Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Tái cơ cấu kinh tế: Then chốt là quyết tâm thực hiện

Tái cơ cấu kinh tế: Then chốt là quyết tâm thực hiện

Tác giả:

Người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang mong chờ quyết định cuối cùng của Quốc hội về đề án tái cơ cấu kinh tế đang được thảo luận. Cách đây ít ngày, đề án tái cơ cấu đã hâm nóng nghị trường bằng các buổi tranh luận.  Có đại biểu bày tỏ điều trông chờ nhất ở đề án này là cần vạch rõ cái gì thuộc thẩm quyền Quốc hội để quyết định thông qua, sau đó giao cho Chính phủ thực hiện thì chưa có. Các quyết sách về thuế, tín dụng cần Quốc hội quyết thì chưa được đề án nêu…

Qua khảo sát khu vực doanh nghiệp, Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam Report  nhận định rằng 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu đã nêu trong Đề án tái cơ cầu là rất cần thiết, và cơ bản đáp ứng ứng đúng những nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay. Theo đó,  khu vực doanh nghiệp đánh giá cao về tầm quan trọng và sự cần thiết của Đề án Tái cơ cấu kinh tế. Nhìn chung, khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp tăng trưởng, sẽ được hưởng lợi to lớn từ các biện pháp tái cơ cấu kinh tế như báo cáo. Đã đến lúc không nên chờ đợi hơn nữa trong việc đưa ra các quyết sách về tái cơ cấu kinh tế.

Do vậy, vấn đề quan trọng không phải là bàn bạc hay tinh chỉnh từng nhóm giải pháp, mà câu hỏi là tính khả thi và thực tiễn của các giải pháp này. Liệu có đủ quyết tâm và nguồn lực để thực thi các giải pháp này hay không, khi những giải pháp này có tiềm năng gây hại trong ngắn hạn cho một số đối tượng nhất định? Liệu có rủi ro là những giải pháp này lại một lần nữa được khuyến nghị, nhưng sẽ không đi vào cuộc sống một cách hiệu lực và hiệu quả hay không? Và cơ chế nào, cách làm nào để có thể thực hiện đầy đủ hơn các giải pháp này trên thực tế.

Theo đánh giá sơ bộ của Vietnam Report, với cơ chế và động lực thực hiện chính sách như hiện nay, một số nhóm giải pháp được nêu ra trong Đề án tái cơ cấu có tính khả thi rất thấp trong giai đoạn 2012-2015.

Cụ thể, trong số 12 nhóm giải pháp được khuyến nghị tại Đề án tái cơ cấu kinh tế, có 4 nhóm giải pháp có tính khả thi cao, 3 nhóm giải pháp khó thực hiện, và 5 nhóm giải pháp có tính khả thi thấp. Đặc biệt, những nhóm giải pháp quan trọng như “nâng cao chất lượng quy hoạch”, “phát triển các cụm sản xuất liên ngành”, “phát huy lợi thế kinh tế của  vùng”, “phát triển khoa học, công nghệ” có tính khả thi rất thấp do thiếu nguồn lực và giải pháp chi tiết để thực hiện.  Do vậy, để những giải pháp trên đi vào cuộc sống, cần có những cơ chế, chính sách và nguồn lực mang tính đột phá để thực hiện những giải pháp này.

Dựa trên việc phân tích 12 nhóm giải pháp về đề án tái cơ cấu, VietNam Report đã dự đoán tác động của các nhóm giải pháp này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn trong giai đoạn 2012 đến 2014 nếu đề án được Quốc hội thông qua.

Đó là, nhiều khả năng Chính phủ tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, khiến cho dòng tiền tiếp tục thu hẹp trong ngắn hạn và trung hạn

Việc đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh và minh bạch hơn, nhưng sẽ gâp áp lực ngắn hạn cho thị trường chứng khoán. Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, các cơ hội M&A xuất hiện nhiều hơn. Các biện pháp tái cơ cấu ngành kinh tế, vùng kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật sẽ ít có tác động trong ngắn hạn tới các doanh nghiệp lớn

Có thể thấy đề án tái cấu trúc sau khi được trình tại Quốc hội mới chỉ dừng lại ở thảo luận, số phận của đề án chưa được định đoạt. Trước tình hình nóng bỏng đó, các chuyên gia kinh tế đưa ra giải pháp nên chăng thành lập ủy ban chuyên trách riêng về việc tái cơ cấu.

TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng để thành lập ủy ban trước tiên là phải xác định lại chức năng của các khu vực, các thành phần kinh tế, chứ cứ để chức năng DNNN như cũ thì tái cơ cấu DNNN khó thành công được.

Đồng nhất với ý kiến của nhiều chuyên gia, VietNam Report cũng cho rằng cần có các cơ chế để thực hiện và giám sát hiệu quả và hiệu lực các giải pháp đã được nêu ra tại Đề án Tái cơ cấu kinh tế. Có thể cân nhắc các giải pháp khác nhau.

Một là, Quốc hội và/hoặc Chính phủ ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với lộ trình thực hiện cụ thể, giao trách nhiệm cụ thể tới từng bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đầu tháng 8 năm 2012, tại Hội nghị Vietnam CEO Sumit 2012 do Vietnam Report tổ chức, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và tăng trưởng nhanh của Việt Nam (VNR500 và FAST500) sẽ tiếp tục thảo luận, đóng góp về các nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế.

Chi tiết tại www.vietnamreport.com.vn