Trang chủ » Điểm nóng » Nói và làm: ‘Chợ’ vàng phải khác chợ rau

Nói và làm: ‘Chợ’ vàng phải khác chợ rau

Tác giả:

Nhiều năm qua, dù cơ quan quản lý đã mất nhiều công sức mà vàng vẫn chưa hết loạn. Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng.

Dự thảo được xây dựng theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ, hạn chế kinh doanh vàng miếng; nâng cao các điều kiện và quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời vẫn đảm bảo quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân.

Theo đó, NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng. Đồng thời, sẽ tăng các điều kiện để giảm số DN được phép sản xuất vàng miếng và NHNN sẽ quản lý chặt hạn mức sản xuất, thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không khuyến khích hoạt động mua bán vàng miếng.

NHNN sẽ quản lý quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm tạo kiểm soát lượng vàng xuất khẩu, nhập khẩu cũng như điều tiết cung – cầu trên thị trường, hạn chế tình trạng xuất nhập lậu vàng, đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh vàng khác như kinh doanh vàng mỹ nghệ cũng được siết chặt theo hướng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Riêng đối với đầu tư vàng trên tài khoản, vàng phái sinh sẽ được kiểm soát rất chặt và chỉ được xem xét cụ thể đối với từng trường hợp trong từng thời kỳ nhất định.

Đi cùng với việc siết chặt quy định, gia tăng các điều kiện để hạn chế việc kinh doanh vàng tràn lan khó quản lý nhưng dễ gây ra hậu họa, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất tăng cường quyền hạn của mình trong việc quản lý, điều tiết và can thiệp thị trường vàng

Chính sách mới như hai gọng kìm để ép thị trường vàng đi vào khuôn khổ cần thiết của một lĩnh vực kinh doanh mặt hàng đặc biệt, kinh doanh có điều kiện. Điều này sẽ tạo ra hai hệ quả tức thì, một là sẽ loại bỏ được nhiều đối tượng kinh doanh trên thị trường vàng, hạn chế và sàng lọc để chọn lọc được các đối tượng tốt tham gia kinh doanh, từ đó tạo ra một cơ cấu thị trương tốt hơn, dễ quản lý hơn. Hai là thị trường sẽ chịu sự can thiệp một cách trực tiếp và mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý. Tất nhiên, luật chơi trên thị trường cũng ngiêm khắc hơn.

Việc mua bán vàng ở Việt Nam vẫn được ví là không khác gì “mua bán rau nơi chợ cóc”.(ảnh minh họa – Lao Động)

Nhớ lại cách đây mấy năm, khi thị trường vàng miếng liên tiếp náo loạn vì tăng giá, bất ổn vì đầu cơ, nhập lậu cho đến chất lượng không đảm bảo, thì các bộ ngành mới rà soát lại và thấy, một thị trường quan trọng, có tác động lớn đến đời sống người dân và nèn kinh tế lại đang được quản lý khá lỏng lẻo. Mỗi đơn vị, bộ ngành chỉ nắm một mảng riêng lẻ, thiếu phối hợp và đồng bộ.

Chúng ta không có một chính sách chung và đầy đủ về quản lý vàng; không ó đầu mối chịu trách nhiệm quản lý chính thị trường vàng. Trên thực tế, việc mua bán vàng ở Việt Nam vẫn được ví là không khác gì “mua bán rau nơi chợ cóc”.

Thậm chí, thời kỳ 2008 – 2009, khi kinh doanh vàng trên tài khoản tạo ra nhiều tác hại đến thị trường vàng, tỷ giá và ổn định kinh tế, Chính phủ lo lắng đăt ra yêu cầu quản lý thì mới vỡ ra chưa có văn bản nào cho phép hay cấm hoạt động này. Đúng – sai rất khó trả lời, trách nhiệm không quy về ai.

Chính vì thế, với những quy định quản lý đề ra trong dự thảo, không chỉ những nhà soạn thảo mà ngay cả chuyên gia và các đối tượng đang kinh doanh trên thị trường đều cho rằng đây sẽ tạo ra một sự thay đổi với về chất đối với thị trường. Nó được kỳ vọng sẽ tạo ra nền tảng để xây dựng một cấu trúc thị trường mới ổn định hơn, đảm bảo quyền lợi của người dân, tác động tốt cho nền kinh tế.

Một chính sách rất được mong đợi, được xây dựng trong một thời gian dài và chịu nhiều tương tác qua giai đoạn thị trường có nhiều xáo động sẽ sớm khả thi trong thực tế để thị trường vàng bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Tuy nhiên, hoàn thiện chính sách với các quy định chặt chẽ và khả thi mới chỉ là bước đi đầu tiên cho ta những cơ sở và điều kiện ban đầu để hy vọng về sự ổn định. Quan trọng hơn là chính sách cần được cụ thể hóa bằng các biện pháp cụ thể và phải được thực thi một cách kiên trì và triệt để.

Đây không hẳn là nghi ngờ mà nhìn sang thị trường ngoại hối, đã từ lâu có một hệ thống quy định và sự quản lý khá đồng bộ những vẫn chưa hết những bất cập và biến động. Ngay cả vấn đề lãi suất, với nhiều tầng lớp quy định từ luật, nghị định, thông tư cho đến các chỉ thị và mệnh lệnh lệnh quản lý hành chính và rồi thỏa thuận từ nguyện mà cũng liên tục bị phá rào. Cho đến gần đây tình hình mới chấn chỉnh phần nào nhờ kỷ luật thép. Vì thế, đối với vàng, một chính sách mới sẽ không dễ dàng thành công mà đòi hỏi phải có thời gian và quá trình thực thi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khi tất cả những điều trên được thực hiện nhưng một khi dân vẫn tin vào vàng và coi tích trữ vàng là an toàn nhất, cũng chưa hẳn hết các bất ổn tiềm ẩn và chưa thể yên tâm về vàng.

Điều đó có nghĩa một khi lòng tin vào đồng nội tệ chưa được củng cố, vàng hay các tài sản tài chính khác vẫn được người dân ưa chuộng đầu tư và đầu cơ thì vẫn chưa hết bất ổn. Bên cạnh đó, việc ổn định vị mô, duy trì sự phát triển kinh tế bền vững cũng là yếu tố tiên quyết để ổn định giá vàng.

Đó là những vấn đề dài hạn nhưng cấp bách cần phải được giải quyết để tạo ra nhân tố ổn định cho mọi thị trường, trong đó có vàng. Nếu không mọi quy định cũng chỉ là tạm thời và hạn chế.