Trang chủ » Điểm nóng » Trảm dự án ‘ba không’ và ‘thiết quân luật’ đầu tư

Trảm dự án ‘ba không’ và ‘thiết quân luật’ đầu tư

Tác giả:

Nghịch lý qua những con số

Thực tế, tái cấu trúc đầu tư ở đã được thực hiện từ 10 năm qua, khởi động manh nha từ chính yêu cầu nền kinh tế chuyển dịch cơ cấu để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp, hiện đại vào năm 2020.

Nhìn lại 10 năm qua, cơ cấu kinh tế Việt Nam đã chuyển biến mạnh mẽ, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế này vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ như nông nghiệp mặc dù đã giảm từ 50% GDP xuống 20% GDP vào năm 2010, nhưng vẫn cao hơn so với mục tiêu 17% theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010. Tỷ trọng khu vực dịch vụ hiện chỉ chiếm 38% GDP, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 41% GDP.

Đáng chú ý là, xu hướng điều chỉnh vốn đầu tư phân bổ cho các khu vực kinh tế và mức đóng góp của các khu vực này vào GDP lại có khoảng cách chênh lệch khá lớn. Ngân sách Nhà nước đã đầu tư mạnh, ưu tiên cho công nghiệp, xây dựng, tăng trên 10 điểm phần trăm lên hơn 50% nhưng mức đóng góp vào GDP của khu vực này lại chỉ tăng trên 2 điểm phần trăm lên hơn 39% sau 10 năm.

Chỉ số này cho thấy, hiệu quả đầu tư cho công nghiệp không cao. Tình trạng này càng thể hiện rõ ở khu vực kinh tế Nhà nước.

Chính phủ cần kiên quyết từ chối các dự án “ba không” (ảnh: Phạm  Huyền)

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, suốt 15 năm qua, kinh tế Nhà nước được rót vốn tới 60% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng đóng góp vào GDP quốc gia thấp hơn nhiều. Nguồn ngân sách Nhà nước bỏ ra trong đầu tư công thường xuyên chiếm trên 40% và có giai đoạn căng thẳng vì khủng hoảng như 2008-2009, đã vọt lên 60%, làm tăng áp lực bội chi ngân sách.

Bên cạnh các lý do yếu kém khi tính toán đưa quyết định đầu tư, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, có một lý do khác xuất phát từ việc làm quy hoạch đầu tư ở Việt Nam. Hiện nay, quy hoạch đầu tư đều được xây dựng dựa theo địa giới hành chính. Cách làm này đã phản tác dụng với mong muốn phát triển cân đối cơ cấu đầu tư, phát huy lợi thế so sánh vùng. Mỗi tỉnh mạnh ai nấy làm, có riêng danh mục đầu tư và hệ quả là, nhiều tỉnh có danh mục đầu tư giống nhau. Tỉnh A làm cảng biển thì tỉnh B cũng muốn làm cảng biển, tỉnh này làm khu công nghiệp lớn, có nhiều FDI vào thì tỉnh bên cạnh cũng muốn ganh đua, tìm mọi giá để mời nhà đầu tư vào. Tình trạng trên khiến cho quy mô kinh tế bị bó hẹp trong một tỉnh, các tỉnh vô tình phải cạnh tranh nhau, nguồn lực bị phân tán lãng phí mà không tạo ra sức mạnh tổng hợp bứt phá cho cả nền kinh tế.

Tỷ lệ vay trong đầu tư công đang từ 15% trong 3 năm 2006-2009 thì đến năm 2010, đã gấp 3 lần với mức 36%.

Hệ số ICOR luôn cao. Nếu năm 2000, ICOR chỉ ở mức 4,83 thì đến năm 2010, ICOR đã tăng lên 6,3. Trong khi đó, tốc độ tăng GDP của năm 2000 và năm 2010 là tương đương nhau, lần lượt là 6,79% và 6,78%.

Cắt giảm, điều chuyển vốn công mang nặng tính hình thức

Chia sẻ câu chuyện này, TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn nói, kỷ luật cắt giảm đầu tư phải xem xét, siết chặt lại.

Ông nói: “Chính phủ đưa ra con số cắt giảm 10.000 dự án, hơn 85.000 tỷ đồng nhưng lại không nói rõ là dự án nào, theo tiêu chí nào. Hơn nữa, các con số đưa ra này liệu có thực chất hay chỉ là con số danh nghĩa trên giấy?

Ông Cung phân tích: “Nếu là giảm so với kế hoạch đưa ra ban đầu, hoặc giảm theo kiểu không ứng vốn ngân sách năm 2012 thì liệu có còn ý nghĩa?”

Ngay tại Bộ Kế hoạch Đầu tư, công việc đánh giá, giám sát được giao cho một vụ chuyên môn, nhưng thực tế, chỉ là công việc tổng hợp báo cáo một cách bị động. Mỗi năm 2 lần, Vụ này nhận báo cáo giám sát đầu tư từ các tỉnh, thành địa phương, từ các Tập đoàn ,Tổng công ty, sau đó tổng hợp lại với nội dung dành phần lớn cho việc đánh giá “kỹ thuật”, “chất lượng” bảo báo cáo: có bao nhiêu đơn vị nộp đủ hay không nộp đủ báo cáo, nội dung báo cáo có đầy đủ theo mẫu hay không?

Bản chất hiệu quả của các dự án trọng điểm đều không được phản ánh đầy đủ, cập nhật kịp thời. Nói cách khác, công việc giám sát các dự án đầu tư này gần như phụ thuộc vào chính tính trách nhiệm và tính trung thực từ các địa phương và các Tập đoàn. Do đó, số liệu đầu tư không đầy đủ, thiếu chính xác. Chức năng giám sát đánh giá đầu tư trở thành kém hiệu lực, kém hiệu quả.

Phải chăng, đây cũng chính là nguyên nhân vừa qua, nhiều địa phương đã chần chừ, không chịu cắt giảm vốn như chỉ đạo của Chính phủ và thậm chí, còn phình thêm 180 dự án mới không đúng tiêu chí đầu tư cấp bách?

Loại bỏ dự án “ba không”

Theo các chuyên gia của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để tái cấu trúc đầu tư thành công, Chính phủ cần phấn đấu giảm tổng đầu tư xã hội nói chung từ mức 43% GDP hiện nay xuống mức dưới 35% GDP, trong đó, giảm mạnh nhất là đầu tư công xuống dưới 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội.

Tình thế hiện nay của Việt Nam đã rất “căng”, bội chi xấp xỉ 5% GDP, nợ công đang ở mức trên 57% GDP và tương lai có thể tăng tới 70% GDP, các chuyên gia cho rằng, Việc Nam càng không thể gia tăng đầu tư công hơn nữa, nhất là thông qua kênh vay nợ nước ngoài.

Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư cơ sở hạ tầng cấn sớm ban hành (ảnh: Phạm Huyền)

Một động thái cụ thể hơn là Chính phủ cần kiên quyết từ chối những dự án “ba không”. Đó là dự án không rõ mục đích, không rõ đầu tư để làm gì và cho ai, không cân đối được nguồn lực gây chậm trễ tiến độ, giảm hiệu quả, và không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp, gây lãng phí nguồn lực của dân.

Thậm chí, các chuyên gia của cơ quan này còn kiến nghị, trước mắt có thể xóa ngay những công trình dự án thấy trước là không có hiệu quả. Nguyên tắc nhất quán trong quản lý đầu tư là Nhà nước rút dần khỏi lĩnh vực kinh doanh vì lợi nhuận, cái gì tư nhân làm được thì cần để tư nhân làm. Nhà nước chỉ làm công việc duy nhất là giúp người dân làm giàu cho chính mình và cho quốc gia.

Điểm cuối cùng, theo các chuyên gia kinh tế, một thiết chế mới trong cách thức đầu tư, quản lý đầu tư phải được thiết lập. Đây là thời điểm cấp bách để Chính phủ phải nghiên cứu gấp việc sửa đổi lại Nghị quyết 08/2004 về phân cấp đầu tư, đồng thời, ban hành thêm 3 luật mới là Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư cơ sở hạ tầng và Luật Quy hoạch.

Một số quy định nghiêm cần được áp dụng ngay như trong 3 năm, không điều chỉnh quy hoạch đã duyệt, cấp nào cân đối được vốn đến đâu thì quyết định đầu tư đến đó, chỉ quyết định đầu tư các công trình hạ tầng khi có nguồn vốn. Ít nhất trong 3 năm tới từ nay tới 2013, Chính phủ không nên mở thêm dự án hạ tầng mới.