Trang chủ » Kinh tế 24h » Tàu ‘ma’ du lịch 5 sao bỏ hoang ở Việt Nam

Tàu ‘ma’ du lịch 5 sao bỏ hoang ở Việt Nam

Tác giả:

Siêu tàu du lịch 5 sao bỏ không

Trong danh sách những tàu quốc tịch nước ngoài đang neo đậu dài ngày tại Việt Nam, tàu Jupiter quốc tịch Campuchia không còn lạ lẫm. Chủ tàu là Tập đoàn Royal Group – một doanh nghiệp rất “có tiếng” trong lĩnh vực công nghệ giải trí cao cấp, kinh doanh bất động sản du lịch và du lịch biển, đang hoạt động tại Australia, Hồng Kông, Macao, Campuchia.

Trước khi “nằm ỳ” tại vùng biển Khánh Hòa, tàu Jupiter đã được chủ tàu quảng cáo “có 9 tầng, dài 178m, rộng 22m, nặng gần 21 tấn, sức chứa 1.000 khách với nhiều tiện ích như: Phục vụ hội nghị, nhà hàng, bar, karaoke, cửa hàng mua sắm, làm đẹp, vui chơi giải trí…”. Chủ tàu định đưa tàu du lịch cao cấp 5 sao này đến Việt Nam để khai thác tuyến du lịch Phú Quốc – Shihanouk Ville và dự kiến tàu chính thức khởi hành phục vụ du khách trước Noel năm 2008. Thậm chí, đầu tháng 11/2008, Royal Group đã cho tàu Jupiter chạy thử nghiệm để xác định lịch trình chính thức, tần suất chạy, giá vé, phương án kinh doanh và hoàn thiện các dịch vụ trên tàu kết nối với đất liền.

{keywords}

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, siêu tàu du lịch 5 sao này đã phải “dạt” đến neo đậu tại vùng biển Vạn Ninh (Khánh Hòa) từ 6/2010 và ở “lì” cho đến nay bất chấp sự không chấp nhận của cơ quan chức năng.

Ông Phạm Văn Chương – Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho biết, toàn bộ giấy tờ đăng kiểm của tàu đã hết hạn từ tháng 12/2012. Các trang thiết bị hàng hải vẫn hoạt động bình thường tuy nhiên, không được chứng nhận bảo dưỡng từ năm 2008. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các trang thiết bị cứu sinh cứu hỏa. 4 máy chính của tàu hiện không hoạt động được.

Đáng nói hơn, theo ông Chương, dù chủ tàu Jupiter cam kết di dời tàu trong năm 2013 nhưng khả năng “thất hẹn” khá cao. Và thực tế là cuối tháng 8 vừa qua, chủ tàu đã tiếp tục có văn bản xin được neo đậu đến hết tháng 3/2014. “Thời tiết gần đây diễn biến bất thường. Vì thế, việc bố trí neo đậu an toàn dài ngày cho các tàu thuyền, cụ thể là tàu Jupiter rất khó đảm bảo. Chủ tàu lại gặp khó khăn về tài chính để duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường” – ông Chương cho biết.

 

Không còn chỗ cho tàu “nằm vạ”

Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải – Cục Hàng hải Việt Nam, trước đây, số tàu quốc tịch nước ngoài neo đậu dài ngày tại Việt Nam lên tới vài chục tàu. Tuy nhiên, gần đây thì chỉ còn lại khoảng 6 chiếc. Trong số này, trừ tàu Wealthy Global có lai lịch “khủng” vừa bị cháy tại vùng biển Vũng Tàu, tàu Jupiter vừa kể trên, thì tàu Shanyun 28338 (quốc tịch Trung Quốc) cũng đang là mối nguy lớn gây mất an toàn.

Tàu Shanyun neo đậu tại Hải Phòng từ năm 2007. Công ty TNHH Đại Thiên Quý – doanh nghiệp đang làm đại lý cho tàu này cho biết, từ năm 2008, kinh tế bắt đầu suy thoái, vận tải biển xuống dốc không phanh, nên tàu không còn chân hàng để xuất cảnh, buộc phải nằm chờ hàng. Thuyền viên trên tàu nóng ruột xin về nước. Tới tháng 7/2012, thuyền viên cuối cùng của tàu bị ốm nên cũng đã về nước theo đường bộ. Thậm chí từ năm 2010, do không còn khả năng thanh toán tiền phí đại lý, tiền cầu bến, tiền ăn cho thuyền viên nên chủ tàu đã buộc phải làm giấy tờ cho phép Đại Thiên Quý toàn quyền xử lý tàu này. “Đến thời điểm hiện tại, chủ tàu tại Trung Quốc đã phá sản và công ty chúng tôi đang hoàn tất thủ tục để sớm xử lý, thanh lý, phá dỡ dứt điểm tàu” – bà Đỗ Thị Lý – Giám đốc Công ty Đại Thiên Quý cho biết.

Ông Cường cho biết, Cục Hàng hải VN đang nỗ lực để đảm bảo an toàn trên vùng biển và giải quyết dứt điểm các tàu nước ngoài neo đậu dài ngày. “Số lượng tàu chắc chắn sẽ không tăng thêm nữa” – ông Cường khẳng định. Cũng theo ông Cường, các tàu thuyền nước ngoài vào cảng, khu neo đậu đều được thông báo rõ ràng là không chấp nhận neo đậu dài ngày. Và trên thực tế, hiện nay cũng không còn chỗ cho tàu thuyền nước ngoài vào nằm lỳ lâu ngày.