Trang chủ » Kinh tế 24h » Rùng mình khi viện phí tăng

Rùng mình khi viện phí tăng

Tác giả:

Không dám ốm

Theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế, khoảng 350 dịch vụ y tế (trong tổng số hơn 3.000 dịch vụ, kỹ thuật y khoa) sẽ tăng giá. Trong đó có một số dịch vụ tăng giá mạnh lên từ 5-10 lần. Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với những người nghèo – những người phải trông chờ vào bảo hiểm y tế để phần nào san bớt gánh nặng tiền bạc khi không may phải vào viện, sẽ ra sao khi giá dịch vụ chữa bệnh tiếp tục tăng?

Chị Nguyễn Thị Hạnh, quê ở Hà Tĩnh đang nằm điều trị sỏi thận ở khoa phẫu thuật tiêu hóa bệnh viện Việt Đức được vài ngày nay khi vừa nghe đến ba từ “tăng viện phí” đã “giật thót” rồi thở phào nhẽ nhõm: “May quá đến tháng 5 thì ra viện rồi chứ giờ mà tăng thì không biết làm thế nào”.

Chị Hạnh cho biết, cả gia đình chị đều làm nghề nông, lần này lên điều trị sỏi thận, chồng chị lên cùng với chị đã tốn kém, vất vả lắm rồi. “Bao nhiêu thứ tiền, tiền điều trị, tiền ăn, tiền ở, tiền đi lại, các khoản cứ chồng chất lên nhau, giờ lại tăng viện phí thì chắc bây giờ mà ốm khỏi cần đi khám bệnh luôn.”, chị nói.

Anh Hoàng, chồng chị Hạnh cũng tiếp lời: “Lúc đưa vợ vào viện tôi đã phải nộp trước một khoản tiền là 5 triệu đồng, hiện giờ viện phí chưa thanh toán nên không biết có phải trả thêm bao nhiêu nữa.  Chỉ tính riêng tiền ăn cho hai vợ chồng và một đứa cháu lên chăm sóc một ngày đã tốn hết 220 nghìn, hiện tại tôi đang phải đi vay tiền họ hàng, hiện tại muốn về quê cũng chưa có tiền để về”.

Không có cơ sở nào để tin viện phí tăng thì chất lượng sẽ tăng.

Khi được biết Bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ cho người dân và đề xuất tăng viện phí này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các đối tượng được hưởng bảo hiểm, anh Hoàng nói: “Nhà tôi làm ruộng chỉ đóng bảo hiểm theo dạng tự nguyện, được hỗ trợ 80% chi phí y tế, nhưng chỉ cần thanh toán 20% số tiền đó cũng đủ khó khăn rồi, bây giờ còn bảo tăng một số khoản lên từ 5-10 lần thì đúng là không biết làm thế nào”.

Anh  Nguyễn Hoàng Phúc, Gia Lâm, Hà Nội đang điều trị ung thư chia sẻ: “Tăng viện phí thì người nghèo chắc không dám đến bệnh viện, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người phải phẫu thuật… có lẽ chỉ ở nhà chờ chết thôi. Chỉ tính riêng tiền mỗi lần vào viện truyền hóa chất điều trị đã thấy tốn kém lắm rồi.”

Mặc dù các cơ quan chủ quản thông báo việc tăng giá này sẽ không ảnh hưởng tới những người đã có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng chị Hoa, Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn tỏ ra lo lắng: “Bảo hiểm của tôi ở bệnh viện Xanh-Pôn, nhưng mỗi khi có bệnh tôi lại phải vào bệnh viện Bạch Mai hoặc những bệnh viện chuyên khoa như bệnh viện K để khám. Điều trị trái tuyến như vậy nhiều khi người ta không nhận thẻ với lý do bệnh viện quá tải và mình phải chuyển sang khám theo hình thức tự nguyện, sắp tới mà còn tăng giá thì mỗi lần đi khám tôi sẽ phải gánh một khoản chi phí rất lớn”, chị cho biết.

Chưa tin bệnh viện địa phương

Bộ Y tế khẳng định việc tăng giá sẽ thúc đẩy chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế địa phương, giúp người dân có thể khám chữa bệnh ngay tại nơi mình ở. Tuy nhiên, điều đó không thể sớm thành hiện thực.

Anh Lê Trung Hiếu, quê ở Hưng Yên hiện đang nằm điều trị tại khoa phẫu thuật tiết niệu của bênh viện Việt Đức cho biết: “Không rõ tăng viện phí thì chất lượng phục vụ có tăng hay không, nhưng tôi thì vẫn muốn lên bệnh viện Trung ương chữa, vì ở dưới địa phương nhiều vấn đề phức tạp lắm. Bản thân tôi đi chữa bệnh tại bệnh viện địa phương hết bị đưa lên lại trả về mấy lần mới được điều trị tại đây, riêng chi phí đi lại đã tốn không biết bao nhiêu tiền.”

“Không biết tăng cường chất lượng dịch vụ ở các bênh viện địa phương như thế nào nhưng tôi có bệnh thì vẫn muốn lên đây tuyến Trung ương điều trị. Chẳng ai muốn đi xa làm gì cho tốn kém nhưng điều trị ở bệnh viện địa phương có khi còn… tốn kém hơn, vì điều trị xong lại phải lên đây “khám lại”, trong này cũng có nhiều người mổ ở bệnh viện địa phương xong phải lên đây mổ lại lắm”, anh Phong, người nhà bệnh nhân cho biết.