Trang chủ » Điểm nóng » Nặng tư duy nhiệm kỳ, đua nhau ‘chạy’ dự án

Nặng tư duy nhiệm kỳ, đua nhau ‘chạy’ dự án

Tác giả:

Bên lề hội thảo về tái cơ cấu đầu tư công do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức vừa qua, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ với Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet về câu chuyện này.

Tư duy nhiệm kỳ là triệu chứng của cơ chế

– Thưa ông, nhiều chuyên gia đã phê bình rằng, nguyên nhân gốc rễ của những yếu kém trong đầu tư công hiện nay là căn bệnh tư duy nhiệm kỳ. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Ông Vũ Khoan: Tôi cho rằng, đây cũng là một hiện tượng xã hội hết sức bình thường, nhưng vì sao, giờ trong điều hành kinh tế xã hội hiện nay, lại vẫn “đẻ” ra cái này thì chúng ta phải xét tới gốc rễ. Gốc rễ có vấn đề mà chúng ta không phá bỏ thì không được.

Thứ nhất, sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay thực chất vẫn dựa trên cơ chế bao cấp, tập trung hóa, mà biển hiệu là cơ chế xin- cho. Chuyện đầu tư công không hiệu quả ở ta đã kéo dài suốt từ trong quá khứ cho đến nay. Vì trong gen của chúng ta chưa thoát được cơ chế quan liêu, làm kế hoạch hóa đó nên hành vi vẫn chứa đựng tính cách này, vẫn phân bổ ngân sách, phân bổ chiếc bánh theo kiểu anh xin tôi cho, trung ương phân cấp cho địa phương…

Thứ hai là quy hoạch kinh tế xã hội hiện vẫn chia cắt và thực hiện lẫn lộn giữa địa giới hành chính và không gian kinh tế. Mỗi tỉnh là một nền kinh tế hoàn chỉnh với đầy đủ cơ cấu ngành, lĩnh vực…

Cơ chế với 2 nhánh gốc rễ như vậy đã “đẻ” ra tư duy nhiệm kỳ, địa phương chủ nghĩa. Nói cách khác, tư duy nhiệm kỳ chỉ là hiện tượng bên ngoài, là triệu chứng của cơ chế thôi. Nếu không triệt tiêu cái nguồn gốc sinh ra tư duy như vậy mà cứ giải quyết cái phần ngọn thì chúng ta sẽ chẳng thay đổi được gì.

– Ông thẳng thắn nhìn nhận, căn bệnh tư duy nhiệm kỳ hiện nay đang hoành hành như thế nào?

Ông Vũ Khoan: Tập trung hóa, quan liêu bao cấp vẫn còn hiện diện. Mỗi nhà lãnh đạo tỉnh khi mới lên chức đều phải cố gắng để lại dấu ấn nào đó trong nhiệm kỳ của mình. Thế nên, chẳng tội gì các vị ấy không đi xin cái gì đó để có được dấu ấn. Thành tích, vị trí của địa phương lại tính theo tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm nên địa phương phải làm gì đó để GDP của mình hoành tráng chứ!

Việt Nam có tới hơn 100 cảng biển, nhưng phần nhiều trong số đó hoạt động không hiệu quả. Đó là hệ quả của đầu tư công tràn lan dẫn tới cuộc chạy đua cảng biển. Ảnh minh họa

Rõ ràng là, trong nhiệm kỳ của mình, các nhà lãnh đạo tỉnh, thành phố đều phải thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội đặt ra, nếu thực hiện thắng lợi những mục tiêu đó thì các vị ở lại, còn không làm được thì e là bị mời nhường ghế cho người khác.

Họ sẽ cố để thực hiện dự án trong thời gian nhiệm kỳ mình để đạt được lợi ích của họ. Vậy nên suy cho cùng, tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có mục đích là làm lợi cho nhóm cá nhân nào đó.

Tư duy như vậy nên các địa phương mới có chuyện “chạy” dự án. Chính cơ chế đã đẻ ra bệnh này.

GDP là định hướng chứ không phải pháp lệnh

– Có ý kiến cho rằng, nên chăng trong các kế hoạch kinh tế xã hội, Chính phủ nên bỏ chỉ tiêu tăng trưởng GDP để bớt động lực sản sinh tư duy nhiệm kỳ? Nhiều nước không dựa vào chỉ tiêu này như một thành tích phát triển.

Ông Vũ Khoan: Đặt ra mục tiêu GDP thì nước nào cũng có cả, chỉ có họ khác mình ở chỗ, chỉ số GDP chỉ là định hướng chứ không phải là pháp lệnh. Ở Việt Nam, khi Quốc hội đưa chỉ tiêu này vào Nghị quyết, nghĩa là Pháp lệnh rồi. Trong khi các nước khác, Quốc hội chỉ thông qua các cân đối ngân sách chứ không thông qua chỉ tiêu GDP phải là bao nhiêu %, lạm phát phải bao nhiêu.

Vì người ta quan niệm, đánh giá GDP của địa phương tăng lên bao nhiêu là do doanh nghiệp làm, Nhà nước không đánh giá vai vế của địa phương về chuyện đó, mà đánh giá an sinh xã hội ra sao, đánh giá việc quản lý hành chính, chính trị như thế nào. Vì lẽ đó, các nhà lãnh đạo địa phương không phải chạy theo nhiệm kỳ như ở ta.

Cái gốc của một quốc gia phát triển hưng thịnh chính là cân đối vĩ mô đảm bảo, ổn định. Nếu Quốc hội thông qua các cân đối vĩ mô này thì lạm phát không thể tăng vọt.

– Thưa ông, ngay cả bây giờ, kỳ họp Quốc hội  thảo luận về kế hoạch kinh tế xã hội năm 2012 rồi kế hoạch giai đoạn 5 năm vẫn theo cách cũ, với các mục tiêu GDP, CPI, phân bổ ngân sách… Làm sao chúng ta thay đổi được tư duy nhiệm kỳ đã tồn tại trong gen chúng ta từ nhiều năm nay?

Ông Vũ Khoan: Đúng là, trong bối cảnh đã chuyển sang kinh tế thị trường rồi nhưng cách làm kế hoạch kinh tế xã hội hiện nay của chúng ta vẫn thể hiện là hành động kiểu tập trung bao cấp, kể từ việc xây dựng kế hoạch cho tới khi thông qua kế hoạch. Lời nói và hành động không đi đôi với nhau.

Tuy nhiên, chúng ta không thể mong nói thay đổi tư duy nhiệm kỳ hôm trước mà hôm sau làm ngay được. Thay đổi nếp nghĩ, nếp tư duy đã hình thành tồn tại  lâu là rất khó. Bản thân kế hoạch 5 năm đã thế rồi thì “cựa” đi đâu nữa? Cho nên, ta phải dần dần có thời gian để làm việc này và phải có quyết tâm rất cao mới có thể làm được.

Trong đó, điều cơ bản hiện giờ là chúng ta cần triệt hẳn cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liệu bao cấp đi. Chúng ta phải thay đổi tư duy, đơn cử như việc doanh nghiệp Nhà nước phải đặt trong thế bình đẳng với tất cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào phải làm nhiệm vụ chính trị thì Nhà nước hãy đặt hàng riêng, thanh toán riêng. Doanh nghiệp Nhà nước không có tội nhưng do cơ chế nên bị biến thành như vậy. Họ lẫn lộn giữa nhiệm vụ chính trị và kinh tế, giờ chúng ta phải tách bạch hai vấn đề này ra.

Nói dễ nhưng làm không dễ đâu vì thay đổi mạnh sẽ khiến thay đổi lại hết mọi cân đối, tính toán. Nên bàn về tái cơ cấu đầu tư công vẫn phải trở lại câu hỏi muôn thuở: bắt đầu từ đâu? Lộ trình thế nào? Chứ nếu thay đổi liên tục thì rất khó, không thể nào làm được.