Trang chủ » BXH V1000 và chính sách thuế » Doanh nghiệp tư nhân: Trưởng thành từ khó khăn

Doanh nghiệp tư nhân: Trưởng thành từ khó khăn

Tác giả:

Cùng nhìn lại những con số thống kê mà Vietnam Report mới công bố về Bảng xếp hạng V1000 năm 2012 – Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có thể thấy, mặc dù đi đầu vẫn là doanh nghiệp nhà nước, nhưng khối doanh nghiệp tư nhân cũng đã ghi dấu ấn của mình với số thuế đóng góp trong năm 2011 lên đến con số 12.038 tỷ đồng, chiếm gần 22 % trong tổng số thuế mà 1000 DN thuộc bảng xếp hạng đã đóng góp vào ngân sách quốc gia, tăng 4 điểm phần trăm so với Bảng xếp hạng V1000 năm trước (Biểu đồ 1).

Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế khi mà các doanh nghiệp đang phải mò mẫm tìm đường cứu mình thoát khỏi nguy cơ phải tạm dừng hoạt động, thậm chí là phá sản, thời điểm phục hồi kinh tế vẫn còn rất mơ hồ, không thể dự báo trước bởi các yếu tố tiêu cực từ suy yếu của hệ thống tài chính toàn cầu cùng những bất ổn vĩ mô trong nước vẫn đang tiếp tục gia tăng ảnh hưởng, sự gia tăng trong tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân là dấu hiệu tốt báo hiệu ý thức về trách nhiệm xã hội của khối tư nhân đang ngày càng được cải thiện và họ luôn sẵn sàng, tích cực đồng lòng chung sức cùng quốc gia.

Biểu đồ 1: Cơ cấu nộp thuế TNDN theo loại hình hoạt động (Tính trên tổng số thuế đã nộp trong năm 2011 của 1000 DN thuộc bảng V1000 năm 2012)

Dữ liệu thống kê về khối tư nhân cũng chỉ ra rằng, sự cải thiện này phần lớn đến từ ngành ngân hàng- tài chính- bảo hiểm- vàng bạc, và ngành xây dựng- bất động sản- vật liệu xây dựng. Với hơn 36,1% đóng góp của ngành ngân hàng- tài chính- bảo hiểm- vàng bạc và 26,1% của ngành xây dựng- bất động sản- vật liệu xây dựng vào tổng số thuế nhóm tư nhân đã nộp cho ngân sách, có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang được củng cố chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng (Biểu đồ 2).

Và mặc dù tài chính ngân hàng đang lao đao vì các khoản nợ xấu khổng lồ và nguy cơ mất khả năng thanh toán, bên cạnh bất động sản đang được đánh giá là ngành có lượng tồn kho lớn nhất, hệ lụy tới toàn bộ nền kinh tế khi “đóng góp” tới gần 19,3% vào tổng nợ xấu toàn quốc gia xét theo ngành nghề kinh doanh, những đóng góp tích cực về thuế của các đơn vị tư nhân trong 2 ngành này là rất đáng được ghi nhận. Trong khi đó, ngành viễn thông mặc dù là điểm sáng của Bảng xếp hạng (đóng góp tới gần 20% tổng số thuế của 1000 doanh nghiệp thuộc V1000 năm 2012), nhưng xét riêng khối doanh nghiệp tư nhân, tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp thuộc ngành này chỉ chiếm một con số khá khiêm tốn, 3,6% tổng số thuế của Khối tư nhân, rõ ràng, đây vẫn là ngành dù khá “hấp dẫn” nhưng còn mang nặng tính “nhà nước”, khó doanh nghiệp tư nhân nào có thể trụ vững và cạnh tranh được trong ngành.

Biểu đồ 2: Cơ cấu nộp thuế TNDN theo ngành nghề của loại hình DN tư nhân (Tính trên tổng số thuế đã nộp trong năm 2011 của nhóm DNTN thuộc bảng V1000 năm 2012)

Cũng theo thống kê này, so sánh hai bảng xếp hạng V1000 của năm 2011 và 2012, số lượng doanh nghiệp mới vào bảng lên tới 410 doanh nghiệp, đóng góp 15,43% vào tổng số thuế của các doanh nghiệp thuộc bảng xếp hạng năm 2012, trong đó có đến 44,2% số thuế có được nhờ vào các doanh nghiệp tư nhân. (Biểu đồ 3,4)

Biểu đồ 3: Cơ cấu nộp thuế TNDN theo sự xuất hiện của DN trong bảng xếp hạng (Tính trên tổng số thuế đã nộp trong năm 2011 của 1000 DN thuộc bảng V1000 năm 2012)

Biểu đồ 4: Cơ cấu nộp thuế TNDN theo loại hình của nhóm DN mới vào bảng năm 2012 (Tính trên tổng số thuế đã nộp trong năm 2011 của nhóm DN mới vào bảng năm 2012)

Theo nhận định của giới đầu tư, doanh nghiệp tư nhân luôn nhận được nhiều lời chê hơn khen, là đối tượng kém về năng lực quản trị kinh doanh và nguồn nhân sự, tính minh bạch trong tài chính thấp, và là điển hình của hiện tượng “công tư khó phân minh”, khi mọi quyết định đều nằm trong tay chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những “trưởng thành” trong ý thức và trách nhiệm xã hội, chúng ta có thể kỳ vọng, chỉ cần nhận thức được những yếu điểm đang tồn tại của mình cùng với việc hài hòa các mối quan hệ trong và ngoài doanh nghiệp, trong thời gian tới đây, các doanh nghiệp này sẽ nhanh chóng trở thành một trong những đối tượng quan trọng trong tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam. Và nên chăng việc Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn nữa với nhóm đối tượng này, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhiều lao động, vừa tạo được sự công bằng trong kinh doanh, vừa gián tiếp giúp giải quyết các vấn đề về công ăn việc làm và an sinh xã hội hiện nay.

Sáng ngày 30/11/2012, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo Cáo Đánh Giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp Chí Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2012. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự giầu mạnh của Đất nước.