Trang chủ » Tranh luận » DN phá sản: Thuốc chưa ngấm, bệnh đã di căn

DN phá sản: Thuốc chưa ngấm, bệnh đã di căn

Tác giả:

Mới đây theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, trên địa bàn có 60% DN nhỏ và vừa hiện sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất và chỉ có 20% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Tính trong 2 tháng đầu năm nay trên địa bàn TP có khoảng 3.000 DN tạm ngưng hoạt động, nâng tổng số DN đang tạm ngưng hoạt động lên con số trên 10.000 DN.

Đòn đánh được cho là khá mạnh khiến cho doanh nghiệp khó gượng dậy là chi phí đầu vào đã tăng quá cao. Giá cả nhiều mặt hàng liên tục tăng mạnh cộng với vốn vay lãi suất cao đã tạo thành “gọng kiềm” siết chặt doanh nghiệp trong cơn giãy chết. Thêm vào đó lượng hàng tồn kho đang là một gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc thu hồi vốn.

Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở TP.HCM hiện đã tăng 17,4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng trên 80%; sản xuất phân bón và chất ni tơ tăng gần 72%, xi măng, vôi, vữa tăng gần 62%, sắt thép tăng 53%… Với những con số trên thì doanh nghiệp đã kiệt sức trong việc gồng mình gánh lượng hàng tồn kho này.

Vẫn là chuyện doanh nghiệp yếu kém thì tất yếu phải tự đào thải và triệt tiêu. Tuy vậy việc giải thể của hàng loạt doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong chính sách điều hành là tác nhân không nhỏ đưa doanh nghiệp lâm trọng bệnh.

(Ảnh minh họa, nguồn kinhte24h)

Vốn rẻ, vốn ưu đãi được đề cập đến liên tục không chỉ ở hiện tại mà từ năm trước. Ồn ào là thế nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được nó vẫn là còn là điều bí ẩn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cho là chuyện hoang đường. Vậy chính sách tiền tệ trong suất thời gian qua có thực sự đảm bảo ngân hàng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp hay lại là cơ hôi để cho các ngân hàng tối đa hóa lợi nhuận.

Ở chiều hướng khác trong một thời gian quá dài cầm cự liệu doanh nghiệp có còn đủ sưc khỏe để hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng hay không. Nhiều ngân hàng đã quá lo lắng về việc tăng trưởng tín dụng 15-17% trong năm nay. Tuy vậy những lo lắng trên có vẻ hơi thừa khi thực tế 2 tháng đầu năm cũng chỉ tăng được khoảng 2%. Vốn ngân hàng lại tiếp tục được “giằng co” khi doanh nghiệp hấp thụ yếu mà ngân hàng vẫn chưa muốn cho vay vì lo ngại nợ xấu.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ở TP.HCM bức xúc tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP trong tuần qua. Vị này cho rằng, vấn đề là nhà nước cần làm gì để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp trong thời gian sớm nhất sau khi công bố hạ lãi suất? Việc thông báo lãi suất hạ mà con đường đưa vốn về doanh nghiệp vẫn chưa được mở hoặc đi bằng đường khác mất nhiều thời gian hơn. Đến khi tiếp cận được vốn thì mọi việc đã rồi.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh – phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, cơ cấu vốn của doanh nghiệp phần lớn vẫn là vốn vay, việc cứ lo trả lãi ngân hàng thì thua lỗ là điều đương nhiên. Trong hai tháng đầu năm 2012, số DN trên địa bàn TP.HCM ngưng hoạt động lên tới hơn 3.000 đơn vị chủ yếu vẫn là đói vốn. Trong khi đó các ngân hàng lại thấy việc cấp tín dụng liên ngân hàng hấp dẫn hơn là tín dụng cho doanh nghiệp. Vì vậy dòng vốn cứ luân chuyển ở trong nội bộ các ngân hàng còn nơi cần cấp vốn như doanh nghiệp vẫn đang còn khô hạn.

Con số 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt đông trên toàn quốc vẫn có nguy cơ được tăng thêm. Doanh nghiệp vẫn đang sống trong hi vọng với thông tin hạ lãi suất cho vay khi lãi huy động đã vè mức trần mới. Tuy vậy bệnh tình của đa phần doanh nghiệp đã di căn nên để thoát hiểm thì doanh nghiệp cần nỗ lực mở đường đến nguồn vốn của ngân hàng trước khi quá muộn.