Trang chủ » Kinh doanh » Khó khăn nên phải thắt lưng buộc bụng

Khó khăn nên phải thắt lưng buộc bụng

Tác giả:

Giảm chi tiêu

Năm 2012, được dự báo vẫn là một năm có nhiều khó khăn với nền kinh tế của thế giới cũng như của Việt Nam, thị trường vận tải biển cũng sẽ chịu chung những khó khăn đó. Hiện rất nhiều chi phí đầu vào của ngành vận tải biển đã tăng cao, đặc biệt là giá dầu  thế giới tăng từ 10-20%.

Vì vậy, ngày 3/1/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm kiểm soát chặt chẽ và tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm từ 5 đến 10% chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước.

Ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Vinalines cho biết: “Trong năm 2012, Vinalines sẽ tập trung cắt giảm từ 1 – 5% các chi phí trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh như vật tư, xăng dầu, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị và một số chi phí khác của Tổng công ty và các đơn vị thành viên; giảm từ 5 – 10% chi phí quản lý tương ứng khoảng 105 tỷ đồng”.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2012 của Vinalines, ông Việt cho biết, Toàn Tổng Công ty sẽ phấn đấu đưa vận tải biển đạt 39,7 triệu tấn (tăng 8% so với năm 2011), sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 70 triệu tấn, tổng doanh thu đạt trên 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 120 tỷ đồng (tăng 93% so với năm 2011).

Chia sẻ với những khó khăn mà Vinalines đang gặp phải, nhưng  Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khuyến cáo, hiện nay các dự án đầu tư xây dựng cảng biển, kể cả vốn mua và đóng mới các đội tàu phần lớn là vốn đi vay, chỉ tính riêng chênh lệch tỷ giá đã là bài toán khó giải, chưa kể vốn đầu tư của ta chưa được tập trung. Vốn vay mà chậm ngày nào, chỉ riêng chênh lệch tỷ giá thôi là cả đời con cháu chúng ta trả không nổi.

“Giai đoạn này là khó khăn nhất, không còn cách nào khác phải thắt lực buộc bụng, tôi tin số 105 tỷ đồng chỉ là con số tối thiểu cắt giảm. Nếu thực hiện triệt để và quyết liệt, tôi tin chắc chi phí sẽ còn tiết kiệm được nhiều hơn nữa”, Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Bộ trưởng Huệ yêu cầu, Vinalines cần cương quyết sắp xếp lại các doanh nghiệp trong Tổng công ty, theo hướng tập trung vào ngành chính, vào những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Cân đối nguồn vốn, tập trung vào những dự án cảng biển quan trọng, như cảng Vân Phong (Khánh Hòa), Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

Loại bớt DN

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, viêc tiết giảm chi phí, chống lãng phí, chống thất thoát, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động… để nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nếu không làm thì rất khó để tồn tại.

“Hiện nay, Vinalines có 80 đơn vị thành viên, chúng ta cố gắng giữ lại khoảng 40 đơn vị, còn lại chúng ta cổ phần hóa bớt đi. Đặc biệt, những cảng nhỏ, chúng ta kiên quyết bán đi để thu hồi vốn tập trung đầu tư cho cảng lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng là cảng Lạch Huyện và cảng Cái Mép – Thị Vải”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Quyết định về giám sát tài chính đối với Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét và sắp được ban hành. Tới đây, việc lỗ, lãi, trách nhiệm của Tập đoàn và Tổng Công ty nhà nước sẽ được công khai, việc xếp lại doanh nghiệp nhà nước cũng được công bố công khai.

Theo ông Huệ, nếu làm Giám đốc doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp đó hai năm liên tiếp thô lỗ sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Cần phải làm gương cho các thành phần kinh tế khác, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn như hiện nay.

“Một Tổng công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vận tải thủy như Vinalines, hàng năm nếu cứ báo cáo lỗ, hoặc có lãi, nhưng con số lãi hàng năm chỉ có 60 – 70 tỷ đồng, thì chúng ta nghĩ rằng trách nhiệm của chúng ta với Tổng công ty và với đất nước như thế nào? Đây là một câu hỏi rất khó chịu, nhưng phải đối diện, và không còn cách nào khác là phải có câu trả lời”, Bộ trưởng Huệ dẫn chứng,

Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài chính, Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ các Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước, nhưng chỉ hỗ trợ những chi phí hợp lý và cần thiết, chứ không thể nào bù đắp những yếu kém và lãng phí của các doanh nghiệp.

“Bộ Tài chính đang soạn thảo kế hoạch và các chương trình hành động chi tiết để thực hiện quá trình cơ cấu lại Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước sẽ được trình Chính phủ ban hành trong tháng 2 này. Để cùng với các văn bản quy phạm khác, làm nền tảng cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết.

Đề cập đến mục tiêu của tái cơ cấu lại các Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, chỉ có hai mục tiêu, thứ nhất là nâng cao tiềm lực tài chính, năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để tương xứng với tiềm lực được giao, và sánh ngang với các thành phần kinh tế khác; Thứ hai, trên cơ sở đó làm tốt vài trò, vị trí dẫn dắt đầu tàu và điều tiết vĩ mô của nền kinh tế.

Bộ trưởng Huệ cũng cho biết, Bộ Tài chính đang đánh giá, xem xét để đưa một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước tham gia Dự án hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2, về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Dự án ADB với tổng mức hỗ trợ khoảng 650 triệu USD, đã thực hiện giai đoạn 1, Chính phủ vay và cho các doanh nghiệp vay lại để tái cơ cấu nợ.

“Hiện Bộ Tài chính đang triển khai giai đoạn 2, với mức khoảng 250 triệu USD, đang rà soát đánh giá để xem xét đơn vị có tính khả thi để làm tiên phong trong quá trình tái cơ cấu, đưa vào danh sách tham gia dự án của ADB này”, Bộ trưởng Huệ cho biết thêm.