Trang chủ » Kinh tế 24h » Sau 5 năm vào WTO, VN vẫn tồn tại 3 yếu kém

Sau 5 năm vào WTO, VN vẫn tồn tại 3 yếu kém

Tác giả:

Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đó là thành công lớn sau hơn 11 năm chuẩn bị, đàm phán và cũng là dấu mốc quan trọng nhất trong lộ trình hội nhập quốc tế.

Hội thảo “5 năm thành viên WTO, Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức tại Hà Nội sáng 29/2/2012 đã thu hút được sự chú ý của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp. Hội thảo đã nhìn lại chặng đường 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO và đưa ra những dự báo, định hướng phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Chính phủ, 5 năm qua, dù tình hình biến động phức tạp khó lường, đặc biệt là hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng, tiềm lực và quy mô kinh tế tăng lên.

Hoạt động kinh tế đối ngoại, nòng cốt là ngoại thương tiến bộ rõ rệt. Thị trường thông suốt với 149 nền kinh tế thành viên. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng, năm 2007 đạt trên 48 tỷ USD, năm 2008 đạt 62 tỷ USD, năm 2009 đạt 57 tỷ USD, năm 2010 đạt 72 tỷ USD và năm 2011 đạt 96 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, giảm dần hàng thô.

Ngay khi gia nhập WTO, Việt Nam đã nhanh chóng thu hút được lượng vốn lớn đầu tư từ nước ngoài. Năm 2006 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký là 10 tỷ USD thì năm 2007 tăng lên 21,3 tỷ USD; 2008 là 64 tỷ USD; 2009 là 23 tỷ USD; năm 2010 là 18 tỷ USD và năm 2011 là 15 tỷ USD.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cơ cấu lao động cũng chuyển biến tích cực, giảm dần lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng dần khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Qua hội nhập đã tiếp thu khoa học kỹ thuật công nghệ mới, kỹ năng quản lý tiên tiến, đào tạo được đội ngũ cán bộ và quản lý kinh doanh năng động hơn. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm cạnh tranh.

Thực hiện nghĩa vụ thành viên theo đúng các cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành mạnh mẽ cải cách chính sách kinh tế – thương mại theo hướng minh bạch và tự do hoá. Việc cải cách thể hiện ở các cam kết về pháp luật và thể chế hành chính, mở cửa thị trường nội địa. Cộng đồng quốc tế thừa nhận Việt Nam là thành viên mới năng động, đầy triển vọng.

Một ví dụ về hội nhập WTO, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trước khi Việt Nam mở cửa thị trường phân phối bán lẻ theo cam kết của WTO, có nhiều ý kiến lo ngại các tập đoàn phân phối đa quốc gia với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm bán hàng hiện đại sẽ tràn vào làm sụp đổ kênh bán lẻ truyền thống trong nước.

Thế nhưng, sau 5 năm gia nhập WTO cho thấy đây lại là động lực thúc đẩy các DN bán lẻ Việt Nam vươn lên, chấp nhận cạnh tranh. Mặc dù, DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành bán buôn bán lẻ Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn, riêng năm 2010 có 177 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam trong toàn bộ 1.237 dự án hiện có với tổng vốn đăng ký là 462 triệu USD, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn cạnh tranh và lớn mạnh.

Tuy nhiên, thành quả vẫn chưa được như mong muốn. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, có 3 vấn đề lớn chúng ta chưa chuẩn bị tốt đó là thể chế, nguồn lực và hạ tầng. Đây là 3 vấn đề yếu kém của 5 năm qua. Thể chế tuy đã có rất nhiều cải thiện, nhưng vẫn tồn tại những yếu kém như tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan hành chính, tính dự báo và tuân thủ chính sách… Nguồn lực đã yếu lại đang bị lãng phí lớn, nhất là trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, đầu tư công và DN Nhà nước. Hạ tầng thuộc mọi lĩnh vực đều kém phát triển.

Với các yếu kém này dẫn đến năng lực cạnh tranh của hàng hoá nước ta ở cả 3 cấp quốc gia, ngành hàng, doanh nghiệp còn kém, thể hiện là giá thành còn cao, phẩm cấp thấp so với chuẩn quốc tế, chất lượng phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý vĩ mô, quản trị sản xuất kinh doanh và thực hành trong nhiệu lĩnh vực, nhiều địa phương còn bất cập so với yêu cầu trình độ khu vực và quốc tế. Trước tình huống phải thực hiện cam kết mở cửa thị trường trong nước, việc thua trên sân nhà là khó tránh.

Một điểm yếu khác là khả năng tự vệ thương mại của Việt Nam còn yếu kém. Việt Nam nhập siêu nhiều mà chưa có khả năng kiểm soát và hạn chế. Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật để quản lý nhập khẩu chặt chẽ, không trái với định ước quốc tế là điều chúng ta chưa làm được.

Theo các chuyên gia, để hội nhập sâu rộng hơn nữa, thì hướng đi trong thời gian tới cần tập trung là nhanh chóng đổi mới cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý các vấn đề lạm phát, thâm hụt thương mại, củng cố khả năng quản lý, sự năng động của hệ thống tài chính tiền tệ. Đầu tư, đổi mới công nghệ và năng lực quản trị kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ Việt Nam.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống chính sách, bộ máy và cơ chế quản lý. Tiếp tục hoàn thiện các yếu tố kinh tế thị trường, các loại hình thị trường, để được công nhận có nền kinh tế thị trường trước hạn 31/12/2018.

Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đào tạo với chiến lược dài hạn nhằm có đội ngũ công chức, chuyên gia, công nhân lành nghề thực sự có chất lượng.

Thực hiện đầy đủ các cam kết, các nghĩa vụ với WTO và với các tổ chức kinh tế quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.