Trang chủ » Điểm nóng » Chiêu tạo lòng tin để lừa đảo của thương lái Trung Quốc

Chiêu tạo lòng tin để lừa đảo của thương lái Trung Quốc

Tác giả:

Tạo niềm tin ban đầu

Nhưng chiêu thức như thế được các thương lái áp dụng liên tục. Đầu tiên là nông sản buôn bán tiểu ngạch qua biên giới; rồi họ lấn dần vào vùng Đồng bằng Bắc bộ và mới đây là các vụ lừa, ép giá diễn ra với thủy sản ở Nam trung bộ như Nha Trang, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu rồi vào tận Năm Căn – Cà Mau. Thậm chí cả nông dân trồng khoai ở Bến Tre họ cũng tìm cách để lừa gom hàng rồi bỏ đi.

Sau những vụ lừa liên tục xảy ra ở Nha Trang, qua sự giới thiệu của Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa), chị Khanh – một một đại lý thu mua hải sản thuộc diện lớn nhất tại chợ hải sản lớn nhất Nam Trung Bộ này mới tiết lộ chị đã mất trắng gần 2 tỉ đồng khi đứng ra làm đại lý thu gom cho thương lái Trung Quốc rồi họ quỵt nợ không trả tiền. Ngẫm lại, chị Khanh chỉ biết oán mình: “chuyện qua rồi, mình dại thì mình chịu”.

Chị Khanh cũng cho biết, lâu nay ở Nha Trang có khoảng vài chục đại lý chuyên mua hải sản để bán cho thương lái Trung Quốc. Kết quả của mối làm ăn này là hơn một nữa trong số đó đã bị thương lái Trung Quốc quỵt nợ…

Theo kinh nghiệm chị Khanh, cách làm ăn của thương lái Trung Quốc tại các tỉnh phía Nam đều có một mẫu thức giống nhau. Trước hết, họ thông qua những người Việt gốc Hoa giới thiệu làm quen với những đại lý này. Cách thức tạo lòng tin cậy là họ ăn ở tại nhà các đại lý, cùng đi thu mua với đại lý. Thậm chí, các đại lý còn là người đăng ký tạm vắng, tạm trú… với chính quyền địa phương để họ được lưu trú lâu dài.

Một thương lái Trung Quốc (áo trắng) đang lựa mua cá hố tại cảng cá Vĩnh Lương, Nha Trang,

Ban đầu, họ rất sòng phẳng, mua bao nhiêu hải sản từ các đại lý thì trả bằng tiền mặt bấy nhiêu. Thậm chí, họ còn trả tiền hoa hồng, tiền công cho những đại lý đứng ra thu mua hải sản, thuê các nhà máy, cơ sở chế biến… với mức khá cao.

Tiếp theo, để tiếp tục tạo lòng tin từ các đại lý thu mua hải sản của các thương lái Trung Quốc là mời sang nhà chơi cho biết cửa, biết nhà. Dĩ nhiên, chi phí cho chuyến đi như làm thủ tục, vé máy bay, tiền ăn ở tại Trung Quốc… đều được thương lái Trung Quốc bao từ A đến Z.

Theo các đại lý, có thể nói đây là một chiến thuật hiệu quả khi tạo lòng tin cho các đại lý là đã biết người, biết nhà rồi… nên không sợ bị lừa. Vì ai cũng nghĩ đơn giản đã được dẫn đến nhà chơi… thì những đối tác này  không còn lừa mình nữa vì đã thân nhau, biết cửa, biết nhà rồi thì còn gì phải lo. Do có tâm lý như vậy nên các đại lý của Việt Nam rất chủ quan và dẫn tới bị lừa. Theo tiết lộ của những đại lý,thì 100% đại lý bị lừa tiền thì đã một lần du lịch qua Trung Quốc bằng tiền chùa.

Tuy nhiên, sau khi mời du lịch chùa về, những thương lái này quay lại Việt Nam tiếp tục mua hải sản với giá cao, trả tiền hoa hồng hậu hỉnh cho các đại lý và chờ đợi…. bắt một mẻ cá lớn.

Cú lừa chót hốt bạc

Qua tìm hiểu ở Nha Trang và Cà Mau cho thấy, một đặc điểm chung của những thương lái Trung Quốc thu mua hải sản của nước ta là thông qua các đại lý để thu mua, chế biến đóng gói… vào container hoặc chuyển xuống thuyền. Còn khâu vận chuyển từ nhà máy, từ các cơ sở chế biến đến cảng giao hàng những thương lái này lại thuê một lực lượng khác mà các đại lý hầu như không được biết. Đây là một mắt xích khá quan trọng để các thương lái Trung Quốc chuẩn bị cho cú lừa ngoạn mục sau này.

Sau khi đã tạo lòng tin với các đại lý, những thương lái này lấy lý do vì việc gia đình nên về Trung Quốc, họ trả tiền trước một phần nhỏ cho chuyến hải sản tiếp theo… và về nhà chờ các đại lý gom hàng vào container hoặc thuyền để đưa ra các tỉnh phía bắc.

Kinh ngiệm của các đại lý ở Nha Trang cho biết, thời điểm để các thương lái Trung Quốc tung ra mẻ lưới thường chọn vào lúc gần tết âm lịch, hoặc lúc nhu cầu tiêu thụ hải sản gia tăng. Dĩ nhiên, lúc này, những tay thương lái lão làng này không có ở Việt Nam nhưng vẫn có mối quan hệ làm ăn tốt với các đại lý nhờ tạo được lòng tin từ chuyến hàng trước đó.

Từ Trung Quốc, một cuộc điện thoại được gọi vào số máy của các đại lý thu mua nông sản. Nội dung cuộc điện thoại đại loại như bên này đang khan hiếm hàng… trong khi tôi đang có việc gia đình gấp chưa qua được. Tôi nhờ anh/chị mua hàng chuyển qua rồi chuyển tiền trả lại. Dĩ nhiên, đại lý nhận điện thoại với lòng tin sẵn có, lại đúng trước món lợi lớn thì rất khó từ chối. Trong tâm trí của họ không nghĩ mình sẽ bị lừa vì trước khi về nước những tay này đã gửi tiền trước lấy hàng.

“Hơn nữa làm ăn có qua có lại, mình không tin người ta thì cũng khó hợp tác lâu dài nên đây chính là lúc mình cũng tạo lòng tin là giao hàng trước nhận tiền sau”, các đại lý kể lại.

Với tâm lý đó mà nhiều đại lý thủy sản ở Nha Trang, Nam Trung Bộ và cả Nam bộ đã phải cười ra nước mắt, than trời không thấu sau khi trót giao hàng với số lượng lớn.

Sau cú điện thoại đặt hàng, các đại lý Việt Nam huy động tất cả vốn liếng, mối quan hệ để thu mua hàng, sơ chế và chất đầy xe container, thuyền do thương lái Trung Quốc thuê) chờ sẵn và khi hải sản chất đầy thì “một đi không trở lại”. Còn những đại lý Việt Nam tội nghiệp này vân ôm niềm vui bán được lô hàng lớn, thanh thản uống cà phê chờ tiền. Nhưng bị kịch thay họ càng chờ …càng vắng.

Như trường hợp chị Khanh tâm sự, sau gần 2 năm làm ăn với thương lái Trung Quốc… số tiền lời cũng chỉ hơn 1 tỉ đồng nhưng chỉ với cú lừa chót của thương lái Trung Quốc, chị bị lừa gần hai tỉ.

Cho đến thời điểm này, có thể nói, công thức quỵt nợ nói trên của thương lái Trung Quốc áp dụng luôn luôn thành công không chỉ ở Khánh Hòa, Phú Yên mà cả Bà Rịa- Vùng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau… Nhưng lạ thay, mỗi lần có sự vụ bị lừa râm ran khắp dư luận mà các đại lý Việt Nam vẫn không cảnh giác rút kinh nghiệm, và cũng không ai cảnh báo và tư vấn cho họ một phương thức giao dịch an toàn hơn. Có lẽ vì thế mà những người như chị Khanh chỉ biết than thở, trách mình làm ăn bao năm mà vẫn dại.