Trang chủ » Kinh tế 24h » Phá trần lãi suất: Ngày càng khó tố cáo

Phá trần lãi suất: Ngày càng khó tố cáo

Tác giả:

Ngày 9/1, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết, hiện tượng vượt rào lãi suất huy động có dấu hiệu tái diễn cuối năm 2011, một số nơi là 19-20% một năm.

Ông Nghĩa khẳng định, lãi suất huy động trong những ngày gần đây đã được một số ngân hàng đẩy lên mức 19-20% một năm, cao hơn nhiều so với trần 14% mà Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu tuân thủ. Cá biệt, lãi suất tiền gửi vào ngân hàng này có lúc lên tới 21%.

Thực tế, phá trần lãi suất huy động là điều đang diễn ra và được các nhà băng ngầm thực hiện gần đây. Những người đi gửi tiền với số tiền trên 1 tỷ  tại các ngân hàng nhỏ thời gian gần đây đều có thể dễ dàng đạt được mức thỏa thuận lên đến 18,5%.

Thậm chí, có rất nhiều người đang gửi tiền ở ngân hàng này nhưng liên tiếp nhận được lời chào mời từ nhân viên các ngân hàng khác với lãi suất lên đến gần 20%.

Trao đổi về vấn đề này, giám đốc chi nhánh một ngân hàng cho biết, việc phá trần lãi suất đang là thực tế và có nguyên nhân là do các ngân hàng khó khăn về thanh khoản cuối năm. Tuy nhiên, không loại trừ, một số chi nhánh, phòng giao dịch vì muốn đạt chỉ tiêu huy động để lấy thưởng nên sẵn sàng bỏ tiền để tặng khách hàng nhằm huy động được vốn.

Tuy nhiên, sau việc thực thi kỷ luật mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước thì việc phá trần hiện cũng được thực hiện khá kín kẽ. Các ngân hàng luôn tìm hiểu các khách hàng mới một cách rất kỹ để tránh bị gài bẫy. Trong khi đó, việc chi tiền cho lãi suất vượt trần thường thực hiện dưới dạng trao đổi cá nhân và sau khi thực hiện giao dịch gửi tiền khá xa.

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Nội, cho hay: “Trên thực tế, kỷ cương lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng chỉ giữ được từ ngày 7/9 đến hết tháng 9/2011. Còn từ tháng 10/2011 đến nay, đặc biệt là tháng 12/2011, thị trường ngân hàng đang phải chịu đựng tình trạng mặc cả lãi suất, song không dễ phát hiện, không dễ tố cáo”.

Còn đại diện SeABank cho biết, hiện tượng mặc cả lãi suất đang xảy ra với mức lãi suất huy động lên tới 17- 20%/năm. Thậm chí, có nhiều ngân hàng đến tận nhà khách hàng để xin trả phần tiền chênh lệch. Nhiều ngân hàng khác cũng cho hay, nếu Ngân hàng Nhà nước không khẩn trương siết lại kỷ cương, tình trạng mặc cả lãi suất sẽ còn diễn biến trong năm 2012.

Hiện tượng lách trần lãi suất cũng đã được các ngân hàng phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước. Tại hội nghị ngành ngân hàng đầu tháng 12/2011, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, đã cho biết, đầu tháng 12, hiện tượng lách trần lãi suất đã lại xuất hiện và cần phải kiểm soát chặt.

Theo ông Hà, cách đây mấy ngày, có người đã mang khoản tiền 15 – 16 tỷ đến đổi 15% không được đồng ý đã chuyển sang chỗ khác. Hành động của các ngân hàng hiện nay rất tinh xảo và tinh vi.

Với thực tế lách trần lãi suất hiện nay, các chuyên gia cho biết thực tế thanh khoản của các ngân hàng vẫn còn căng thẳng. Thậm chí, theo ông Lê Xuân Nghĩa, 2012, câu chuyện chính của ngân hàng vẫn là thanh khoản.

Với thanh khoản còn khó khăn, các ngân hàng vẫn bất chấp tất cả để huy động vốn. Tuy nhiên, một khi những quy định về vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng lớn bị siết chặt thì các ngân hàng sẽ buộc phải tìm cách để huy động trên thị trường dân cư. Và biện pháp hiệu quả nhất vẫn là chạy đua lãi suất.

Theo các chuyên gia, một khi vấn đề thanh khoản chưa được giải quyết thì chuyện hạ lãi suất sẽ rất khó thực hiện. Khả năng lãi suất huy động về 12% trong đầu năm 2012 là điều không dễ.