Trang chủ » Thế giới » Khủng hoảng châu Âu, nguy cơ toàn cầu

Khủng hoảng châu Âu, nguy cơ toàn cầu

Tác giả:

Tình hình ngày càng nghiêm trọng

Tới thời điểm hiện tại, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng tình hình kinh tế ở châu Âu đang ngày càng nghiêm trọng.

Thông tin mới nhất về việc lãnh đạo các nước thuộc liên minh châu Âu đã thất bại trong việc đưa ra một quỹ hỗ trợ tài chính nhằm giải cứu nền kinh tế trong Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra vào cuối tuần qua đã cho thấy mức độ trầm trọng của của cuộc khủng hoảng. Trước đó, những thông tin không mấy khả quan tại đây cũng khiến nhiều người lo ngại rằng khu vực này đang trên đà suy thoái, và rất có thể sẽ kéo theo cả nền kinh tế thế giới.

Tại các quốc gia châu Âu, cho dù là Pháp, Đức, hay Bỉ, thì kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, hầu hết các ngân hàng lớn đều không duy trì đủ lượng vốn và vì thế càng dễ bị tổn thương khi rơi vào tình trạng thiếu tiền để hoạt động. Hiện tại, ngày càng nhiều giả định về việc Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ, điều này sẽ ảnh hưởng tới một loạt các quốc gia khác trong khuc vực, như Ý, Tây Ban Nha, và càng khiến nền kinh tế lún sâu trong suy thoái.

Đi kèm với cuộc khủng hoảng tại châu Âu là hàng loạt các vấn đề khác cũng phát sinh. Thị trường chứng khoán đang dần mất niềm tin vào việc lãnh đạo các nước châu Âu có thể tìm ra phương pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại.

Trước những vấn đề như vậy, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Mỹ, đã chọn chính sách thắt lưng buộc bụng làm phương thuốc để cứu chữa cho nền kinh tế. Tuy nhiên, biện pháp này có thể không đem lại hiệu quả, thậm chí còn gây ra những tác dụng ngược, cũng giống như “cung cấp chế độ ăn kiêng cho người suy dinh dưỡng vậy”.

Tại Ireland và Hy Lạp, các nhà lãnh đạo cũng đã quyết định cắt giảm chi tiêu công để khôi phục niềm tin của thị trường. Tuy nhiên hành động này chỉ khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường thì vẫn tiếp tục trong trạng thái sợ hãi, đẩy chi phí cho vay lên cao và các biện pháp hạn chế tài chính tiếp tục được thắt chặt. Và hiện tại, các nhà đầu tư chỉ tỏ ra tự tin trở lại bởi họ đang mong đợi điều tốt đẹp sẽ đến vào những thời điểm tồi tệ nhất.

Và những lời kêu gọi giữ vững niềm tin của lãnh đạo các quốc gia càng khiến mọi người thêm hoài nghi. Dưới thời chính quyền Bush trước đây, Bộ trưởng tài chính Mỹ Hank Paulson cũng thường xuyên kêu gọi mọi người phải củng cố niềm tin và thành lập một quỹ cứu trợ trị giá hàng trăm tỉ USD từ thuế thu thêm của ngườ dân, để rồi cuối cùng chính nó mở đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Có lẽ, viễn cảnh cho một cuộc khủng hoảng ở châu Âu đang đến rất gần. Chừng nào các vấn đề nội tại của liên minh châu Âu vẫn chưa được giải quyết, khu vực này vẫn sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi một trong các quốc gia thuộc liên minh gặp khó khăn.

Đi kèm với cuộc khủng hoảng tại châu Âu là hàng loạt các vấn đề khác cũng phát sinh.

Thiếu một tiếng nói chung

Trong quãng thời gian vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tỏ ra thiếu thẩm quyền trong việc phát hành trái phiếu bảo đảm bởi tín dụng ngay trong khu vực mà các quốc gia đang sử dụng đồng tiền chung. Điều này đã làm giảm khả năng của ECB trong việc cung cấp những gói hỗ trợ. Các vấn đề pháp lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới thị trường khi khu vực này cần đưa ra những biện pháp hỗ trợ cho các thành viên đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Một số nhân vật nổi tiếng, bao gồm nhà đầu tư George Soros và Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne, cũng cho rằng châu Âu cần phải xem xét việc tập thể hóa các khoản nợ của các quốc gia thành viên bằng cách cho phép Ngân hàng Trung ương phát hành trái phiểu bảo đảm bởi tín dụng của mình. Tuy nhiên, Pháp và Đức đã bác bỏ đề nghị này, bởi họ lo sợ những vấn đề của các quốc gia yếu hơn ảnh hưởng đến nước mình.

Đức đã tỏ ra miễn cường khi đổ tiền của mình vào để chống đỡ khó khăn cho các quốc gia khác, cho thấy một nỗi lo sợ sâu xa về lạm phát. Chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nước châu Âu đã giới hạn các hành động của các quốc gia trong khuc vực. Ngay trong Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tuần vừa qua, nhiều cử tri cũng tỏ ra không chấp nhận việc phục thuộc vào nhau nhiều hơn giữa các quốc gia. Jean-Claude Juncker, thủ tướng của Luxembourg đã  từng nổi tiếng với phát biểu: “Chúng ta đều biết cách để giải quyết vấn đề nhưng chúng ta lại không biết cách để tái đắc cử nều làm như vậy.”

Trong nhiều tháng qua, lãnh đạo các nước châu Âu đã thất bại trong việc tìm ra một cơ chế chung giải quyết cuộc khủng hoảng, khiến nền kinh tế ngày càng chìm sâu xuống. Những sự tranh cãi diễn ra trên khắp các quốc gia trong khu vực càng tạo điều kiện cho lo ngại tăng thêm.

“Sẽ có giải pháp trong thời gian tới”. cựu thủ trướng Anh Gordon Brown phát biểu trong bài phỏng vấn tại New York. Ông tỏ ra hy vọng sẽ có nhiều giải pháp tốt hơn cho nền kinh tế châu Âu.

Tuy nhiên vào cuối tuần qua,  những thông tin mới nhất cho thấy Hội nghị Thượng đỉnh tại châu Âu chẳng thể đưa ra một giải pháp nào cụ thể. Một hội nghị thượng đỉnh khác đã được lên lịch vào thứ tư, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy một tiếng nói chung trong khuc vực.

Năm ngoái, giữa những mối đe dọa về việc Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh vợ nỡ, các quốc gia châu Âu đã cùng nhau tung ra một quỹ khẩn cấp trị giá khoảng 600 tỉ USD để giải cứu tạm thời. Nhưng với lo ngại ngày càng tăng như hiện nay, quy mô của gói cứu trợ cũng phải lớn hơn, thậm chí phải hơn từ 2 đến 3 lần thì mới đủ để gây dựng lại niềm tin cho thị trường.

Cần một quyền hạn đủ lớn

Các quan chức của Đức vừa bác bỏ lời kêu gọi của Pháp trong việc biến tập trung các quỹ cứu trợ khẩn cấp thành một ngân hàng để ngân hàng trung ương có thể khai thác và mở rộng. “Không thể sử dụng ECB trong vai trò giảm bớt các vấn đề thanh khoản”, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong một cuộc họp kín tại Berlin. Tại hội nghị ở Brussels, bộ trưởng tài chính Đức Wolfang Schaeuble đã tuyên bố: “Ngân hàng trung ương không thể cứu trợ cho tài chính các quốc gia.”

Chẳng cần phải thông thạo trong lĩnh vực tài chính, ta cũng có thể nhận ra rằng những tranh cãi tại Pháp, Đức hay các quốc gia phát triển khác trong khu vực đến từ việc châu Âu đang thiếu đi một nền chính trị chung, một tiếng nói chung trong toàn khu vực. Và chừng nào vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, nguy cơ khủng hoảng tại đây vẫn sẽ còn tồn tại.

Ba năm trước, khi Bộ trưởng tài chính Mỹ Hank Paulson bắt đầu thực hiện các bước đàu tiên trong việc thành lập các gói cứu trợ từ việc kêu gọi nộp thêm thuế, ông ta đã yêu cầu Quốc hội cho ông ta nhiều quyền hạn hơn. Ông ta giải thích rằng nếu quyền hạn của ông ta đủ lớn, sẽ càng cần ít biện pháp hơn. Thị trường sẽ chú ý tới các gói cứu trợ và không còn lo sợ về khả năng sụp đổ của các ngân hàng, cho phép dòng tiền lưu thông và ngăn chặn cuộc khủng hoảng.

Những lý luận này của Paulson tỏ ra rất có ý nghĩa, ngay cả khi ông ta đã lạm dụng chức quyền của mình để cung cấp những gói cứu trợ cho tay chân cũ của mình tại phố Wall. Châu Âu cũng nên thực hiện theo cách này.

Tuy nhiên, điều này đang tỏ ra bất khả thi khi các quốc gia trong khu vực không tìm được mục tiêu chung. Khi lãi suất trái phiếu dài hạn của Ý tăng lên – bằng chứng cho thấy thị trường muốn thu về những khoản lợi lớn hơn khi đầu tư vào khối tài sản rủi ro cao, các nhà đàu tư cho rằng họ sẽ được lãnh đạo các nước châu Âu bảo vệ nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Vì vậy, rất khó để xây dựng được  một niềm tin cho thị trường trong bối cảnh hiện tại, khi mà khủng hoảng đang gần kề.