Trang chủ » Kinh tế 24h » Thiệt hại 7 tỷ USD mỗi năm vì cướp biển Somalia

Thiệt hại 7 tỷ USD mỗi năm vì cướp biển Somalia

Tác giả:

7 tỷ USD là thiệt hại do cướp biển Somalia gây ra trong năm vừa qua mặc cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của nhiều quốc gia trong việc giữ gìn an ninh tại hải phận này.

Đó cũng chính là lý do để 40 quốc gia tụ họp tại London mới đây bàn về cách giúp đỡ Somalia giải quyết vấn đề trên đất liền từ đó góp phần làm giảm nạn cướp biển tại khu vực này.

Theo các số liệu do Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế công bố mới đây, trong năm qua cướp biển Somalia đã gây thiệt hại tới 6,9 tỷ USD cho ngành hàng hải quốc tế và chính phủ các nước. Thiệt hại trên bao gồm các khoản chính như các công ty hàng hải các nước đã phải chi thêm 2,7 tỷ USD tiền nhiên liệu bổ sung để các tàu tăng tốc độ trên 18 hải lý/giờ khi qua vùng biển ngoài khơi Somalia để không bị cướp biển bắt giữ, 1,27 tỷ USD mà chính phủ chi cho các hoạt động quân sự chống cướp biển…

Ngoài ra, các chủ tàu phải chi thêm 1,16 tỷ USD để mua sắm các thiết bị an ninh và bảo vệ vũ trang do số tàu chiến tuần tra chống cướp biển.

Các số liệu của cơ quan hàng hải thế giới cũng cho thấy, số thuỷ thủ bị chết và bị cướp biển bắt giữ đã tăng đáng kể trong năm 2011, với 1.118 thuỷ thủ bị cướp biển bắt giữ, 24 thủy thủ bị chết. Tổng số vụ phải trả tiền cho cướp biển Somalia lên tới 31 vụ với số tiền chuộc trung bình 5 triệu USD mỗi vụ, tăng 25% so năm 2010.

Đặc biệt, điều đáng quan tâm ở đây là số các cuộc tấn công cướp biển ở vịnh Aden, Biển Đỏ và ngoài khơi Somalia đã tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua và đạt kỷ lục 236 vụ. Ước tính 42.450 tàu qua lại khu vực có nguy cơ cướp biển này mỗi năm và 20% tổng hàng hóa buôn bán của thế giới thông qua vịnh Aden giữa Yemen và Somalia trong đó có sử dụng kênh đào Suez.

Những con số đáng lo ngại trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng thế giới coi cướp biển Somalia là một mối đe dọa lớn và đang áp dụng các biện pháp mạnh để giải quyết như duy trì hàng chục tàu chiến hiện đại của nhiều cường quốc để tuần tra, cho phép áp dụng mọi biện pháp về quân sự, pháp lý… Thế nhưng, chẳng khác nào như là một nghịch lý khó chấp nhận khi thế giới càng nỗ lực chống thì cướp biển Somalia lại càng tăng.

Somalia đã trải qua hai thập kỷ nội chiến cũng như nghèo đói kể từ khi chính phủ ổn định nhất của nước này sụp đổ năm 1991. Chính sự không ổn định về chính trị và sự nghèo đói đã đẩy Somalia vào cảnh nội chiến. Những thanh niêm Somalia cũng vì thế trở thành cướp biển bất đắc dĩ vì họ hoàn toàn bế tắc trong một cuộc sống không có tương lai.

“Cướp biển không phải là một căn bệnh sinh ra trên nước. Nó là biểu hiện của tình hình trên đất liền, bao gồm cả tình hình an ninh và tình hình chính trị ở Somalia”. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh. Cũng theo ông, muốn giải quyết căn bản nạn cướp biển, thế giới cần phải có giải pháp toàn diện, hành động đồng thời trên ba mặt trận: Ngăn chặn, an ninh; trật tự pháp luật, và phát triển. Trong đó, bền vững nhất vẫn là giải quyết nạn nghèo đói do nghề đánh cá bị hủy hoại, căn nguyên sâu xa dẫn tới nạn cướp biển.