Trang chủ » BXH V1000 và chính sách thuế » Đa ngành: Câu chuyện đã quen nhưng chưa bao giờ cũ

Đa ngành: Câu chuyện đã quen nhưng chưa bao giờ cũ

Tác giả:

Thế nhưng, diễn biến kinh tế luôn chưa từng bị bó buộc bởi bất cứ kịch bản nào. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ, sau đó lan rộng khắp Châu Âu đã ảnh hưởng không nhỏ tới tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đa ngành bỗng chốc trở thành con dao hai lưỡi, đặc biệt là khi doanh nghiệp mất kiểm soát về quản trị, làm giảm khả năng đề kháng trước môi trường kinh doanh đang ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Và như tiến sĩ Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải từng nói: “Đầu tư đa ngành chẳng khác nào cho người bệnh ở cùng với người khỏe để thành dịch bệnh nguy hiểm”.

Thua lỗ do đa ngành, nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp Nhà nước lao đao

Những cái tên của nhiều ông anh cả như EVN, Vinaconex hay Đồng Tâm Group đã từng được ví như những ngôi sao sáng với cái gọi là nhạy bén trong hoạt động đầu tư nhiều năm trước, nay lại “gây sốt” vì những khoản nợ khổng lồ đến từ “đầu tư ngoài ngành”.

Trong mười năm trở lại đây, trong cơn lốc xoáy của thị trường chứng khoán và bất động sản, người ta nhìn thấy những khoản lãi “như mơ” trong Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp lớn đến từ vô số khoản đầu tư mới, bất chấp ngành nghề chính của doanh nghiệp là gì, nguồn lực của doanh nghiệp ra sao… Nhưng chỉ sau vài năm, cũng trên những bản báo cáo tài chính này, các khoản nợ khổng lồ xuất hiện. Thị trường bàng hoàng vì tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư của EVN tính đến hết ngày 31/12/2010 chỉ là 1%. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó gần 90% đổ vào các công ty con, nhưng tổng lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn 540 tỷ đồng.

Trường hợp khác của Đồng Tâm Group, một doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, vừa bị phát hiện đang “cõng” các khoản vay nợ lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Quyết định dùng vốn ngắn hạn để đầu tư bất động sản với tham vọng sẽ là đầu ra cho các sản phẩm vật liệu xây dựng của Đồng Tâm được giới phân tích cho là “lạc lối”. Năm 2009, Đồng Tâm Group ký hợp đồng hợp tác với các công ty con của quỹ đầu tư VinaCapital để đầu tư vào 4 dự án gồm: khu công nghiệp Long An, Cảng Long An, khu dân cư Long An và khu dịch vụ công nghiệp Long An, đồng thời mua lại 50% cổ phần và các quyền phát triển dự án, cũng như các lợi ích khác từ các công ty con của VinaCapital Group với tổng số tiền 1.204 tỷ đồng (tương đương hơn 67 triệu USD). Ngoài ra, Đồng Tâm còn ký hợp đồng nguyên tắc về việc nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, quyền mua cổ phần của các công ty nói trên từ VinaCapital Group với tổng giá trị hợp đồng lên tới 5.676 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn vốn cạn kiệt, các bản hợp đồng này bỗng trở thành sợi dây trói chân Đồng Tâm Group.

Với câu chuyện của Vinaconex, đây là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản với 37 công ty con, và hiện là nhà đầu tư của hàng chục dự án lớn nhỏ trên khắp cả nước. Thế nhưng, Vinaconex lại đang đau đầu bởi con át chủ bài trong đầu tư ngoài ngành của mình mang tên xi măng Cẩm Phả. Dù có nhiều thế mạnh về công nghệ, vị trí địa lý, cùng sự hỗ trợ của công ty mẹ, nhưng trong suốt hai niên độ kế toán đầu tiên, xi măng Cẩm Phả báo lỗ lũy kế hơn 700 tỷ đồng, kéo kết quả kinh doanh hợp nhất của công ty mẹ thụt lùi theo. Chưa hết, với độ mỏng về kinh nghiệm thương trường, xi măng Cẩm Phả đang là cơn ác mộng đối với các cổ đông Vinaconex.

Một phương cách dường như đã trở thành “bài bản” của các doanh nghiệp lớn để chống đỡ và thoát khỏi tình trạng khó chồng chất khó là tiến hành “tái cấu trúc doanh nghiệp”, nhằm thu hẹp ngành nghề kinh doanh để trở về với nghề “tay phải” của mình. Vinaconex đã đặt lịch trình tái cấu trúc theo hướng tập trung hoạt động vào 2 lĩnh vực kinh doanh là bất động sản và xây dựng trong giai đoạn 2010-2015. EVN cũng đang tìm cách tháo chân khỏi các công ty con ngoài ngành…, để tập trung vào ngành nghề cốt lõi của mình. Tuy nhiên, với “căn bệnh cố hữu” mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang mắc phải như: sự mất kiểm soát trong quản trị chiến lược, tâm lý đám đông và khả năng nhận định thị trường, thì tái cấu trúc không đơn thuần là lập chiến lược thoái vốn một mảng kinh doanh nào đó hay cổ phần hóa, mà nên là cuộc cải cách tổng thể từ chiến lược, cấu trúc doanh nghiệp, đến quy trình công nghệ và con người.

Đa ngành còn là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp tư nhân

Trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cho biết đang đầu tư vào 52 công ty con thuộc 6 ngành khác nhau. Trong đó, lĩnh vực trồng cao su có 17 công ty, bất động sản 15 công ty. Theo phân ngành của Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM, HAG được xếp vào mảng bất động sản. Trên bản cáo bạch về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp này còn đăng ký thêm “các ngành nghề khác mà pháp luật không cấm”. Mới đây, HAG cũng đã kiến nghị với Chính phủ xem xét cho nhập khẩu mía đường từ Lào về. Tập đoàn đang đầu tư cụm công nghiệp mía đường 100 triệu USD tại Lào với công suất 7.000 tấn mỗi ngày.

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đang đầu tư vào 4 ngành chính là bất động sản, trồng cao su, khai thác – chế biến gỗ và thủy điện. Dù vậy, đăng ký kinh doanh của đơn vị này dài 22 danh mục và thay đổi tới 10 lần trong vòng 3 năm, từ năm 2007 đến 2010.

Một đơn vị khác là CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) với danh mục đăng ký ngành nghề kinh doanh khá dài, bao gồm từ chế biến, xử lý rác thải, tới luyện kim, sản xuất máy lọc nước và cả… thủy điện. Và mới đây, SHI còn dự kiến đầu tư cả vào mảng siêu thị.

Rõ ràng, đa ngành, đa lĩnh vực không phải lúc nào cũng là lựa chọn khôn ngoan. Như ông Bruce Wilcox, một nhà đầu tư quốc tịch Mỹ tại Việt Nam cho hay: “Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp mở rộng sang nhiều ngành khác nhau, việc phân tích tình hình hoạt động những công ty này sẽ vô cùng phức tạp”. Cũng theo ông Bruce, các công ty lấn sân sang nhiều lĩnh vực khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu, đánh giá lợi thế, doanh thu từng ngành cụ thể. “Nếu tôi muốn tìm kiếm cơ hội ở các ngành khác nhau, tôi sẽ chọn những doanh nghiệp riêng biệt xuất sắc hẳn trong lĩnh vực đó để mua cổ phiếu”, ông Bruce nói thêm. Theo nhận định của một nhà đầu tư khác, việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn cũng có lợi thế là phân tán rủi ro, hỗ trợ những mảng kinh doanh yếu kém hơn. Tuy nhiên, vì không phải là ngành chuyên môn chính nên những doanh nghiệp này rất có thể chỉ mở rộng về quy mô mà chất lượng chưa chắc đã tốt.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, kinh doanh đa ngành không dựa trên cơ sở phân tích và đánh giá năng lực của mình, nên rủi ro thất bại lại càng cao. Và tất yếu, doanh thu của doanh nghiệp sẽ giảm sút đáng kể, thậm chí sẽ dẫn tới tình trạng phá sản nếu doanh nghiệp không có chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả. Khó có thể dự báo thời điểm chính xác cho thời điểm phục hồi của nền kinh tế, bởi vậy, nhận thức rõ năng lực cốt lõi của mình, đưa doanh nghiệp trở về với ngành nghề thế mạnh chính là nhu cầu thiết yếu và cần rất nhiều sự đồng lòng của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Sáng ngày 30/11/2012, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo Cáo Đánh Giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp Chí Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2012. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự giầu mạnh của Đất nước.