Trang chủ » Điểm nóng » Chống lạm phát: Cần thêm gì sau giảm thuế?

Chống lạm phát: Cần thêm gì sau giảm thuế?

Tác giả:

Giảm thuế xăng dầu

Sau 20 ngày giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, sáng 21/2 Bộ Tài chính đã buộc phải quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Theo đó, thuế đối với xăng giảm từ 4% xuống còn 0% và dầu hỏa, nhiên liệu diesel giảm từ 5% xuống 3%.

Đây là một quyết định phải đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu đều đã ở mức cao sau rất nhiều lần tăng mà ít giảm trong các năm vừa qua và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang kêu lỗ trên 1.000 đồng/lít.

Tính toán lỗ-lãi của các doanh nghiệp xăng dầu luôn là vấn đề tranh cãi trong nhiều năm qua. Dù vậy, có thể thấy rằng trong đợt này giá nhập khẩu thế giới đã tăng khá mạnh do tình hình bất ổn ở Syria, Iran và chính sách đồng tiền yếu kéo dài tới 2014 của Mỹ.

Theo tính toán, giá xăng nhập khẩu từ Singapore gần đây có lúc lên tới trên 130 USD/thùng, tăng khoảng 6% so với đầu năm.

Việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu lần này (sau đợt tăng thuế hồi cuối 2011) là cần thiết để tránh một đợt tăng giá không nên có trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát trong năm 2012 ở mức một con số.

Nó cần thiết hơn bao giờ hết khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường khởi đầu của năm mới với các mức khá cao do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán.

Trong năm nay, tháng 1 chỉ số CPI đã tăng 1% và được dự báo tăng dưới 1,5% trong tháng 2. Đây đều là các mức thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước nhưng có thể thấy nếu các tháng tiếp theo không thấp hẳn xuống thì mục tiêu lạm phát một con số khó có thể thành hiện thực.

Một điếm nhiều người lo ngại là thông thường lạm phát tháng 3, 4, 5 thường ở mức rất thấp, thậm chí âm nhưng các tháng này năm 2011 lại rất cao (tương ứng 2,2%, 3,32% và 2,21%). Nếu năm nay mà tình hình vẫn bất ổn như năm ngoái thì lạm phát sẽ cao ngất và kéo kinh tế vào vòng xoáy suy thoái mới.

Có thể thấy đầu năm 2011 kinh tế chịu nhiều cú sốc và mạnh hơn rất nhiều. Đó là xăng tăng trên 5.000 đồng/lít, tỷ giá tăng 9,3%, điện tăng 15%. Năm nay, tỷ giá khá ổn định (thậm chí có chiều hướng đi xuống), điện tăng giá 5% cuối năm trước đang tác động tới giá cả nhưng không nhiều.

Mặc dù vậy, kiềm chế lạm phát cần những giải pháp khác đi kèm để đối phó với những ẩn số tăng giá kiểu như sự tăng giá bất ngờ của dầu thế giới.

Giải pháp nào?

Trong một báo cáo vừa đưa ra, Ngân hàng HSBC cho rằng năm 2012 Việt Nam có thể kiềm chế lạm phát ở mức một con số với dự báo CPI sẽ chỉ tăng 9,2%.

HSBC cho rằng, cho dù lãi suất có được điều chỉnh thả lỏng hơn trong năm 2012, người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng không mặn mà lắm trong việc tăng chi tiêu do họ đã điều chỉnh lại kỳ vọng của mình sau lạm phát cao năm ngoái.

Mặc dù vậy, trong báo báo cáo của mình, HSBC cho rằng “vẫn còn một vài rủi ro có nguy cơ cao, đặc biệt là khi giá điện có khả năng sẽ tăng và thuế nhập khẩu dầu đã tăng từ 0% lên 4% trong tháng 12/2011.

Đây là nguy cơ khá rõ và chúng ta cần có biện pháp để xử lý.

Có thể thấy, lạm phát cao trong mấy năm qua chịu tác động nhiều của tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng quá cao. Tiền được bơm ra nhiều một phần là do chi tiêu ngân sách cao và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả.

Từ đầu năm nay tới nay, Bộ Tài chính đã làm việc với một số tổng công ty như Dệt may, Petrolimex, Vinalines… để thúc đẩy việc tiết kiệm chi phí trong năm 2012. Đây là một biện pháp trong quá trình thực hiện chính sách tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

Sáng 21/2, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã tổ chức ký cam kết thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm chi phí với tổng giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng trong năm 2012.

Cũng như các tập đoàn khác, EVN hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nói trên thông qua việc tiết giảm các chi phí hội họp, hội nghị, giảm thất thoát trong truyền tải… Bên cạnh đó, việc thoái vốn ở một số lĩnh vực ngoài ngành như viễn thông, ngân hàng… sẽ giúp EVN tối ưu hóa hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Việc tiết giảm nói trên nếu được sự giám sát chặt chẽ và thành công sẽ giúp giá điện có thể không tiếp tục tăng.

Chi phí giảm ắt sẽ giảm áp lực lên lạm phát.

Ngoài việc giám sát để tối ưu hóa nguồn vốn của các tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước, cùng với việc tiếp tục kiểm soát chặt tiền tệ thì vấn đề dự toán ngân sách Nhà nước cũng cần tính tới.

Trong nhiều năm qua, bội chi ngân sách luôn ở mức cao do đóng góp của lạm phát và tỷ giá. Việc cân nhắc hai yếu tố này sẽ giúp bội chi được khống chế, qua đó giúp giảm áp thu-chi ngân sách và có tác động tích cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.