Trang chủ » Kinh tế 24h » Mang bệnh với cháo dinh dưỡng

Mang bệnh với cháo dinh dưỡng

Tác giả:

TP.HCM: 87% cháo dinh dưỡng nhiễm các loại vi khuẩn

Kết quả xét nghiệm 6 tháng cuối năm 2011 do Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) thực hiện đối với mẫu cháo dinh dưỡng khiến nhiều người giật mình. Theo kết quả này, 26/30 (gần 87%) mẫu cháo dinh dưỡng không nhãn mác, được chế biến từ những cơ sở nhỏ lẻ hoặc hộ gia đình trên địa bàn TP.HCM bị nhiễm E. Coli, Coliforms, Cl. Perfringens, B. Cereus, kể cả tổng số bào tử nấm men, nấm mốc cũng không đạt.

Trước đó, vào cuối năm 2009, Sở Y tế TP.HCM đã lấy mẫu kiểm nghiệm 19 mẫu cháo từ các cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng trên địa bàn thành phố. Theo kết quả kiểm nghiệm, có 7 mẫu cháo có tổng số vi khuẩn hiếu khí vượt quá mức cho phép và 4 mẫu cháo có chứa chất natri benzoat. Điều đáng nói, trong số 4 mẫu cháo có chứa chất natri benzoat thì có tới 3 mẫu cháo đều không ghi thời hạn sử dụng trên bao bì.

Theo danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế thì hóa chất natri benzoat được cho phép sử dụng trong 15 nhóm thực phẩm, với hàm lượng cho phép tùy theo loại thực phẩm. Tuy nhiên, hiện Bộ Y tế vẫn chưa có quy định về việc sử dụng phụ gia này trong cháo dinh dưỡng. Các cơ sở có mẫu cháo dinh dưỡng chứa chất natri benzoat cũng không công bố việc có thành phần phụ gia này trong cháo với cơ quan chức năng. Còn theo tiêu chuẩn châu Âu (CODEX), chất này được cho phép sử dụng trong thực phẩm dinh dưỡng nhưng khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.

Natri benzoat là một chất có tác dụng diệt khuẩn và nấm mốc. Hoá chất này có tác dụng giúp thực phẩm lâu bị ôi thiu, tạo nên độ dẻo, sánh… cho cháo. Tuy nhiên, chất này cực kỳ độc hại cho cơ thể trẻ nhỏ khi ăn phải và ăn thường xuyên, lâu dài, bởi cơ thể trẻ nhỏ vốn rất nhạy cảm. Việc cho hoá chất vào cháo cũng có thể khiến cơ thể người ăn, nhất là trẻ nhỏ, bị rối loạn tiêu hoá, rối loạn chuyển hoá, lâu ngày bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

Từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2009, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cũng lấy 49 mẫu cháo dinh dưỡng nấu ăn liền không có và có thương hiệu, dưới dạng bao gói sẵn và dạng rời cho vào hộp, bịch được bày bán trên địa bàn thành phố để kiểm nghiệm 9 chỉ tiêu lý hóa và vi sinh cơ bản. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hầu hết các mẫu cháo không đạt về tiêu chuẩn năng lượng, hàm lượng protid và lipid. Điều đáng nói, có đến 93,9% số mẫu không đạt tất cả 9 chỉ tiêu lý hóa, vi sinh chủ yếu, trong đó 42,9% số mẫu cháo bị nhiễm vi sinh, 81,6% mẫu không đạt tiêu chuẩn về hóa lý.

Ăn nhiều cháo dinh dưỡng có thể bị suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa

Ẩn họa từ cháo dinh dưỡng

Cháo dinh dưỡng được sản xuất và bày bán tràn lan tại các địa phương với chủng loại phong phú như: cháo cá, thịt bò, lươn, cua, ếch, thập cẩm, rau, đậu, ngũ cốc, hạt sen, khoai… Thấy tiện lợi và nghĩ rằng trong loại cháo này đã có đủ dinh dưỡng, nhiều phụ huynh tin tưởng mua cho con dùng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực chất, bản thân từ ‘cháo dinh dưỡng’ ra đời hoàn toàn là tự phát của người bán hàng, chất lượng do các nhà cung cấp tự quảng cáo nhưng chưa hề được công nhận theo tiêu chuẩn qui định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế.

Các loại cháo dinh dưỡng này đều được chế biến thủ công, không có dây chuyền khép kín nên không thể biết được nguồn nguyên liệu chế biến cháo (cá, thịt, rau, củ…) có bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không; được rửa mấy nước trước lúc chế biến, rửa đúng cách hay sai cách khiến vi chất có thể mất đi hay không; thời gian bảo quản bao lâu?… Nếu ăn phải các loại thức ăn để lâu, trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm độc…

Về mặt dinh dưỡng, qua khảo sát cho thấy, hàm lượng lipid và protid đều không đạt ở đa số mẫu cháo, không đủ tiêu chuẩn cho một bữa ăn của bé. Vì vậy, nếu phụ huynh cho trẻ dùng thường xuyên món này coi như bữa ăn thay thế lâu ngày sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng do thiếu hụt trầm trọng năng lượng.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, một loại cháo được coi là ‘cháo dinh dưỡng’ thì phải tính toán sao cho đủ, cân đối giữa các chất đạm, vi chất dinh dưỡng có trong gói cháo. Vì thế, nó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các cơ quan có chuyên môn.

Người sản xuất không thể tuỳ tiện quảng bá và dán nhãn mác theo ý muốn. Với tên gọi “cháo dinh dưỡng” và trên bao bì có ghi đầy đủ các chất như cháo, nước xương, thịt bò, khoai tây, đậu xanh, cà rốt, đậu cô ve, dầu ăn… nhiều người tiêu dùng đã bị đánh lừa. Bởi chưa có cơ quan nào chứng nhận điều ghi trên bao bì đó là đúng; chưa có một nghiên cứu, báo cáo nào cho thấy các loại cháo được gắn mác dinh dưỡng trên thị trường là đủ dinh dưỡng.

Chính vì thế, các nhà dinh dưỡng khuyên các bậc phụ huynh không nên vì tiện lợi mà lạm dụng các loại cháo được quảng cáo là cháo dinh dưỡng. Hãy dành thời gian tự nấu cháo cho trẻ ăn. Nếu quá eo hẹp về thời gian mà phải chọn loại cháo dinh dưỡng nấu sẵn, các bà mẹ nên chọn những nhãn hàng có đăng ký, xuất xứ rõ ràng, có uy tín và nên bổ sung thêm sữa, các loại thịt, cá, rau quả tươi… hàng ngày cho bé.