Trang chủ » Kinh tế 24h » Cổ đông lớn ồ ạt mua cổ phiếu

Cổ đông lớn ồ ạt mua cổ phiếu

Tác giả:

Hàng loạt cổ đông nội bộ của các doanh nghiệp (DN) niêm yết hoặc lãnh đạo DN vừa hoàn tất việc mua cổ phiếu cũng như đăng ký sẽ tiếp tục mua với lượng khá lớn trong thời gian tới. Những động thái này đang khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Chi gần trăm tỉ đồng mua cổ phiếu

Thông tin gây chú ý nhất là việc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thông báo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT, sẽ mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG trong vòng 3 tháng tới. Nếu tính với giá thị trường khép lại ngày cuối năm của HAG là 17.000 đồng/cổ phiếu thì để mua đủ số lượng cổ phiếu này, ông

Đoàn Nguyên Đức phải bỏ ra 85 tỉ đồng.

Tương tự là trường hợp đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của ông Thái Văn Mến, Tổng Giám đốc ITA (thời gian đăng ký mua là 3 tháng kể từ ngày 6-1 đến 6-3-2012 thông qua hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận). Nếu tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 30-12-2011 của ITA là 6.500 đồng/cổ phiếu thì để hoàn tất việc mua 10 triệu cổ phiếu, ông Mến phải bỏ ra 65 tỉ đồng…

Trước đó, hàng loạt DN niêm yết khác cũng đã công bố thông tin về việc các thành viên HĐQT, cổ đông nội bộ đã mua một khối lượng lớn cổ phiếu. Chẳng hạn: Ông Lê Xuân Thắng, ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tây (DHT), đã mua 237.000 cổ phiếu DHT, tăng tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu này từ 1,5% lên 7,25%. Hay ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), cũng vừa hoàn tất việc mua 300.000 cổ phiếu SMC, nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 13,18% lên 14,4%…

Trong suốt thời gian dài vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn trong tình trạng lình xình giảm điểm khiến không ít nhà đầu tư đã chán nản quay lưng với thị trường. Vì vậy, động thái mua vào của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ gần đây được nhìn nhận là vấn đề lớn của thị trường và được nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có kinh nghiệm, “soi” theo nhiều góc độ khác nhau.

Chuyện gì sau động thái mua vào?

Theo nội dung công bố thông tin thì ông Thái Văn Mến cho rằng việc mua 10 triệu cổ phiếu ITA là để đầu tư. Thực tế, giá cổ phiếu ITA hiện nay đã là thấp nhất kể từ khi niêm yết. Còn ông Đoàn Nguyên Đức cũng khẳng định: “Mua để làm của chứ không phải mua để làm giá”…

Đề cập động thái mua cổ phiếu của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ trong giai đoạn này, một chuyên gia phân tích tài chính cho rằng nhiều khả năng cổ đông nội bộ nhận thấy giá cổ phiếu đã quá thấp, trong khi họ tin tưởng vào tiềm lực của công ty mình nên đã mạnh tay mua vào. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp cổ đông thông báo mua vào nhưng cuối cùng lại không mua và đổ thừa vì nhiều lý do. Đó cũng có thể được nhìn nhận như một hành động “làm giá” cổ phiếu mà nhà đầu tư lâu nay luôn hoài nghi.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lưu ý: Ngoài hoạt động giao dịch thuần túy về giá trị của các tài sản công ty, các nhà quản lý có thể thực hiện một số mục tiêu khác khi giao dịch mua bán cổ phiếu. Chẳng hạn như họ mua vào để bảo đảm giá trị tỉ lệ chi phối, biểu quyết. Nếu điều này xảy ra có thể họ sẽ bán ra vào thời điểm sau đại hội cổ đông để thu hồi vốn sử dụng cho các mục đích khác của riêng họ…

Có nhiều lý do

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng động thái mua của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của các DN phần nào cho thấy những tín hiệu chỉ báo giá trị công ty đang bị định giá thấp hơn nhiều so với giá trị vốn có của tài sản. Do đó, họ mua vào để chờ đợi khi thị trường không còn hoảng loạn sẽ định giá lại tài sản và làm cho giá trị cổ phiếu công ty tăng giá trở lại.

Trên thế giới, nếu hành vi giao dịch của người bên trong công ty mà gắn với những khoản lợi nhuận đột biến sẽ là tâm điểm cho những cơ quan điều tra về hành vi giao dịch nội gián. Mặt khác, hành động mua bán thường xuyên của cổ đông nội bộ sẽ gây rủi ro cho các nhà đầu tư bên ngoài nên các nhà đầu tư ở những thị trường phát triển sẽ không lựa chọn những công ty kiểu này để đầu tư vốn.

(Theo NLĐ)