Trang chủ » Thế giới » Hàng xa xỉ dần lên ngôi tại Bắc Triều Tiên

Hàng xa xỉ dần lên ngôi tại Bắc Triều Tiên

Tác giả:

Sở thích của giới thượng lưu

Sở thích dùng hàng hiệu nhập khẩu của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, nay đã lan sang tầng lớp quý tộc giàu có của nước này, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Một phiên thanh tra của Liên Hợp Quốc và các dữ liệu thương mại từ Trung Quốc cho thấy, các sản phẩm xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên bao gồm xe ô tô, thuốc lá, máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị điện trong nước đều tăng đáng kể trong 5 năm qua. Hầu hết các mặt hàng được nhập qua biên giới Trung Quốc.

Các dữ liệu rõ ràng cho thấy sơ hở trong cơ chế trừng phạt, thể hiện ở việc Trung Quốc nay đã trở thành nhà cung cấp chính các loại mặt hàng được coi là xa xỉ cho Bắc Triều Tiên trong khi sản lượng xuất khẩu từ các nước khác vào Bắc Triều Tiên giảm hẳn

Số liệu cũng cho thấy sự xuất hiện của một tầng lớp mới ở Bắc Triều đủ giàu để mua hàng nhập khẩu. Một số nhà phân tích cho rằng nhóm này thể hiện những động lực mạnh mẽ nhất cho cải cách kinh tế và có khả năng sẽ làm suy yếu sự kìm kẹp độc đoán của triều đại dòng họ Kim.

Nhu cầu về hàng tiêu dùng Trung Quốc không chỉ  giới hạn trong các chính khách. Andrei Lankov, một nhà nghiên cứu tại Đại học Kookmin (Seoul) ước tính giới tinh hoa chính trị Bắc Triều Tiên (bao gồm hàng nghìn nhà lập sách và1 triệu nhân viên trung và cao cấp tại các cơ quan) vốn chỉ nhận mức lương chính thức hàng tháng từ 2 USD đến 3 USD/ tháng, nay có thể kiếm tới15 USD/ tháng qua việc bán các mặt hàng nhập khẩu.

Tầng lớp doanh nhân mới ở Bắc Triều Tiên (chiếm 1% dân số, tương đương khoảng 240.000 người) hiện cũng đã bắt đầu kiếm được vài trăm USD/ tháng. GS. Lankov cho hay.

“Nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa sang trọng đang được thúc đẩy bởi các giai cấp tư sản mới,” ông nói. GS. Lankov cũng cho biết, ông đã gặp một người đào ngũ vào năm 2008 tuyên bố đã kiếm được 1.000 USD/tháng  từ việc nhập khẩu thuốc lá từ Trung Quốc và bán nó ở Bắc Triều Tiên trong bao bì giả.

Trào lưu của dân thường

Không thể xác minh chính xác ai đang thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc. Bắc Triều Tiên cũng không công bố bất kỳ loại dữ liệu thương mại nào, cũng không cho phép tiến hành các nghiên cứu thị trường độc lập trong nước. Tuy nhiên, các quốc gia khác xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên đã làm báo cáo xuất khẩu, số liệu đã được thông qua vào cuối năm 2010 và gần đây đã được tổng hợp trong Cơ sở Dữ liệu Thương mại Hàng hóa của Liên Hợp Quốc.

Ví dụ. trong số các sản phẩm rượu nhập khẩu vào Bắc Triều Tiên từ Hong Kong trong năm 2010 có 839 chai rượu trị giá trung bình 159 USD/ chai và 17 chai có giá 145 USD/ chai. Năm 2010, Bắc Triều Tiên cũng nhập khẩu 14 màn hình video màu từ Hà Lan, trị giá 8.147 USD và 50.000 chai rượu từ Chile, Fance, Nam Phi và nhiều quốc gia khác cùng 3.559 bộ videgame từ Trung Quốc.

Người dân Cộng hòa DCND Triều Tiên dần chuộng các mặt hàng thời thượng

Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, từ năm 2007, nhập khẩu các mặt hàng ô tô, máy tính xách tay, điều hòa nhiệt độ vào Bắc Triều Tiên đã tăng gấp bốn lần, trong khi nhập khẩu điện thoại di động tăng hơn 4.200%, chủ yếu là các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã thay thế Nhật Bản, trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất vào Bắc Triều Tiên từ năm 2006 và từ năm 2010, Trung Quốc đã soán ngôi của Singapore trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm thuốc lá vào Bắc Triều Tiên. Thuốc lá được coi là các mặt hàng xa xỉ trong các lệnh trừng phạt.

“Những mặt hàng khác như đầu DVD, điện thoại di động sẽ góp phần dần thay đổi xã hội Bắc Triều bằng việc giúp người dân biết thêm về thế giới bên ngoài”, Jiyoung Song, một nhà nghiên cứu trong nhóm một think tank có trụ sở tại Londo London, Chatham House, nhận định.

Một phần trong đó có thể dành để phục vụ số lượng nhỏ khách du lịch, giới ngoại giao, thương nhân ngoại quốc sống trong nước. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng khác rõ ràng là dành cho người dân Bắc Triều Tiên. Ô tô là một trong số những biểu tượng địa vị cao nhất và thường được nhà nước nhập khẩu dành tặng như một món quà cho các quan chức cao cấp trung thành.

Chỉ tính riêng năm 2010, Bắc Triều Tiên đã nhập khẩu 3.191 ô tô, trị giá 59.976 USD/chiếc, phần lớn là từ Trung Quốc.

Một trong những số liệu đáng kể nhất là sự gia tăng chóng mặt trong nhập khẩu điện thoại di động. Sở hữu điện thoại di động đã có thời bị coi là phạm tội. Chỉ tính riêng năm 2010, Bắc Triều Tiên đã nhập khẩu 433.183 chiếc điện thoại di động trị giá trung bình 81 USD/ chiếc, cũng chủ yếu là từ Trung Quốc. Orascom, công ty viễn thông Ai Cập cho ra đời mạng điện thoại đầu tiên và duy nhất tại Bắc Triều Tiên vào năm 2008 cho biết, mạng lưới người dùng của hãng đã lên tới 809.000 người vào quý III năm 2011.