẽ được bán đấu giá nhằm lập quỹ học bổng hỗ trợ trẻ em mồ côi tại Việt Nam cũng như triển khai các dự án phục vụ cộng đồng, du lịch khác vào cuối năm nay.

Tôi là nhà đầu tư trên Internet

– Những ý tưởng nào dẫn anh đến việc mua nhiều tên miền?

Ban đầu, tôi đã có ý tưởng và viết những dự án phục vụ cho việc quảng bá và kinh doanh những “giá trị Việt Nam” liên quan đến ngành du lịch và ẩm thực. Tôi nhận thấy sự hờ hững của những người có trách nhiệm đối với việc gìn giữ và quảng bá những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Tôi biết nhiều thương hiệu của Việt Nam đã bị cá nhân, tổ chức nước ngoài thâu tóm rất khủng khiếp nên tôi đã âm thầm nhảy vào cuộc tranh đua để gìn giữ những giá trị của Việt Nam và những cái tên mỹ miều của các tập đoàn hàng đầu Việt Nam.

Mỗi năm tôi phải đóng đúng số tiền mình đã mua nếu như muốn tiếp tục duy trì chúng thuộc sở hữu của mình. Trên thế giới đã hình thành thị trường kinh doanh và sàn giao dịch domain. Cũng có người thất bại và nhiều người thành công nhờ vào lĩnh vực đầu tư và phát triển thương hiệu số. Tôi muốn mình là một phần nhỏ trong số những người thành công nên tôi chấp nhận và quyết theo đuổi lĩnh vực đầu tư này. Internet là một thế giới không có biên giới, nơi cơ hội được chia đều cho tất cả mọi người.

– Anh có sẵn lòng chia sẻ với các doanh nghiệp “kho tàng trên internet”?

Tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức của mình liên quan đến chuyên môn marketing trong thế giới trực tuyến. Tôi cũng sẵn lòng để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các hiệp hội, các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề tư vấn và hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu theo truyền thống và hiện đại, đặc biệt là tận dụng những giá trị tinh hoa của công nghệ Internet vào cuộc sống và công việc.

– Anh sẽ sử dụng các tên miền này với mục đích gì?

Tôi chỉ là một người bình thường, nhưng có máu đam mê về thương hiệu và những giá trị văn hóa Việt Nam nên chọn thú sưu tầm domain để thỏa mãn những ý tưởng kinh doanh và khát vọng của mình nhằm vươn tới thành công để có điều kiện giúp đỡ những trẻ em mồ côi và người gặp bất hạnh trong xã hội.

(Theo Doanh nhân)