Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Ngành thực phẩm – đồ uống: Toả sáng từ cạnh tranh

Ngành thực phẩm – đồ uống: Toả sáng từ cạnh tranh

Tác giả:

Cạnh tranh trong thế giới… phẳng

Nhớ lại cách đây hơn hai chục năm, khi Việt Nam bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, các cửa khẩu đường biên được mở, lập tức các loại đồ uống từ Đại lục nhanh chóng tràn ngập lãnh thổ. Đáng chú ý nhất là bia Vạn Lực, loại bia được đóng trong chai 0,75 lít, mùi vị khá hấp dẫn, quan trọng hơn là giá rẻ. Với người dân, sau một ngày lao động mệt nhọc, tấp vào quán làm vài chai Vạn Lực vừa thoải mái, thú vị lại không cần lo về giá cả. Chính vì lý do đó loại bia này đã “phũ phàng” đẩy lùi bia nội để chiếm thị phần lớn trên thị trường bia Việt Nam.

Tưởng như trong cuộc chiến không cân sức đó, ngành bia trong nước sẽ chết yểu nhường chỗ cho mấy ông ba Tàu, nhưng không. Bằng sự kiên trì nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hơn thế là đầu tư công nghệ bài bản, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, những nhà sản xuất bia trong nước đã từng bước tái chiếm thị trường, đẩy lùi bia Tàu lên biên giới rồi trở về chính quốc để rồi không còn bóng dáng tại Việt Nam. Mới đây, tôi đã có dịp sang thành phố Nam Ninh ở bên kia đường biên, tấp vào quán gọi một chai bia Hà Nội, chủ quán đon đả: có ngay! Không những thế, nơi đây còn một số thương hiệu khác như Cafe Trung Nguyên, bia Sài Gòn và cả bánh đậu xanh Hương Nguyên của Hải Dương.

Trong một thế giới ngày càng trở nên phẳng (từ của Thomas Friedman) người tiêu dùng thừa thông minh để lựa chọn cho mình những sản phẩm có chất lượng tốt, hơn thế là an toàn cho sức khoẻ. Tư duy ham rẻ không còn ngự trị trong đầu mọi người dân, thay vào đó sự lựa chọn những sản phẩm đủ độ tin cậy. Câu chuyện về bia Vạn Lực là ví dụ sinh động cho sự đầu tư bài bản, kiên trì theo đuổi chất lượng và bản sắc. Khi hàng hoá trong nước đủ niềm tin về chất lượng, giá cả hợp lý thì tâm lý sính ngoại sẽ không còn.

Một khảo cứu của Harvard Business School cho thấy, người Mỹ ưa chuộng nhất là dùng hàng… Mỹ. Điều này không phải vì người Mỹ không có tư duy cởi mở, không thừa nhận các giá trị của thế giới mà chỉ vì hàng Mỹ thực sự tốt và hơn thế, Mỹ là nước mà có hệ thống tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ nhất thế giới. Người tiêu dùng Mỹ không chỉ được dùng sản phẩm tốt mà còn được bảo vệ một cách chu đáo nhất khi dùng hàng trong nước, đặc biệt là với các loại thực phẩm- đồ uống, thứ liên quan trực tiếp đến sức khoẻ.

Và sự tham gia của những thương hiệu ngoại

Quay trở lại chuyện thị trường thực phẩm đồ uống Việt, là nước có xấp xỉ 90 triệu dân, lại có cơ cấu dân số trẻ, đang ở độ tuổi trưởng thành, Việt Nam thực sự là thị trường hấp dẫn cho ngành thực phẩm đồ uống. Cũng chính vì lý do này, khi đất nước mở cửa, các tên tuổi lớn đã nhanh chóng có mặt và tham gia thị trường với nhiều cách khác nhau. Đầu tiên là sự du nhập của sản phẩm hàng hoá, công nghệ, sau đó là dòng vốn FDI, thiết bị, công nghệ cứng và công nghệ mềm tham gia vào các dự án dài hơi.

Những tên tuổi lớn như Coca – Cola, Pepsico, Red Bull… đã vào Việt Nam theo cách ấy. Đáng chú ý trong số những thương hiệu ngoại là Lavie. Công ty này đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện nay là chuyển từ sử dụng nước nấu sôi sang nước đóng chai để rồi cho ra đời một sản phẩm nước khoáng chất lượng cao và nhanh chóng phủ sóng thị trường. Sự ra đời của Công ty liên doanh Lavie như một nguồn cảm hứng thức tỉnh các nhà đầu tư nội địa. Sau Lavie, nhiều tên tuổi khác từ các nhà đầu tư trong nước đã ra đời như Vĩnh Hảo, Kim Bôi, Kim Sơn, Tiền Hải… đã làm đa dạng hoá thị trường nước khoáng đóng chai. Từ sự phong phú của nguồn tài nguyên trong lòng đất, từ nhu cầu “tiện lợi hóa” của người tiêu dùng, với công nghệ nước ngoài, cách quản lý nước ngoài, chúng ta đã khai thác nó để cung cấp cho thị trường trong nước rồi xuất khẩu ra các nước khu vực làm nức lòng niềm tự hào Việt.

Cũng chính vì sự tham gia của những “ông lớn” trên thế giới, khi bức tranh chung của cả ngành kinh tế ảm đạm thì trong ngành thực phẩm- đồ uống vẫn là điểm sáng. Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2000 đến nay, sản lượng sữa tăng bình quân 18%/năm, sản lượng bia tăng bình quân 11,4%/năm, dầu thực vật tăng 9%/năm… Năm 2013, mức tiêu thụ bình quân theo đầu người của ngành Sữa đạt xấp xỉ 16 lít/người (gấp hơn 2 lần năm 2000), của ngành Bia đạt hơn 32 lít/người (gấp 3 lần so với năm 2000).

Trong sự suy thoái chung của cả nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của ngành đồ uống có chậm lại nhưng vẫn đạt mức khá. Năm 2013, mức tăng trưởng vẫn đạt xấp xỉ 7%. Trong ba năm tiếp theo, khi kinh tế phục hồi, dự kiến sản lượng của ngành sẽ tăng 7,5%, còn doanh thu sẽ tăng 10,5%/năm khi mà người tiêu dùng bắt đầu sử dụng các loại đồ uống có giá trị cao hơn. Rõ ràng rằng, cạnh tranh lành mạnh không những không giết chết nền sản xuất trong nước mà còn là động lực mạnh mẽ cho sản xuất trong nước phát triển.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương, đến năm 2013, trong lĩnh vực đồ uống, cả nước có 134 DN sản xuất, gồm cả doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng chú ý hơn cả là gần như những tên tuổi lớn trong lĩnh vực này từ Mỹ, Châu Âu đều đã có mặt tại Việt Nam.

Sự tham dự của các hãng thực phẩm đồ uống nước ngoài tại Việt Nam cũng là động lực của các nhà sản xuất trong nước vươn lên mạnh mẽ khẳng định vị thế, tên tuổi ngay trên chính mảnh đất của mình để rồi vươn ra thế giới. Một số thương hiệu Việt đã đi theo cách đó có thể kể đến như cafe Trung Nguyên; Bia Sài gòn, sữa Vinamilk, bánh kẹo Kinh Đô, Hữu Nghị…. đã được xuất khẩu tới hàng chục nước trên thế giới và đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt bất chấp sự suy thoái chung của cả nền kinh tế.

Cơ hội lớn vẫn ở trước mắt

Với Việt Nam, ngành chế biến thực phẩm, đồ uống là ngành có nhiều tiềm năng. Là nước nông nghiệp nhiệt đới, Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng là đầu vào quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến. Đất nước đang phát triển, thu nhập của người dân không ngừng tăng và lối sống thay đổi đặc biệt là tại các trung tâm thành phố, mang lại nhu cầu về tiêu thụ nhiều đồ ăn nhẹ, thực phẩm tiện dùng và đắt tiền. Thị trường trong nước lớn với chi phí lao động thấp và quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp thực phẩm khiến thị trường này có sức sống mãnh liệt.

Xét theo các tiêu chí: tổng doanh thu, ROA, ROE của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam từ BXH VNR500 năm 2013, ngành thực phẩm, đồ uống luôn góp mặt ở Top 5 cho thấy hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của ngành khá tốt.

{keywords}

Hình 1: Top 5 ngành có tổng doanh thu lớn nhất trong BXH VNR500 năm 2013. Nguồn: Vietnam Report

{keywords}

Hình 2: Top 5 ngành có chỉ số ROE trung bình cao nhất trong BXH VNR500 năm 2013. Nguồn: Vietnam Report

Từ một ngành nhỏ bé, khiêm nhường, sau hơn 20 năm mở cửa, đến nay ngành thực phẩm đồ uống đã có một vị thế đáng kể trong nền kinh tế. Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến thời điểm này, ngành đã chiếm tỷ lệ 15% GDP và vẫn đang có xu hướng tăng. Đặc biệt, khi một số tên tuổi, thương hiệu Việt được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tiền đề quan trọng để hàng Việt Nam vươn ra thế giới. Sữa Ba Vì đã có mặt ở Châu Phi, các sản phẩm của Vinamilk đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước Trung Đông… Nhiều mặt hàng có cồn của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cạnh tranh là yếu tố cần thiết, góp phần làm cho chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn. Cơ hội lớn đang mở ra khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Là nước phát triển ở trình độ thấp, khi tham gia Hiệp định này sẽ là cơ hội nhưng cũng sẽ là thách thức lớn nếu DN Việt Nam không chuẩn bị tốt hành trang. Thị trường các nước tham gia đàm phán vào TPP hiện có 12 quốc gia với 800 triệu dân, chiếm 40% GDP toàn cầu. Thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam có lớn lên được hay không và lớn lên với tốc độ nào phụ thuộc vào mức độ thích ứng của chúng ta, trong đó có phần không thể thiếu được từ các chính sách vĩ mô của nhà nước.

Sáng 17/01/2014, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.