Trang chủ » Kinh tế 24h » Món độc gia đình thành đặc sản bán chạy

Món độc gia đình thành đặc sản bán chạy

Tác giả:

“Vụ mùa ngắn ngày”

Năm nào cũng thế, cứ đến 15 tháng Chạp, anh Long chị Hương (Nhân Chính, Hà Nội) lại ngồi tính toán gạo, rong, đậu, thịt, lạt… chuẩn bị cho vụ làm ăn duy nhất và cuối cùng của năm: làm bánh chưng. Gia đình đã có truyền thống làm bánh chưng có tiếng trong làng Nhân Chính từ 20 năm trước, nên các công đoạn và kỹ thuật để làm ra bánh ngon, anh chị quá rành. Thế nên, dù hiện giờ người công tác tại cơ quan nhà nước, người ở nhà buôn bán tại nhà, nhưng đến vụ Tết nào, anh chị cũng tất tay đầu tư cho việc kinh doanh bánh chưng.

Ngoài bánh chưng, có người lại nghĩ ra hình thức kinh doanh tranh thủ kiểu khác.

Bà Thu (55 tuối) đã về hưu ở nhà trông cháu ngoại từ lâu nhưng giáp Tết năm nay quyết định để cháu cho bà nội trông để bà ngoại làm ăn. Tận dụng tài nấu ăn, bà Thu nghĩ ra món ăn mới lạ đơn giản ngon miệng mà không phải chị em nào cũng có thời gian làm để làm sẵn cho gia đình trong những ngày lễ lạt, chỉ muốn được nghỉ ngơi. Món ăn của bà cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu của người quen. Năm nay, bà duy nhất làm một món: khoai chiên.

Món ăn kiểu “độc quyền” như thế này thường dành cho khách quen là chính. Khách đặt hàng không quá nhiều, chủ yếu là họ hàng, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp… nhưng yêu cầu về chất lượng rất cao. Vì thế, chủ hàng cũng phải tỉ mỉ trong công đoạn sản xuất, đáp ứng cho sát với nhu cầu của khách, kẻo vì mấy món ăn ngày Tết mà lại “mất cả bạn bè”. Giá cả kiểu hàng đặt riêng như thế này cũng tùy nhà sản xuất.

Như anh chị Hương – Long, không nhận đặt bánh với số lượng lớn, chỉ từ 1.000-2.000 chiếc nhưng kích cỡ đồng lọat và giá thành mỗi chiếc thường cao hơn so khoảng 30-40% so với giá thông thường, mà bánh thường nhỉnh hơn cả về chất và lượng.

Bánh loại to, giá thường từ 50.000 đến 70.000/ chiếc, có lúc lên đến cả 100.000/chiếc. Bánh đặt cho khách quen nên mỗi khách yêu cầu một kiểu, nhà nhiều bánh ít nhân, nhà nhiều nhân ít bánh, nhà lấy bánh sớm hẳn, nhà tận sáng 30 mới lấy, chủ vẫn chiều, thậm chí mang đến tận nơi. Có khách đặt nhiều còn được chủ hàng khuyến mại thêm lọ hành muối, vừa như biếu, vừa như ‘khuyến mại”.

Nếu khéo léo và chịu khó, một vụ bánh chưng Tết có thể mang lại món lời không nhỏ trong dịp Tết.

Còn món khoai chiên của bà Thu, khoai được làm theo kiểu riêng, bọc bột đã được pha chế gia vị và nước sốt đặc biệt, lạ miệng hơn bình thường. Khoai được chiên sẵn một lượt, để ráo mở và bọc trong giấy thấm dầu đựng trong túi giấy, chia sẵn theo từng cân. Khách mua về, để tủ lạnh, khi nào ăn chiên lại một lượt là có món nhậu với beer hoặc ăn thêm trong bữa cỗ ngày Tết. Một kg khoai chiên sẵn giá từ 70.000 – 100.000/ kg, trừ nguyên liệu, cả công cả lãi vào khoảng 30.000-60.000/kg.

Không khí Tết, các nhà thuờng hay biếu nhau món lạ miệng ăn ngon ngày Tết, nhà nào đã đặt thường thêm cho bạn bè, người quen. Vì thế, giá trị mỗi đơn hàng cũng lãi hơn bán nhỏ lẻ thông thường.

Khách đặt khoai tây chiên của Bà Thu thường đặt cả 10kg một lượt, tính ra bà Thu cũng lãi ít nhất 300.000. Còn một vụ bánh chưng như của chị Hương anh Long, trừ vốn liếng, một tuần làm bánh chưng cho khách quen như thế (1.000-2.000 chiếc), chủ hàng có thể lãi từ 5-7 trệu đồng, tùy giá đầu vào.

Đặc sản trong nhà thành hàng hot

Tranh thủ làm ăn kiểu này, các “thương nhân mùa vụ” thú nhận thường rất mệt. Thay vì tranh thủ đi làm và chuẩn bị mua sắm cho gia đình, thì các công đoạn mua sắm cho gia đình phải chuẩn bị từ trước Tết một thời gian dài, dành những ngày cận Tết để tranh thủ làm ăn.

Để chuẩn bị làm bánh chưng, ngay từ hai tuần trước Tết, anh Long bắt đầu mua vài trăm gạch, xi măng về đắp hai cái lò ở ngay trong mảnh sân trước nhà. Gọi thêm một người họ hàng đang giai đoạn “nông nhàn” từ quê lên, cả gia đình vợ chồng, con cái được huy động để dóc lá, rửa lá, vo gạo, đãi đỗ… chuẩn bị tất cả các công đoạn chuẩn bị gói bánh. Tuần trước Tết, thay vì chuẩn bị mua sắm, dọn dẹp thì gia đình nào tranh thủ vụ Tết như thế sẽ tất tả làm hàng kịp giao cho khách đúng hẹn.

Bánh gói xong, cho vào nồi luộc là lúc cả nhà phân công nhau hàng loạt công vịêc: đặt báo thức dậy đổ thêm nước vào nồi; rồi phải căn để không cạn nước, bánh chín đều. Vớt bánh xong đã những ngày giáp Tết, con cái bố mẹ – tất tả túi lớn túi bé mang hàng trả đến từng nhà hàng xóm, hoặc không thì cũng ong đầu tính bánh trả cho khách. Thời điểm nhạy cảm, bận rộn, trễ hẹn giao hàng là khách dễ nổi xung. Chưa kể trả xong bánh, còn công đoạn dỡ lò, dọn nhà, trang hoàng lại nhà cửa cho tươm tất kịp đêm 30 đón giao thừa.

“Có năm đón giao thừa xong, cả nhà ngủ một mạch đến trưa mùng 1 mới thức dậy. Tết mới bắt đầu.”, anh Long nói.

Trường hợp ‘làm ăn’ của bà Thu cũng li kỳ không kém: dịp cận Tết con cái thường bận rộn nhờ bà trông cháu hoặc mua sắm hộ nhưng việc đã nhận làm, không thể bỏ. Tiền không thiếu, nhưng làm kiểu này vừa vui, lại có thêm thu nhập đặc biệt tiêu pha mua sắm ngày Tết, chưa kể mọi người cũng vui vì có món lạ miệng. Sở thích, nể nang, món ăn đơn giản mà có lãi khá, bà Thu vẫn đang hồ hởi nhận thêm hàng.

Tuy bận rộn mệt mỏi đúng vào thời điểm cuối năm chuẩn bị đón Tết cho gia đình, nhưng vì lãi trong kinh doanh kiểu này rất khá, nên nhiều nhà vẫn theo.

Còn từ phía khách, đặt hàng người quen thường yên tâm cả về chất lượng. Trong khi càng cận Tết tình hình thực phẩm bẩn càng nghiêm trọng, đặt hàng người quen là phương án ngon – sạch, dù giá có hơi chát hơn bình thường. Chưa kể nếu quen được những mối có món ăn độc đáo, lạ miệng, khách càng thích vì Tết có món lạ đãi khách. Kinh doanh kiểu gia đình dịp Tết, lợi cả đôi bên!

Rõ ràng có 1001 kiểu kinh doanh ngày Tết nếu chịu khó đầu tư thời gian và đánh đúng thị hiếu của những người xung quanh. Từ những món hàng tưởng như bình thường hằng ngày, bất kỳ ai cũng có thể kiếm một món ‘hời’ chỉ trong vài ngày lễ Tết.