Trang chủ » Kinh tế 24h » Ám ảnh tăng giá: dân hạn chế mua sắm

Ám ảnh tăng giá: dân hạn chế mua sắm

Tác giả:

Tâm lý lo sợ

Theo HSBC, khi giá cả đã suy giảm dần và lạm phát được dự báo sẽ về mức một con số vào cuối năm 2012 nhưng mọi người vẫn có vẻ dè chừng không biết xu hướng này sẽ bền vững và ổn định như thế nào.

Những con số về tốc độ tăng giá cho thấy, trong tháng 1/2012, chỉ số giá cả đã giảm còn 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi của tháng 12.2011 là 18,1%. Chỉ số lạm phát của tháng 1.2012 đánh dấu lần sụt giảm thứ năm liên tiếp so với thời điểm chạm đỉnh 23% vào tháng 8. 2011 dựa trên mức so sánh cùng kỳ mỗi năm.

Xu hướng đi xuống là rõ ràng nhưng theo các chuyên gia HSBC, vẫn chưa đủ để thay đổi được tâm lý tiêu dùng thận trọng của người dân. Điều này cũng là dễ hiểu khi những ký ức về năm 2011 vẫn còn ngay trước mắt.

Thực tế, trong năm 2011, khi lạm phát tăng liên tục  đã khiến người tiêu dùng phải đối mặt với giá sinh hoạt leo thang, lãi suất cho vay cao, giá trị nhà ở giảm xuống và điều kiện tìm việc khắc nghiệt hơn.

Vấn đề này càng trở nên cực kỳ nghiêm trọng đối với người dân thuộc nhóm có thu nhập thấp, những người có tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm chiếm phần lớn trong tổng chi tiêu (lạm phát giá thực phẩm đã tăng 26,6% trong năm 2011 so với cùng kỳ năm trước).

Vì thế, dù có vẻ sẽ dịu bớt trong năm nay do lạm phát suy giảm, những thách thức nêu trên đã để lại ảnh hưởng lâu dài đến người dân. Điều này sẽ khiến người dân thận trọng hơn vì còn nhiều sự hoài nghi.

Chính vì thế, HSBC dự báo tiêu dùng cá nhân sẽ giảm từ mức 4,3% trong năm 2011 xuống còn 4,2% trong năm 2012.

VND sẽ có giá hơn

Theo các chuyên gia HSBC, trái ngược với năm 2011 với đồng tiền suy giảm mạnh, lạm phát cao, 2012 sẽ là một năm tương đối ổn định.

Những yếu tố góp phần tạo nên xu hướng này là: lạm phát tăng chậm, chính sách quản lí kinh tế vĩ mô tốt hơn, vị thế thương mại và tài chính đã được cải thiện.

Thâm hụt thương mại dự kiến sẽ ổn định ở mức 10,1 tỷ USD trong năm 2012, cân đối ngân sách của Chính phủ ước tính sẽ giảm xuống 3,8% trong năm 2012 từ mức 3,9% của năm 2011.

Trên thực tế, VND đã ổn định trong vài tháng gần đây. Trong lịch sử,  đồng Việt Nam thường chịu nhiều áp lực lớn trong dịp Tết Nguyên Đán vì nhu cầu đồng đô-la Mỹ thường cao. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra trong năm 2011 vì vài nguyên do:

Trong khi đó, một nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự ổn định của VND trong năm 2012 là Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, nếu không có thêm bất cứ yếu tố tác động khách quan thì đồng Việt Nam có lẽ sẽ giảm giá khoảng 3% trên giá trị vào cuối năm 2012.

Điều này có thể có phần cơ sở khi chính Thống đốc đã công bố và thực hiện đúng cam kết đồng nội tệ sẽ không phá giá hơn 1% từ tháng 9.2011 đến hết năm 2011, và thực tế đã diễn ra như vậy.

Những tín hiệu đó cho thấy Việt Nam dường như đang đi đúng hướng trong năm 2012 bất chấp luồng gió ngược của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC cũng cảnh báo, những điều đó vẫn chưa đủ để khôi phục tổn thất tinh thần do lạm phát cao ảnh hưởng đến người dân cùng các nhà đầu tư; cả hai sẽ đều cần có nhiều thực tế mang tính thuyết phục hơn để quay lại mức chi tiêu như trước năm 2009.

Những ai bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn định của kinh tế vĩ mô trong năm 2011, cũng như vào năm 2008, sẽ thận trọng hơn trong khoản thời gian tới này.