Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Bảy năm tìm vẽ chân dung nhà giàu Việt

Bảy năm tìm vẽ chân dung nhà giàu Việt

Tác giả:

Đã 7 năm, từ VNR500, bức tranh doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam ngày càng được phác hoạ rõ ràng.

Kích cầu minh bạch thông tin doanh nghiệp

Không chỉ lui tới văn phòng công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đơn vị thực hiện Bảng xếp hạng cùng báo điện tử VietNamNet, để hoàn tất hợp đồng, tổng giám đốc một công ty tư vấn luật và kinh doanh của Nhật Bản còn bày tỏ sự tin tưởng khi nhìn vào một số doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.

Ông cho biết, vài năm qua, doanh nghiệp hai nước Nhật – Việt đã có nhiều cuộc “xe duyên” thành công. Một vài thương vụ M&A được ghi nhận là thành công của doanh nghiệp Việt và với triển vọng kinh doanh sau khi chuyển giao, mua lại, phía Nhật rất hài lòng.

{keywords}

Vị CEO bảy tỏ, với đà hồi phục sau chính sách kích thích kinh tế táo bạo của nước này, ông tin tưởng nền kinh tế Nhật sẽ bật lên mạnh mẽ trong năm 2014. Theo đó, nhiều kế hoạch kinh doanh, mua bán – sáp nhập với các công ty lớn của Việt Nam sẽ được “kích hoạt” trở lại. Việc ông tìm đến VNR500 để có những phân tích, báo cáo, dữ liệu độc lập cho tư vấn đầu tư là minh chứng cho điều này.

Không chỉ vị doanh nhân của công ty Nhật Bản có trụ sở tại Việt Nam kể trên đặt thời gian làm việc kết hợp đón Giáng sinh và Năm mới tại nước ta; mà thời gian qua, Vietnam Report đã tiếp nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu và sẽ ký kết một số hợp đồng lớn với các doanh nghiệp nội địa. Theo đó, danh sách những đối tác quốc tế cũng ngày một dày hơn, tỷ lệ thuận với hồ sơ doanh nghiệp thuộc VNR500, và có thể kể đến như: Tập đoàn truyền thông Media Tenor International (Thụy Sĩ), Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Boston Globa Forum (Hoa Kỳ), Tập đoàn Finnpartnership (Phần Lan)…

7 năm qua, kể từ khi thiết lập BXH được xây dựng dựa trên phương pháp luận khoa học, độc lập, có sự tư vấn của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới, khách hàng tìm đến với VNR500 không phải là các doanh nghiệp được xếp hạng mà là những nhà đầu tư, đối tác có nhu cầu làm ăn, ký kết những hợp đồng lớn với những doanh nghiệp đó.

Trước đây nhiều người Việt, doanh nhân Việt đã nghe nói nhiều tới các bảng xếp hạng của Mỹ như Fortune500 hay Forbes100 thì nay cái tên VNR500 đang chứng minh sự thuyết phục. Điều này đáng nói hơn khi rất nhiều BXH doanh nghiệp và các giải thưởng kinh doanh từng mọc lên như nấm sau mưa ở nước ta hồi những năm kinh tế toàn cầu chưa rơi vào khủng hoảng cho đến nay đã “bặt vô âm tín”.

Việc ra đời và trụ vững của các BXH uy tín, lâu đời xuất phát từ nhu cầu tham khảo những đánh giá độc lập từ bên thứ ba, một tập quán kinh doanh phổ biển trên thế giới. Đến giai đoạn Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, với “thế hệ doanh nhân 3.0” dần hình thành, thì chính doanh nghiệp Việt cũng cần minh bạch hơn để tiếp nhận ngược lại thông tin từ doanh nghiệp khác, phục vụ cho nhu cầu cạnh tranh, liên kết và hợp tác.

 

“Bốn năm năm trước, khi mới thực hiện BXH VNR500, có khoảng 80% khách hàng của chúng tôi là đối tác nước ngoài như các nhà đầu tư hay quỹ đầu tư. Đến nay, lượng doanh nghiệp trong nước tìm đến chúng tôi đã nâng lên, cho dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn”, ông Vũ Đăng Vinh, tổng giám đốc của Vietnam Report, chia sẻ.

Triển vọng nhìn từ Bảng xếp hạng

VNR500 ra đời trùng với thời điểm Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Khi đó, nền kinh tế đứng trước nhiều kỳ vọng lớn. Theo thời gian, những chuyển biến của kinh tế Việt Nam đã được nhận diện khách quan và bình tĩnh hơn, với thành công nhiều mà thất bại cũng lắm.

Sau 7 năm sau, khi dấu vết của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn hiển hiện, thì một cơ hội mới đang chờ đợi Việt Nam, lớn hơn WTO, đó là tiến trình tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) đang đi vào giai đoạn cuối.

Lấy hai dấu mốc này soi chiếu qua VNR500 để nhìn nhận bức tranh kinh tế Việt Nam qua chặng đường 7 năm sẽ thấy những dịch chuyển tuy không nhiều, nhưng có sự khác biệt nhất định. Qua BXH năm thứ 7, được công bố hôm 3/12/2013, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn tuy vẫn nắm vai trò chi phối nền kinh tế nhưng vị trí có sự thay đổi nhất định.

Danh sách “top 10” từ năm trước ngoài các doanh nghiệp về dầu khí, năng lượng, viễn thông… đã có sự bổ sung cái tên mới là Samsung Electronics Vietnam. Số đông chiếm lĩnh BXH năm nay là khối doanh nghiệp tư nhân; tuy vậy, xét về doanh thu, khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn ở vị trí dẫn đầu.

Nhìn vào BXH VNR500 có thể lạc quan hơn về sự đi lên của khối doanh nghiệp tư nhân và sự đóng góp của những doanh nghiệp mới cho nền kinh tế. So với năm 2012, BXH năm nay xuất hiện của 160 cái tên mới, tương ứng với hơn 32% số doanh nghiệp thuộc “top 500”. Trong số này, có tới 40,4% là doanh nghiệp tư nhân, còn lại là doanh nghiệp nhà nước (36,6%) và doanh nghiệp nước ngoài (23%).

Không chỉ điều tra, khảo sát, nghiên cứu qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau, những người thực hiện BXH VNR500 còn trực tiếp lắng nghe chia sẻ, nhận định của các CEO, các chủ doanh nghiệp lớn.

Theo Vietnam Report, trong đợt khảo sát vừa qua, hơn 83,6% các CEO tỏ ra lạc quan khi dự báo về doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2014 sẽ cao hơn 2013. Tỷ lệ bi quan thể hiện rất thấp cho thấy niềm tin kinh doanh đang trở lại sau liên tục 4 năm bi quan.

Như vậy, những triển vọng tươi sáng hơn đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt trong hẳn cũng sẽ mang đến nhiều kết quả bất ngờ cho Bảng xếp hạng VNR500 khi bước sang năm thứ 8. Tại Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013 sẽ diễn ra vào ngày 17/1/2014, với sự góp mặt của nhiều CEO hàng đầu, chắc chắn VNR500 sẽ tiếp tục góp phần hoàn thiện hơn bức tranh về doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam cho những năm sắp tới.