Trang chủ » Tranh luận » Tư duy kinh tế kiểu… để mất tê giác

Tư duy kinh tế kiểu… để mất tê giác

Tác giả:

Con tê giác một sừng cuối cùng tại Việt Nam đã chết. Tuyệt chủng. “Thật đau lòng khi những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài tê giác này. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam”, bà Trần Minh Hiền, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tại Việt Nam, thông báo.

Khi tìm thấy con tê giác này, trong chân của nó đã bị găm một viên đạn và sừng tê giác đã bị mất. Nếu tình trạng trên không được cải thiện, nhiều loài khác tại Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi. Giới chuyên gia cho rằng, các khu bảo tồn tại Việt Nam cần phải có nhiều kiểm lâm hơn, họ cần được đào tạo và giám sát tốt hơn nữa, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình cao hơn.

“Hôm nay chúng ta không chỉ nói về số phận con tê giác cuối cùng ở Việt Nam, mà nhiều loài nữa ở vườn quốc gia Cát Tiên và ở Việt Nam nói chung”, ông Nick Cox, quản lý Chương trình loài của WWF khu vực Mekong, nói.

Đúng là chúng ta không chỉ nói về số phận con tê giác nữa. Theo ông Jonathan Eames, nhà động vật học nhiều tâm huyết với việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam, cái chết của con tê giác lần này là một chuyện lớn mà không phải ai cũng hiểu hết tính hệ trọng. Dưới con mắt của những người như Eames, việc Việt Nam để xảy ra cái chết này đồng nghĩa với việc nước này chưa thể hiện trách nhiệm xứng đáng với mong đợi của cộng đồng quốc tế. Trong thời đại hội nhập toàn cầu, việc tham gia sâu và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế được xem như một trong những điều kiện để các nhà đầu tư, các nhà tài trợ xét đến khi tính tới Việt Nam.

Chuyện con tê giác lần này không phải là chuyện riêng của những nhà bảo tồn. Với những nhà kinh tế và quản lý, từ chuyện con tê giác, cần phải nghĩ về cách quản lý kinh tế theo kiểu mất bò mới lo làm chuồng.

Công tác dự báo thiếu cơ sở khoa học và ít chính xác. Kế hoạch gìn giữ chưa chặt chẽ và hoàn chỉnh. Tầm nhìn chưa dài hạn nhưng triển khai lại dùng dằng, túc tắc, theo kiểu nước đến chân mới nhảy. Những điều này chưa phải là tất cả, song đã nhiều lần dẫn đến tình trạng mất bò mới lo làm chuồng tại Việt Nam.

Điều hành kinh tế có thể học hỏi gì từ việc tê giác Java bị tuyệt chủng tại Việt Nam?

Trường hợp điển hình gần đây nhất là vụ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Không chỉ có cà phê Buôn Ma Thuột, một thương hiệu khác nổi tiếng về cà phê ở Việt Nam là Đăk Lăk cũng đã bị Công ty Itm Entreprises (Société Anonyme) ở Pháp đăng ký độc quyền nhãn hiệu dưới tên của mình. Chứng nhận do cơ quan Sở hữu trí tuệ Pháp cấp từ ngày 25/9/1997, được đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác.

Nếu lường trước sự việc và rốt ráo triển khai thực hiện ngay từ đầu, những chuyện như vậy không thể xảy ra. Từ nhà quản lý cho tới doanh nghiệp cà phê chỉ biết giật mình và luống cuống tìm cách chữa cháy, dù việc bảo vệ thương hiệu hoàn toàn có thể lường trước được.

Một trường hợp điển hình khác cũng xảy ra trong năm nay cho thấy hệ quả đau đớn của một tư duy mất bò mới lo làm chuồng. Đó là việc các doanh nghiệp vàng Việt Nam hồi giữa năm nay đã tìm mọi cách khẩu vàng ra nước ngoài để kiếm lãi ngắn hạn. Không lâu sau đó, giá vàng tăng cao liên tục. Việt Nam lại phải bỏ tiền ra nhập khẩu cả chục tấn vàng về để bình ổn thị trường trong nước. Vàng đi qua đi về và một lượng ngoại tệ quý giá lọt vào tay nước ngoài rõ như ban ngày. Đây là điển hình của lối làm ăn thiếu tính toán, dự báo và bộp chộp. Tiếc thay không chỉ các doanh nghiệp có kiểu làm ăn đó.

Về vĩ mô, thời gian qua Việt Nam cũng nếm trải nhiều hệ quả do dự báo chưa dài hạn, chưa đủ chính xác cùng với việc phân tích, so sánh, nhận diện các yếu tố mới. Cùng với đó, việc chỉ đạo, điều hành đối với một số ngành, lĩnh vực chưa uyển chuyển, thiếu sự phối hợp, hoặc có hiện tượng luẩn quẩn, nhất là tăng trưởng và lạm phát. Hậu quả là kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp đi trong khi lạm phát cao lên.

Chúng ta đã quá quen thuộc với những yếu kém trong công tác quản lý kinh tế, quen cả với việc chấp nhận những hậu quả đau đớn mỗi khi có những sự cố xảy ra xuất phát từ kiểu quản lý đó. Nhưng không thể quen mãi như vậy. Có những thứ vỡ lở có thể khắc phục, cứu chữa, nhưng có những thứ sẽ ra đi mãi mãi như con tê giác quý hiếm kia. Đã đến lúc phải thực sự nghiêm túc và biết lo xa trước khi mọi việc đi đến kết thúc không thể cứu vãn.

Còn có nhiều thứ quan trọng hơn mà nếu không tính xa thì có ngày có lẽ cũng không cứu vãn được, chẳng hạn lòng tự trọng. Lòng tự trọng ở đâu khi người ta coi việc hối lộ và nhận hối lộ là chuyện bình thường? Có lẽ đã đến lúc phải làm công tác bảo tồn với những điều quý giá ngay từ lúc này, không thể để đến khi nó biến mất.

Trong tự nhiên, tê giác gần như không có kẻ thù nào trừ con người. Trong đời sống kinh tế xã hội, có lẽ những điều quý giá nhất cũng chỉ có một kẻ thù như vậy mà thôi.