Trang chủ » Kinh tế 24h » Cuối năm: Mỹ phẩm nhập lậu đổ vào Việt Nam

Cuối năm: Mỹ phẩm nhập lậu đổ vào Việt Nam

Tác giả:

Phát hiện hàng tấn mỹ phẩm nhập lậu

Ngày 10/1, lực lượng chức năng TP. Hà Nội kiểm tra trụ sở của Công ty TNHH và TM Đồng Phát Hong Kong (phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) và phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Tại đây, nhà chức trách phát hiện hàng chục loại mỹ phẩm chuyên dùng cho dưỡng và làm tóc nhãn hiệu Makayry, trên bao bì ghi nơi sản xuất tại Tây Ban Nha.

Tại thời điểm kiểm tra, Giám đốc Công ty TNHH và TM Đồng Phát Hong Kong Phạm Thị Hiền (SN 1986, trú tại Hải Dương) không xuất trình được bất cứ loại hóa đơn chứng từ nào để chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Qua lời khai ban đầu của Hiền, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra kho hàng của công ty này tại quận Long Biên (Hà Nội) và phát hiện rất nhiều mỹ phẩm với cùng nhãn mác như trên. Cơ quan chức năng đã thu giữ hàng nghìn lọ mỹ phẩm với trọng lượng lên tới gần 3 tấn. Toàn bộ số mỹ phẩm này đều không có giấy chứng nhận sử dụng của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Trước đó, cũng có nhiều vụ nhập lậu mỹ phẩm được phát hiện. Vào đầu tháng 10 năm 2011, lực lượng liên ngành cũng phát hiện gần 1.000 sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc tại Trung tâm Thiết bị y tế và mỹ phẩm Tiến Thịnh (trụ sở ở đường Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những sản phẩm mỹ phẩm này gồm các loại: bột đắp da mặt, kem tẩy tế bào chết, kem massage giảm béo, kem làm mềm da… được đóng gói cẩn thận, không có tem nhãn phụ, hướng dẫn bằng tiếng Việt cùng nhiều máy chăm sóc da mặt và được bày bán công khai. Lực lượng chức năng cũng phát hiện tại cơ sở trên nhiều vỏ chai, lọ nhựa, nhiều khả năng dùng vào việc chia nhỏ, đóng gói mỹ phẩm.

 

Chủ cơ sở trên thừa nhận số mỹ phẩm này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Gần 1.000 sản phẩm mỹ phẩm này được cơ sở thu mua trôi nổi trên thị trường, với giá rẻ để bán lại kiếm lời. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này nhập vào và bán ra khoảng 500kg mỹ phẩm, trong đó có tới 90% không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, được nhập khẩu từ Trung Quốc. Được biết, đây là cơ sở chuyên cung cấp mỹ phẩm và dụng cụ thẩm mỹ cho nhiều spa trên địa bàn Hà Nội.

Ngày 28/4/2011, lực lượng chức năng Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Hạnh phúc Mỹ phẩm (số 301 Giảng Võ, Đống Đa) và phát hiện 223 sản phẩm quá hạn sử dụng, 1.894 sản phẩm kém chất lượng và 1.884 sản phẩm không có hạn sử dụng… Những sản phẩm gần hết hạn hoặc đã hết hạn sử dụng được công ty này “phù phép” bằng cách dán mác mới đè lên mác cũ để kéo dài hạn sử dụng, lừa người tiêu dùng. Một số mặt hàng không có hóa đơn chứng từ.

Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2011, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 105 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm với hơn 500 nghìn đơn vị sản phẩm các loại là hàng giả, hàng lậu, quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn mác hàng hóa, chất lượng… Tuy nhiên, những vụ việc được phát hiện và ngăn chặn chỉ là con số rất nhỏ. Việc đấu tranh, ngăn chặn chưa đạt hiệu quả cao một phần do thiếu sự phối hợp về thông tin, hành lang pháp lý giữa các lực lượng chủ công như y tế, quản lý thị trường và công an.

Làm hỏng da hơn là làm đẹp

Theo báo cáo mới đây của Công ty Nielsen và Tổ đặc quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, có tới 47% dược phẩm, mỹ phẩm ở Hà Nội là giả và mỗi ngày có trên 10 bệnh nhân đến khám chữa bệnh do sử dụng hóa mỹ phẩm không rõ xuất xứ. Con số này cho thấy mức độ “phổ cập” của mỹ phẩm giả cao đến thế nào. Mỹ phẩm giả hiện rất phổ biến, hàng thật có gì thì hàng giả có nấy. Hàng giả thậm chí được bày bán công khai ở các tuyến phố, chợ đêm, chợ đầu mối. Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) được coi là “thánh địa” của hàng mỹ phẩm giả, nhái, với đầy đủ các tên tuổi nổi tiếng trên thị trường. Nhãn hiệu làm giả rất tinh vi, nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt.

Con số trên khiến nhiều chị em phải giật mình xem lại khoản đầu tư cho nhan sắc của mình. Thiếu kiến thức, thiếu thông tin, giữa một rừng mỹ phẩm thật giả lẫn lộn, nhiều người đã trở thành nạn nhân của mỹ phẩm nhái, giả, kém chất lượng. Nhiều chị em vì muốn làm đẹp nhanh chóng, ham rẻ đã vô tư sử dụng các loại mỹ phẩm mà không biết rõ công dụng của mỹ phẩm đó thế nào, tác hại ra sao. Lợi dụng điều này, nhiều người vì hám lợi đã bỏ qua vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng để kinh doanh trục lợi.

Cũng có nhiều người bỏ ra cả tiền triệu vào spa những mong được dùng sản phẩm mỹ phẩm cao cấp, chính hãng. Tuy nhiên, thực tế, không ít sản phẩm trong số này là các mỹ phẩm kém chất lượng. Lợi dụng lòng tin của khách hàng, nhiều cơ sở spa đã trà trộn mỹ phẩm nhái, giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ được nhập từ các đại lý kinh doanh bất chính, rồi nâng giá lên cao gấp nhiều lần để kiếm lời.

Những vụ mỹ phẩm nhập lậu bị phát hiện thời gian qua đã dấy lên lo lắng về những mối nguy hại tiềm tàng mà mỹ phẩm giả đem lại. Theo các chuyên gia da liễu, những sản phẩm mỹ phẩm, sữa tắm làm giả, chất lượng kém đều gây hại tới sức khỏe người dùng, vì những sản phẩm này gây nguy hại trực tiếp cho những người có cơ địa dị ứng. Thậm chí, ngay cả những người có cơ địa khỏe mạnh, khi tiếp xúc nhiều với những loại hoá chất lạ có trong những mặt hàng mỹ phẩm giả, kém chất lượng có thể bị tổn thương và mắc các bệnh về da ở những vùng da tiếp xúc với hoá chất, mỹ phẩm.