Trang chủ » Điểm nóng » Hết lý do vẫn trì hoãn giảm lãi suất

Hết lý do vẫn trì hoãn giảm lãi suất

Tác giả:

Những chỉ đạo chưa thành hiện thực

Sự vô lý nằm ở chỗ, định hướng và mong muốn này được chỉ đạo và đồng thuận từ những lãnh đạo cao nhất của đất nước cho tới những người dân bình thường.

Và cho đến nay, bất kể có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay khuất tất gì hay không, trong bối cảnh hiện nay, không còn nhiều lý do để việc hạ lãi suất huy động tiếp tục bị trì hoãn.

Trước hết, Thủ tướng Chính phủ từ cuối năm ngoái đã có những chỉ đạo trực tiếp về việc phải hạ lãi suất để hồi phục kinh tế, để cứu hàng loạt các doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản.

Thủ tướng khi đó nhấn mạnh không có lý do gì không hạ được lãi suất cho vay xuống khi liên tục trong sáu trước đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 1%. Khi lạm phát giảm thì lãi suất cho vay phải hạ theo. Trách nhiệm và nhiệm vụ của ngân hàng là duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đổ hàng loạt không phải chỉ là doanh nghiệp đó khó khăn mà ngân hàng cho vay vốn sẽ bị tác động ngay. Vì 70% vốn của doanh nghiệp là từ ngân hàng.

Cho tới thời điểm hiện tại, lạm phát tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn khi mà chỉ số giá tiêu dùng tháng giáp Tết (tháng 1) đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lạm phát tháng 2 được dự báo cũng sẽ không cao do sức mua thời điểm Tết và sau Tết có biểu hiện thấp hơn nhiều các năm và giá cả hàng hóa không biến động nhiều.

Mới nhất, trong Nghị quyết số 03 về phiên họp thường kỳ tháng 1/2012 được ban hành ngày 8/2/2012, Chính phủ yêu cầu NHNN phải có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngay trong quý 1/2012; theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp.

Ý kiến nhiều chuyên gia về vấn đề này cũng không có gì khác biệt. Với họ, các doanh nghiệp khó lòng sống nổi với mức lãi suất 20-25% như hiện nay. Một số  cho rằng các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ chịu đứng ở mức không quá 10%/năm. Việc hạ lãi suất là cấp bách như ruộng khô thiếu nước.

Các doanh nghiệp thì khỏi phải nói, việc hạ lãi suất là điều mà trong mơ có khi họ cũng nghĩ tới.

Đa số nhà đầu tư và nhiều người dân hẳn cũng trông mong điều này. Với họ, để có thể mua được căn nhà, để vay tiền cho sản xuất hộ gia đình, để cho mớ chứng khoán bớt teo tóp theo đà đi xuống của các doanh nghiệp niêm yết… thì lãi suất trước tiên phải giảm.

Mơ hồ thời điểm quyết định

Một đối tượng tưởng chừng không muốn giảm lãi là ngân hàng cũng đang có những động thái ngược lại. Nhiều ngân hàng lớn trong thời gian vừa qua liên tục giảm lãi suất cho vay. Với những ngân hàng này thanh khoản giờ không còn phải là vấn đề. Tình hình bi bét của các kênh đầu tư khác như hiện nay dường như đã khiến một lượng tiền lớn trong dân chảy vào và nằm trong các két của ngân hàng an toàn. Các ngân hàng nhỏ và yếu kém khác cũng đã qua thời kỳ khó khăn nhất về thanh khoản. Việc hạ lãi suất huy động có thể cũng không ảnh hưởng nhiều tới họ.

Gần đây, đại diện của NHNN cũng cho rằng, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều cho dù tiền bơm ra trước Tết đã được hút về.

Lạm phát đã hạ nhiệt trong một thời gian dài (có thể còn tiến triển tích cực trong các tháng tiếp theo) và thanh khoản đã được cải thiện. Vậy thì tại sao lãi suất vẫn chưa được kéo xuống?

Trước đó NHNN đã mạnh dạn kéo lãi suất huy động xuống 14% và mạnh tay xử lý các ngân hàng huy động vượt trần để một phần nới nút thít ở cổ các doanh nghiệp ra, một phần để kiểm tra sức khỏe thực sự của các ngân hàng. Kết quả là đã có những tiến triển sớm hơn dự kiến trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Đã có những ngân hàng tự nguyện sáp nhập với nhau.

Với tình hình hiện nay khi mà yếu tố lạm phát đã được kiềm chế khá tốt và thanh khoản ngân hàng ở mức ổn định hơn (lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, gần đây có kỳ hạn thậm chí xuống dưới 10%), thì tại sao NHNN không có một động thái tương tự là tiếp tục kéo lãi suất huy động xuống tiếp? Lãi suất giảm vào thời điểm này chắc hẳn sẽ không nguy hiểm về thanh khoản đối với ngân hàng như trước đó.

Hơn thế, nếu lặp lại “bài cũ” trong quá trình tái cấu trúc thì việc hạ lãi suất rất có thể sẽ lại giúp NHNN tìm ra được các ngân hàng thực sự yếu kém.

Một trong những chủ trương của Thống đốc NHNN là tái cấu trúc theo cách thức “ném chuột không vỡ bình”. Điều  này cũng đúng, bởi sự ổn định của ngân hàng liên quan tới ổn định xã hội. Việc tái cấu trúc phải thực sự êm xuôi. Nhưng có thể thấy, trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng nhất” như cuối năm vừa qua, việc sáp nhập 3 ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM vẫn diễn ra rất tốt đẹp. Không có bất cứ một xáo trộn nào.

Thời điểm hiện tại, việc tái cơ cấu có thể còn diễn ra tốt đẹp hơn.

Vậy thì câu hỏi vẫn được đặt ra là tại sao quyết định hạ lãi suất lại được đưa ra khó khăn như vậy?

Trên thực tế, điều mà nhiều chuyên gia, nhiều người lo ngại hiện nay là vấn đề doanh nghiệp co cụm, thu hẹp sản xuất có thể dẫn tới tình trạng đình đồn. Mà kết quả sau đó nữa là vấn đề thiếu hàng hóa, rồi tự nó lại kéo lạm phát đi lên. Tất nhiên, khi đó sẽ chẳng có sự hồi phục kinh tế nào và cũng sẽ không có mục tiêu tăng trưởng nào nữa.

Lo ngại cũng có thể còn là vấn đề nợ xấu và thanh khoản thấp sẽ khiến không có ngân hàng khỏe mạnh nào chịu chấp nhận các ngân hàng khác trong quá trình tái cấu trúc. Lý do này xem ra cũng không mấy thuyết phục bởi chính việc để tình trạng như hiện nay thì mới khó tái cấu trúc.

Ngoài ra còn một yếu tố nữa là NHNN đã từng tuyên bố tới cuối quý I mới xem xét tới việc giảm lãi suất. Liệu có hay không việc NHNN chờ qua thời điểm này mới đưa ra quyết định?

Dù lý do nào đi chăng nữa, thì khả năng trì hoãn việc giảm lãi suất là khó có thể kéo dài lâu. Có thể nhận thấy một điều là Chính phủ đang có những nhận định khá sâu sát về những chuyển biến vĩ mô gần đây và sự khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp.

Nghị quyết số 03 về phiên họp thường kỳ tháng 1/2012 đã cho thấy điều này. Yêu cầu cũng rất rõ ràng rằng, NHNN phải có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngay trong quý 1/2012. Mặc dù thời điểm và mức giảm lãi suất vẫn để ngỏ nhưng vấn đề thanh khoản – cơ sở để NHNN chưa giảm lãi suất – sẽ buộc phải xử lý ngay.

Các yếu tố khác như tỷ giá ổn định, lãi suất trái phiếu Chính phủ xuống dưới 12%, xuất siêu tháng 1, rất nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh trong năm khó khăn 2011… sẽ là cơ sở buộc lãi suất phải giảm.