Trang chủ » Thế giới » Căng thẳng Iran – Mỹ: Ám ảnh cuộc chiến dầu mỏ

Căng thẳng Iran – Mỹ: Ám ảnh cuộc chiến dầu mỏ

Tác giả:

Gần 4 thập niên sau cuộc đụng độ dầu mỏ lần cuối cùng vào năm 1973, Iran và phương Tây một lần nữa quay lại sử dụng dầu mỏ làm vũ khí đối đầu. Tehran tuyên bố ngưng cung cấp dầu mỏ cho một số nước phương Tây, trong khi các quốc gia công nghiệp cũng đáp trả bằng việc tẩy chay dầu mỏ Iran. Khi thắng thua còn chưa phân giải thì có lẽ nền kinh tế vốn đã mong manh của thế giới sẽ chịu nhiều rủi ro nhất.

Căng thẳng dâng cao

Đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây vào hệ thống ngân hàng Trung ương Iran cũng như việc xuất khẩu dầu mỏ của nước này, ngày 29/1, Bộ trưởng dầu mỏ Iran Rostam Ghasemi tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho “một số nước” phương Tây. Tuyên bố trên không chỉ khẳng định quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhận của Iran, hơn thế nữa nó còn thể hiện thái độ dám “ăn miếng trả miếng” của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thứ 2 thế giới với các cường quốc phương Tây.

Như đổ thêm dầu vào lửa, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhận định Iran có thể sản xuất bom nguyên tử trong vòng 1 năm và chế tạo các phương tiện vận chuyển trong hai tới ba năm sau đó. Người đứng đầu quân đội Mỹ cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm chấm dứt nỗ lực phát triển hạt nhân của Tehran: “Mỹ cũng như Tổng thống đã tuyên bố rõ ràng rằng không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân … Đó là ranh giới đỏ đối với chúng tôi”.

Phản ứng trước nhận định đó, Iran dường như một lần nữa lại làm mất mặt “ông trùm Mỹ” khi thẳng thừng tuyên bố ngân sách cho quốc phòng của quốc gia vùng vịnh này sẽ tăng gấp đôi trong khi ngân sách chung của năm tài khóa này sẽ bị cắt giảm 5,6%.

Châu Á sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ “cuộc chiến” dầu mỏ lần này

Ngay sau tuyên bố của Iran, truyền thông thế giới cũng đưa tin Mỹ đã tăng cường thêm ít nhất sáu máy bay đánh bom chiến lược B – 1B tới căn cứ không quân của Mỹ ở Qatar, Al Udeid nhằm đối phó với Iran. Ngoài phi đội máy bay ném bom mới tăng cường, ở căn cứ này Mỹ còn có rất nhiều máy bay vận tải quân sự S-17, S-130, các máy bay tiếp liệu RC-135, RC-10, máy bay trinh sát hải quân P-3 và máy bay chống rađa E-8.

Những cú “ăn miếng trả miếng ” giữa Iran, Mỹ và các nước phương Tây trong những ngày đầu năm không khỏi làm người ta không lo ngại khi nghĩ về một kết cục xấu khi các mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm. Mà theo như nhận định của các chuyên gia “đó sẽ là một thảm hoạ” nếu cuộc chiến xảy ra.

Lại thêm một cuộc chiến dầu mỏ?

Bên cạnh những lo ngại về một cuộc chiến tranh giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây xảy ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng căng thẳng sẽ chỉ dâng cao trong lĩnh vực kinh tế, bởi Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây đều hiểu rằng nếu Iran bị tấn công chắc chắn Nga và Trung Quốc sẽ không đứng nhìn. Như vậy nhiều khả năng đây sẽ chỉ là một cuộc trả đũa trong lĩnh vực dầu mỏ.

Trong lịch sử các cuộc chiến dầu mỏ, “vũ khí” dầu mỏ được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1967, tức không lâu sau sự bùng nổ cuộc Chiến tranh 6 ngày. Lúc đó, các Bộ trưởng dầu mỏ Ả – rập họp bàn cách trừng phạt phương Tây và đã đi tới quyết định ngưng bán dầu cho Mỹ và Anh sau khi Israel không kích những mục tiêu ở Ai Cập. Nhưng biện pháp này không có được hiệu quả như mong muốn nên các quốc gia Arập buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm này chỉ sau vài ngày thực thi.

Lý do là Liên Xô lúc đó ngay lập tức lấp đầy khoảng trống dầu mỏ mà Arập tạo ra, đồng thời nguồn thu nhập của Arập cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Như vậy vũ khí dầu mỏ được sử dụng lần đầu tiên đã thất bại

Dầu mỏ được dùng làm vũ khí lần thứ hai vào 7 năm sau đó, tức sau sự bùng nổ cuộc Chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10/1973, nhưng nó cũng có tác dụng ngược. Lúc đó, liên minh OPEC quyết định tăng gấp đôi giá dầu thô từ 2,90 USD đến 5,11 USD/thùng. OPEC cũng quyết định giảm 5% sản lượng dầu thô một tháng cho đến khi Israel rút quân khỏi vùng lãnh thổ nước này chiếm đóng năm 1967.

Tuy nhiên các biện pháp trừng phạt bằng dầu mỏ của OPEC cũng bị phá sản bởi khi trừng phạt các nước phương Tây các nước xuất khẩu dầu cũng tự làm khó mình khi không thể tìm được nguồn thu nào khác ngoài “nguồn vàng đen” quý giá.

Tuy nhiên trong cuộc đối đầu Iran, Mỹ và các nước phương Tây mọi thứ không còn như trước. Trước thực trạng nguồn tài nguyên quý giá này đang ngày càng cạn kiệt, nếu Iran không xuất khẩu dầu sang châu Âu thì nước này vẫn còn vô số những khách hàng tiềm năng khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ. Bên cạnh đó “cú sốc giá dầu” mới sẽ thực sự là một đòn chí mạng đánh thẳng vào châu Âu khi lục địa già vẫn đang chìm ngập trong nợ công và suy thoái kinh tế.

Ai được, ai mất?

Trong khi Iran luôn cho rằng, nếu lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực vào tháng 7 tới, hoặc kể cả khi Iran đơn phương chấm dứt các hoạt động xuất khẩu dầu sang EU ngay từ bây giờ, nền kinh tế nước này cũng sẽ không chịu tác động gì lớn, bởi nếu không có EU, Iran vẫn còn thị trường dầu rộng lớn và từ lâu nước này cũng đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với các biện pháp trừng phạt của châu Âu. “Iran có một thị trường xuất khẩu đủ lớn ngay cả khi cắt giảm việc bán cho châu Âu và sẽ không gặp bất cứ vấn đề gì”, Tehran Times dẫn lời ông Ghasemi, Bộ trưởng bộ dầu khí Iran.

Về phần mình, châu Âu dường như cũng đã chuẩn bị khá kỹ cho kịch bản này. Theo thống kê EU mua trung bình 600.000 thùng dầu từ Iran mỗi ngày, chiếm tới 20% doanh số bán dầu của Iran. Tuy nhiên, Iran lại chỉ đáp ứng khoảng 6% nhu cầu về dầu mỏ của châu Âu, do vậy theo nhiều chuyên gia lệnh cấm xuất khẩu dầu trên thực tế sẽ  làm quốc gia vùng vịnh tổn thất nặng nề hơn các nước châu Âu. Bên cạnh đó, nếu Nhật Bản và Hàn Quốc chịu theo gương châu Âu, thì Iran sẽ mất đến 40% nguồn ngoại tệ.

Mỹ, quốc gia đi đầu trong các chiến dịch chống lại Iran cũng tuyên bố không chịu ảnh hưởng gì từ lệnh trừng phạt này, bởi từ lâu Mỹ đã không còn nhập dầu từ Iran.

Khi những “nhân vật chính” trong “cuộc chơi” tỏ ra hững hờ với lệnh trừng phạt của đối phương thì theo các chuyên gia, châu Á lại đang trở thành nơi dễ bị tổn thương nhất từ các lệnh trừng phạt này.

Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của Iran, quốc gia đông dân nhất thế giới nhập khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày từ quốc gia vùng vịnh. Hàn Quốc, Nhật Bản, và nhất là Ấn Độ cũng không ngoại lệ bởi các quốc gia này đều nhập từ 10 đến 11% nhu cầu dầu của mình từ Iran. Tình thế đang dồn ép nhiều nước tại khu vực châu Á đứng trước 2 lựa chọn, hoặc ngưng nhập dầu từ Iran để tránh các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, hoặc đối đầu với những lệnh trừng phạt đó. Cho dù thế nào thì cả hai cách trên cũng không phải là giải pháp tối ưu cho khu vực đang phát triển năng động nhất thế giới này.

“Cuộc chơi” giữa Iran, Mỹ và các nước phương Tây rồi sẽ đi về đâu? Ai sẽ được lợi gì trong “cuộc chơi” này? Cái được còn xa vời lắm, nhưng sự “run rẩy” của nền kinh tế thế giới trước nguy cơ về cơn bão giá dầu mới dường như đang bắt đầu len lỏi vào đời sống kinh tế của từng quốc gia trên toàn thế giới.