Trang chủ » Điểm nóng » NVL: Hoa mắt vì lợi trước mắt, bóp chết sản xuất trong nước

NVL: Hoa mắt vì lợi trước mắt, bóp chết sản xuất trong nước

Tác giả:

Tổng cục Hải quan vừa kết thúc chuyên án điều tra về nhập khẩu muối tại 3 DN đã lộ ra những gian lận, hậu quả của nó không chỉ là những thiệt hại về kinh tế mà còn gây hại cho nghề muối trong nước và đời sống hàng trăm ngàn diêm dân.

Công ty TNHH một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam được Bộ Công Thương cấp cho 7 giấy phép nhập khẩu muối công nghiệp với số lượng lên tới 221.740 tấn để sử dụng vào sản xuất công nghiệp và được hưởng thuế suất ưu đãi 15% so với mức 50% thông thường. Tuy nhiên, DN này chỉ bán một phần cho các đối tác để phục vụ mục đích công nghiệp, còn lại để sản xuất muối ăn bán ra thị trường nội địa.

Chưa hết, đối tác mua muối về để sản xuất công nghiệp cũng bán một phần ra thị trường dưới dạng muối ăn để kiếm lời. Việc làm này kéo dài trong 5 năm qua tại DN khiến cơ quan chức năng đang đặt nghi ngờ đây là hiện tượng phổ biến và quyết định mở rộng diện điều tra.

Sai phạm qua vụ này được xác định khoảng 20 tỷ đồng không phải quá lớn về mặt kinh tế nhưng điều đáng nói là chính sách ưu đãi đã bị lợi dụng và tai hại hơn điều này còn gây hại cho nghề muối và diêm dân trong nước.

Thực tế, việc nhập khẩu muối trong nhiều năm qua bị nhiều ý kiến phản đối. Tuy nhiên, điều này được chấp nhận khi các DN và cơ quan quản lý giải thích là để phục vụ sản xuất công nghiệp vì muối trong nước không đảm bảo yêu cầu.

Vì thế, trong khi muối trong nước dư thừa, mất giá, đời sống diêm dân khổ cực nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn tấn muối được nhập về. Đã có những nghi ngờ về số lượng nhập quá nhu cầu, muối nhập khẩu bán ra làm muối ăn… nhưng không được cơ quan quản lý để ý cho đế khi những nghi ngờ và bức xúc của người dân bao năm giờ đã lộ rõ.

Trong khi muối trong nước dư thừa, mất giá, đời sống diêm dân khổ cực nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn tấn muối được nhập về. Ảnh: PLTPHCM

Nhìn rộng ra, điều này không chỉ xảy ra đối với muối mà có thể thấy cả trong việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, rau quả, thực phẩm chế biến… Tất cả đều có chung nghịch lý là một nước nông nghiệp nhưng do tổ chức manh mún, năng suất chất lượng thấp khiến Việt Nam phải đi nhập khẩu ngô về làm thức ăn chăn nuôi, hoa quả trong nước ế thừa nhưng lại nhập khẩu về bán, thực phẩm tươi sống không được đầu tư chế biến nhưng lại nhập đồ họp, hàng đông lạnh…

Điều đó không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà nguy hiểm hơn là đâu tư phát triển trong nước không được quan tâm đúng mức. Thậm chí, hàng nhập khẩu còn quay lại chèn ép và “giết chết” sản xuất trong nước.

Sai phạm của DN đã rõ nhưng cũng không thể bỏ qua việc các cơ quan quản lý đã sai lầm trong việc xác định nhu cầu, cấp phép nhập khẩu và nhất là không kiểm soát được việc sử dụng muối của các DN, gây ra hậu họa ép chết nghề muối trong nước.

Tuy nhiên, có những vấn đề trầm trọng và dài hạn hơn không đươc xử lý theo luật đó là những ưu đãi này đã vô tình bóp chết sản xuất trong nước. Trong vụ việc này, sai lầm lớn nhất của cơ quan quản lý chỉnh là việc chạy theo nhập khẩu mà không quan tâm đến đầu tư phát triển nghề muối trong nước.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển muối với bờ biển dài, ngày nắng nhiều và nhiệt độ cao, có nghề muối truyền thống… nhưng lạ thay, bao nhiêu năm “kiên trì” nhập khẩu trong khi việc đầu tư phát triển muối cho công nghiệp lại không được thúc đẩy. Thậm chí, đã những kế hoạch, dự án lớn về sản xuất muối công nghiệp đề ra nhưng mãi vẫn không thành hiện thực. Nghịch lý nhập khẩu muối vẫn tồn tại và phát sinh nhiều gian lận.

Không chỉ trong nông nghiệp, trong nhiều lĩnh vực khác, các DN và nhà quản lý khi cố chạy theo nhập khẩu, chuộng giá rẻ đã vô tình bóp chết sản xuất trong nước.

Có thể kể ra đây câu chuyện của ngành cơ khí. Dù đã có nhiều chính sách phát triển cơ khí trong nước nhưng chỉ vì những đơn thầu giá rẻ mà các dự án, DN trong nước đã bỏ qua những công trình, phần việc DN có thể làm được để thuê nhà thầu nước ngoài… Hậu quả là ngành cơ khí trong nước ngày càng èo uột. Trong khi, đáng lẽ ra cơ khí chế tạo là nóng cốt của công nghiệp sản xuất nội địa.

Không những thế, ngay trong địa ốc vốn rất nhiều lợi nhuận, chúng ta đã hoa mắt trước những nhà đầu tư ngoại đề ra những dự án tỷ đô. Nhưng cuối cùng, họ chỉ đưa vào Việt Nam số tiền không đáng kể, phần còn lại huy động vốn trong nước. Thậm chí có những dự án, chiếm đất rồi bỏ không làm khổ người dân địa phương, làm mất cơ hội DN trong nước.

Không thể trách những chủ trương ưu đãi đầu tư, thu hút vốn nước ngoài cho phát triển trong nước. Tuy nhiên, có thể do sự ấu trĩ, vô tình hay vì những lợi ích trước mắt, chúng ta đã bán rẻ nguồn lực trong nước cho những nhà đầu tư nước ngoài và họ lợi dụng để khai thác những lợi ích ngắn hạn cho mình.

Trong khi đó, các DN trong nước, các nhà quản lý dù vô tình, cố ý hay vì mục đích ngắn hạn mà bỏ qua những vấn đề này đã dẫn tới một điều tệ hại, hậu quả lâu dài và bóp chết sản xuất trong nước. Đó là một điều thật đáng tiếc và xót xa.