Trang chủ » Kinh tế 24h » 8 nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở

8 nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở

Tác giả:

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở thương mại để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả, thì Bộ Xây dựng còn đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở phi hàng hóa.

8 nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở, không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường sẽ được tập trung, ưu tiên giải quyết chỗ ở, bao gồm: Người có công với Cách mạng; các hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; nhà ở cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc gia cam…)

Trong đó, giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo hướng Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước để cho thuê, thuê mua; đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp (phát triển nhà ở giá rẻ) để bán, cho thuê, thuê mua.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ thì theo hướng Nhà nước đầu tư vốn từ ngân sách tạo lập quỹ nhà ở công vụ để bố trí cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội được điều động, luân chuyển theo yêu cầu công tác và các đối tượng khác thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định…

Bên cạnh việc Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước để cho thuê, thuê mua, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ về tài chính (cho vay ưu đãi từ nguồn ngân sách, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tiết kiệm nhà ở và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật) để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ cải thiện nhà ở.

Với các sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài các nội dung nêu trên, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ về đất ở đối với những sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp công tác tại khu vực biên giới, hải đảo và các địa bàn khó khăn.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc cần phấn đấu đạt khoảng 22 m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án tại các đô thị loại đặc biệt như Hà Nội và TP HCM đạt trên 80%. Xây dựng mới tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp tại đô thị.

Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc cần đạt khoảng 25m2 sàn/người. Nhà chung cư trong các đô thị đặc biệt cần đạt tỷ lệ trên 90%. Cả nước cần xây dựng mới tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại đô thị.

Nhìn lại 10 năm qua, Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường nhà ở đã có nhiều bước phát triển tích cực. Số liệu thống kê cho thấy hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung và kinh doanh nhà ở nói riêng giai đoạn vừa qua đã có những đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách (chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách hàng năm).

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại, xuất hiện nhiều bất cập như cơ cấu nhà ở chưa cân đối, khoảng cách về điều kiện nhà ở của người dân ngày càng chênh lệch cao; thị trường nhà ở có nhiều biến động, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, việc tạo lập chỗ ở của người dân; mô hình phát triển nhà ở chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời ký công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…