Trang chủ » Thế giới » Sau scandal: Quá nổi tiếng Apple không thèm thay đổi

Sau scandal: Quá nổi tiếng Apple không thèm thay đổi

Tác giả:

>> Kỳ trước: iPhone hào nhoáng và sự trả giá của mạng người

Môi trường làm việc khắc nghiệt

Thành Đô, thành phố nằm ở Tây Nam Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên. Thành phố với 12 triệu dân này là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của thế giới. Có hàng trăm nhà máy sản xuất tập trung tại đây, trong đó có cả Foxconn, hãng xuất khẩu linh kiện lớn nhất Trung Quốc và cũng là một trong những nơi tập trung nhiều công nhân nhất, với hơn 1,2 triệu người. Foxconn có nhà máy đặt tại khắp Trung Quốc, lắp ráp khoảng 40% lượng thiết bị điện tử tiêu dùng trên thế giới, cho các hãng lớn như Amazon, Dell, HP, Nintendo, Nokia và Samsung.

Riêng với nhà máy của Foxconn đặt tại Thành Đô, tại đây công nhân chỉ làm một sản phẩm duy nhất, và cũng là sản phẩm đang phát triển mạnh nhất của Apple hiện nay: iPad.

Nhà máy này làm việc liên tục 24 giờ một ngày. Trong khu vực sửa chữa các linh kiện của nhà máy, các công nhân phải làm việc dưới các ánh đèn chiếu sáng mờ nhạt. Bất cứ lúc nào cũng có thể bắt gặp cảnh hàng ngàn công nhân đứng cạnh dây chuyền lắp ráp, đang ngồi hay quỳ bên cạnh máy móc thiết bị lớn. Chân của một số người đã bị sưng phồng lên. “Thật khó để đứng cả ngày,” ông Zhao Sheng, một công nhân nhà máy nói.

Trên các bức tường của nhà máy dán đầy những biểu ngữ cảnh báo hơn 120.000 nhân viên với nội dung: “Làm việc chăm chỉ hôm nay hay phải đi tìm việc vào ngày mai.”

Trên các tờ báo, website tin tức lẫn các cộng đồng mạng đang sôi sục vì những sản phẩm hoàn hảo iPhone, iPad được làm trên mồ hôi, nước mắt và thậm chí mạng người công nhân.

Mặc dù trong những điều khoản của mình với các nhà cung cấp, Apple quy định công nhân không được làm quá 60 tiếng/tuần, nhưng tại Foxconn, nhiều công nhân đã phải làm việc nhiều hơn. Bảng lương của một cựu công nhân tại đây, ông Lai Xiaodong, cho thấy ngay khi vừa vào làm ông đã làm tới 12 giờ một ngày, sáu ngày một tuần trong nhà máy.

Cách nhà máy sản xuất không xa là khu ký túc xá của công ty, nơi có 70.000 công nhân Foxconn sống, với những căn hộ có 3 phòng nhưng đôi khi phải chứa đến hơn 20 người. Năm ngoái, một cuộc tranh cãi về mức lương đã dấy lên một cuộc bạo động trong trong các ký túc xá, người lao động đã ném chai, thùng rác và giấy đang cháy ra ngoài. Theo các nhân chứng, hai trăm cảnh sát đã phải vật lộn với công nhân và bắt giữ 8 người mới dập tắt được cuộc bạo động. Sau đó, thùng rác đã bị gỡ bỏ, hiện tại trong ký túc xá không có thùng rác và trở thành nơi thích hợp cho chuột và các loại bọ sinh sống.

Mặc dù cả điều kiện làm việc lẫn sinh hoạt tại Foxconn không lấy gì làm tốt đẹp, nhưng trong một tuyên bố gần đây của mình, công ty này cho biết họ tôn trọng những quy định mà các khách hàng yêu cầu, và tuyên bố rằng mình hoạt động đúng theo tiêu chuẩn công nghiệp và pháp luật quốc gia. Foxconn cũng cho biết họ chưa bao giờ bị khách hàng hay chính phủ cảnh báo về việc thuê người chưa đủ tuổi lao động, bắt nhân viên làm việc quá sức hay tiếp xúc với các chất độc hại.

“Tất cả các nhân viên lắp ráp được cho nghỉ ngơi thường xuyên, bao gồm một giờ nghỉ trưa”, và chỉ có 5% công nhân dây chuyền lắp ráp được yêu cầu phải đứng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Trạm làm việc đã được thiết kế với tiêu chuẩn ergonomic, và nhân viên có cơ hội luân phiên các công việc của mình và được đề bạt”, công ty này đã viết trong báo cáo của mình như vậy.

Tuyên bố này trái ngược với những cả những báo cáo của Apple. Trong 3 năm từ năm 2007 đến 2010, Apple đã tiến hành hơn 312 cuộc kiểm toán, và thống kê cho thấy, hàng năm có một lượng lớn nhân công phải làm việc tăng ca và nhiều hơn 6 ngày trong tuần. Một số công nhân nhận được lương ít hơn mức tối thiểu hoặc bị phạt tiền. Apple cũng ghi nhận hơn 70 vi phạm cơ bản trong thời gian này, bao gồm những trường hợp như lao động không tự nguyện, công nhân ở dưới độ tuổi lao động, xử lý hóa chất độc hại không đúng cách và hơn 100 công nhân đã bị ảnh hưởng bởi chất độc.

Thế nhưng, trong báo cáo của mình, Foxconn vẫn tự hào viết “Hồ sơ của Foxconn rất an toàn. Foxconn đã đi được một chặng đường dài trong nỗ lực dẫn đầu tại Trung Quốc trong các lĩnh vực như điều kiện làm việc, chăm sóc và điều trị của các nhân viên của mình.”

Danh tiếng cản trở những thay đổi tích cực

Mỗi năm, cũng như tin đồn về dòng sản phẩm tiếp theo của iPhone hay iPad, các trang web và một số tờ thương mại bắt đầu dự đoán xem ai sẽ là nhà cung cấp số một của Apple. Việc giành chiến thắng trong cuộc đua  này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích và danh tiếng cho nhà cung cấp đó. Nhưng rất ít công ty dám khoe khoang về vấn đề này. Apple luôn yêu cầu các hãng cung cấp nếu muốn ký hợp đồng thì phải đảm bảo sẽ không tiết lộ bất cứ điều gì, kể cả quan hệ đối tác.

Phải chăng danh tiếng đang cản trở Apple và đối tác của mình thay đổi điều kiện làm việc khắc nghiệt của công nhân?

Theo một cựu điều hành cấp cao của Apple, sự thiếu minh bạch này một mặt giúp cho công việc và kế hoạch của Apple được giữ bí mật, nhưng một mặt nó cũng tạo rào cản trong việc tăng cường chất lượng làm việc.

Trong tháng 1 vừa qua, sau khi chịu nhiều sức ép của nhiều tờ báo lớn, trong đó có The New York Times, Apple đã công bố tên của 156 nhà cung cấp của mình. Trong báo cáo kèm theo một danh sách, Apple cho biết những nhà cung cấp này “chiếm hơn 97% những gì phải trả để sản xuất ra các sản phẩm của mình.”

Tuy nhiên, Apple vẫn không tiết lộ tên của hàng trăm công ty khác không trực tiếp hợp đồng với mình, nhưng lại chế tạo sản phẩm cho các nhà cung cấp. Bản danh sách được công bố cũng không chỉ đích xác nơi đặt các nhà máy, và nhiều nơi rất khó tìm. Các tổ chức giám sát độc lập cho biết, khi họ đã cố gắng kiểm tra các nhà cung cấp, họ đã bị đuổi ra theo lệnh của Apple.

“Thực sự có một văn hóa bí mật ở Apple và nó có ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ”, một cựu giám đốc của hãng cho biết.

Tuy nhiên, theo người điều hành tiền nhiệm của Apple cho biết, thực sự có rất ít áp lực cho sự thay đổi. Apple hiện là một trong những thương hiệu được ngưỡng mộ nhất. Trong một cuộc khảo sát quốc gia được thực hiện bởi The New York Times trong tháng mười một, 56% số người được hỏi cho biết họ không thể nghĩ về bất cứ điều gì tiêu cực về Apple. 14% nói rằng điều tồi tệ nhất về công ty là sản phẩm của họ quá đắt. Chỉ 2% đề cập đến thực hành lao động ở nước ngoài. Vì vậy, có rất ít động lực thúc đẩy cho sự thay đổi triệt để, hầu hết các lãnh đạo trong nội bộ Apple cũng có suy nghĩ như vậy.

“Bạn có thể lựa chọn giữa sản xuất trong một nhà máy thoải mái, thân thiện với nhân viên, hoặc bạn có thể đưa ra những dòng sản phẩm mới mối năm, làm cho nó tốt hơn và nhanh hơn và rẻ hơn,”

“Nhưng ngay bây giờ, khách hàng quan tâm nhiều hơn tới một iPhone phiên bản mới hơn là tìm hiểu về điều kiện làm việc tại Trung Quốc.”, một giám đốc điều hành của Apple cho biết.