Trang chủ » Điểm nóng » Xăng rởm gây cháy xe: Nghi ngờ chưa có cơ sở

Xăng rởm gây cháy xe: Nghi ngờ chưa có cơ sở

Tác giả:

– Thưa ông, loại vi phạm xăng không đạt trị số octan đã được biết đến nhiều nhưng gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện vi phạm xăng không đạt chuẩn như hàm lượng methanol quá cao. Trước đây, vi phạm pha chế các phụ gia khiến xăng không đạt chuẩn đã xảy ra nhiều chưa? So với xăng trị số octan thấp thì việc pha tạp các phụ gia như vậy có tác hại ra sao?

Ông Trần Quốc Tuấn: Về phần tình hình vi phạm pha trộn tạp chất vào xăng dầu trước đây, hiện chúng tôi chưa có đủ cơ sở để trả lời cụ thể câu hỏi này. Đề nghị nhà báo có thể liên lạc cơ quan công an và cơ quan quản lý thị trường.

Tuy vậy, trong khoảng thời có nhiều thông tin về cháy xe từ 15/12/2011 đến đầu tháng 1/2012, chúng tôi đã kiểm tra lấy mẫu xăng dầu lưu thông trên 5 địa bàn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Qua phân tích 27 mẫu thì chỉ phát hiện 2 mẫu có hàm lượng methanol cao. Đó là một mẫu có hàm lượng methanol chiếm 15,3% thể tích của cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, Công ty CP sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm, địa chỉ Km 9 đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội, một mẫu có hàm lượng methanol chiếm 4,6% thể tích của cửa hàng tạp hóa bán lẻ Đình Hiến- trụ bơm bán lẻ lề đường số 1A153 Ấp 1, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Về tác hại, chúng tôi có thể khẳng định, việc pha trộn các phụ gia không cho phép vào xăng dầu sẽ có một số ảnh hưởng nhất định đến ôtô, xe máy khi sử dụng. Nhưng, phải biết đó là phụ gia nào thì mới có thể biết những tác hại cụ thể mà nó có thể gây ra.

Ví dụ nếu pha methanol vào xăng với hàm lượng cao quá, như trên 15% thể tích có thể gây ăn mòn các chi tiết bằng đồng, nhôm trong động cơ xe. Nếu sử dụng trong thời gian dài loại xăng pha methanol cao, cũng sẽ ảnh hưởng đến cái chi tiết đàn hồi của động cơ như cao su, nhựa.

– Dư luận nghi ngờ vào nguyên nhân cháy xe là do nhiên liệu không đảm bảo. Bước đầu, ông có đánh giá thế nào về sự nghi ngờ này của dư luận kết nối giữa việc xăng không đạt chuẩn với việc các vụ cháy nổ xe đã xảy ra?

Nghi ngờ này không có cơ sở khoa học. Lý do là bởi xăng có chỉ số octan thấp không thể gây hiện tượng cháy nổ xe. Tuy nhiên, xe chạy với xăng có trị số octan thấp hơn so với quy định của nhà chế tạo thì sẽ gây hiện tượng kích nổ làm giảm công suất của động cơ, nóng máy, tạo khói đen gây ô nhiễm môi trường.

Xăng dầu chỉ là chất dễ cháy khi gần nguồn nhiệt. Tự xăng dầu không thể cháy được.

Qua thử nghiệm các mẫu xăng lấy từ 3 xe máy bị cháy dở tại Hà Nội, Đà Nẵng và nơi chủ xe đã mua xăng, kết quả thấy không phát hiện có methanol và acetone. Với hai mẫu xăng lấy tại cửa hàng phát hiện methanol cao tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì kết quả cũng không có thông tin liên quan đến xe bị cháy.

Như vậy, chưa có căn cứ khẳng định xăng dầu có chất lượng kém, có methanol cao là nguyên nhân gây cháy xe.

– Các doanh nghiệp xăng dầu đều than rằng kiểm soát chất lượng xăng dầu ở khâu lưu thông là rất khó khăn. Nếu lực lượng quản lý thanh kiểm tra thường xuyên hơn, hàng tuần, hàng tháng thì sẽ phát hiện kịp thời nhiều vụ việc vi phạm hơn, qua đó có tác dụng răn đe trên toàn xã hội. Ông có đánh giá thế nào về ý kiến này?

Chúng tôi cho rằng, người sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa mà mình kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện và thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm.

Việc thanh tra kiểm tra phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tình hình thực tế thị trường, nguồn lực mà tổ chức thực hiện để phù hợp yêu cầu quản lý từng giai đoạn.

– Nhiều ý kiến người dân đề nghị cần tăng chế tài xử phạt vi phạm, bắt buộc gắn hộp đen giám sát hành trình xe bồn chở xăng dầu, công khai danh tính người vi phạm. Ông có thể cho biết, để ngăn ngừa triệt để, tận gốc vấn đề pha trộn xăng dầu trái pháp, cần có giải pháp gì?

Để ngăn ngừa triệt để, tận gốc vấn đề pha trộn xăng dầu trái phép, chúng tôi cho rằng cơ bản có 4 giải pháp cần phải được làm tốt.

Thứ nhất, đó là truyên truyền mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là việc rất cần thiết để toàn dân tham gia phát hiện hành vi pha trộn xăng trái phép.

Thứ hai, các cơ quan chức năng đều cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm và đủ mạnh đối với loại hành vi này.

Thứ ba là quy định rõ trách nhiệm của các nơi bán xăng dầu khi phát hiện vi phạm về chất lượng cũng như khi phát hiện dấu hiệu về hành vi thông đồng với việc cắt niêm phong xe chở xăng. Vì khi nhập xăng dầu về, trách nhiệm của các điểm nhận hàng là phải kiểm tra niêm phong kẹp chì bồn chở xăng của phương tiện vận chuyển.

Thứ tư, biện pháp gắn hộp đen giám sát hành trình của phương tiện chuyên chở xăng dầu là cần, nhưng tôi cho là chưa đủ.

Nếu làm tốt đồng thời 4 nội dung này thì có thể sẽ hạn chế thấp nhất gian lận trong mua, bán xăng dầu.

Năm 2011, tính tới 10/12/2011, qua kiểm tra 116 mẫu xăng và dầu diezel của 101 cở sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước, có 18 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 15,5% số mẫu đã kiểm tra. Chủ yếu là xăng không đạt chỉ số octan và dầu diezel không đạt hàm lượng lưu huỳnh.

Từ 15/12/2011 đến đầu tháng 1/2012, phân tích 27 mẫu xăng lưu thông tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, phát hiện 2 mẫu có hàm lượng methanol cao, chiếm 7% số mẫu đã kiểm tra.