Trang chủ » Thế giới » Dự phóng tương lai và sự hiền minh của lãnh đạo

Dự phóng tương lai và sự hiền minh của lãnh đạo

Tác giả:

Kinh tế kế hoạch dưới thể chế xã hội chủ nghĩa thất bại chủ yếu vì dùng chỉ tiêu pháp lệnh để hướng dẫn sản xuất, để điều tiết cung cầu và dựa trên nền tảng sở hữu công của yếu tố sản xuất, mà hậu quả là tiêu diệt động cơ cải tiến quản lý, cách tân công nghệ của doanh nghiệp và sự hăng say làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, trên nền tảng của kinh tế thị trường, một kế hoạch có tính cách dự phóng về tương lai, đặt ra mục tiêu để nhà nước và toàn dân hướng tới là rất cần thiết. Đây cũng là một cam kết cần có, một trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước của lãnh đạo chính trị. Vấn đề là làm sao để mục tiêu dài hạn đó đạt được kết quả.

Trước khi trả lời câu hỏi này, ta thử khảo sát kinh nghiệm trước đây của Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước đã đưa ra một viễn cảnh tương lai đất nước hợp lòng dân và đã thực hiện thành công ngoài dự tưởng.

Về trường hợp Nhật Bản. Cuối thập niên 1950, nhà chính trị Ikeda Hayato thai nghén một ý tưởng về việc đưa nước Nhật vào thời đại phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng của dân chúng. Trong lúc tìm kiếm ý tưởng, ông đọc được bài viết của Giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro về khả năng tăng gấp đôi tiền lương, thực chất là tăng gấp đôi mức sống của người dân trong vòng 10 năm. Ông lập nhóm nghiên cứu quy tụ các trí thức, các nhà kinh tế tâm huyết và có năng lực để bàn bạc, nghiên cứu việc triển khai ý tưởng đó. Chính Ikeda trực tiếp tham dự nhiều buổi họp thâu đêm của nhóm này.

{keywords}
Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản rất phát triển

Cuối cùng kết luận của nhóm là hiện nay tiết kiệm trong dân đang tăng, đất nước đang mở cửa hội nhập với thế giới nên công nghệ nước ngoài sẽ được du nhập dễ dàng; đó là hai tiền đề để đầu tư tích lũy tư bản. Đầu tư có hai hiệu quả là vừa tăng tổng cầu vừa tăng khả năng cung cấp (sản xuất) của nền kinh tế. Do đó kinh tế Nhật hy vọng sẽ bước vào thời đại bột phát mạnh mẽ. Được nhóm chuyên viên, trí thức triển khai về mặt lý luận và các chính sách cụ thể, Ikeda tự tin và đã quyết định lấy chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân làm cam kết chính trị trong cuộc tranh cử vào vị trí chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ. Ikeda thắng cử và trở thành Thủ tướng vào tháng 7/1960.

Cốt lõi của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân (từ 1960-1970) là toàn dụng lao động, làm cho dân chúng thấy cuộc sống được cải thiện rõ rệt, và đưa Nhật lên hàng các nước tiên tiến. Phương châm cơ bản là tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư. Công việc của chính phủ chỉ là cố gắng tiết kiệm công quỹ để vừa có thể giảm thuế nhằm kích thích đầu tư, vừa có nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển là công nghiệp hóa, là phát triển ngành dịch vụ nên lao động phải chuyển dần từ nông nghiệp sang các khu vực phi nông. Do đó Ikeda đã nhấn mạnh phải ra sức giáo dục bậc cao đẳng và hướng nghiệp để quá trình chuyển dịch lao động không bị gián đoạn.

Ikeda đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai. Doanh nghiệp tích cực đầu tư, mọi người hăng hái làm việc. Kết quả là kinh tế đã phát triển nhanh, vượt xa kế hoạch rất nhiều. Bình quân kinh tế phát triển trên 10% thay vì 7% như kế hoạch, chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong 7 năm thay vì 10 năm như kế hoạch ban đầu.

Theo giá thực tế năm 2000, tổng thu nhập quốc dân (GNP) trên đầu người của Nhật vào năm 1960 là 7.700 đô la Mỹ, đến năm 1970 tăng lên 16.600 đô la Mỹ. Mức chỉ tiêu của một gia đình giới lao động vào năm 1960 trung bình mỗi tháng là 32.000 yen, đến năm 1970 đã tăng lên 83.000 yen. Lương tháng của công nhân trong ngành công nghiệp đã tăng từ 23.000 yen năm 1960 lên 72.000 yen năm 1970. Trừ đi độ trượt giá mỗi năm vài phần trăm, trên thực chất thu nhập của giới lao động đã tăng gấp đôi hoặc hơn.

Ngoài ra, số lao động có việc làm tăng nhiều hơn so với kế hoạch và số giờ làm việc mỗi tháng của giới lao động giảm từ 203 giờ còn 187 giờ. Thập niên 1960 cũng là giai đoạn người Nhật chứng kiến nhà nhà có tủ lạnh, quạt máy, máy giặt, ti vi…Cả xuất và nhập khẩu đều tăng nhiều hơn kế hoạch nhưng đặc biệt là Nhật chuyển sang xuất siêu từ năm 1967 mặc dù kế hoạch dự tính vẫn còn nhập siêu trong năm 1970.

{keywords}

Ngành công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy của Việt Nam cũng đang khởi sắc

Tại sao kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân thành công ngoài dự kiến? Một là bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược về dân tộc về đất nước của lãnh đạo, từ đó có khả năng quy tụ người tài chung quanh mình trong việc hoạch định chiến lược, chính sách cụ thể. Hai là đội ngũ quan chức có năng lực và thanh liêm, đầy tinh thần trách nhiệm với đất nước. Do hai yếu tố cơ bản này ta thấy họ đã đưa ra nhiều chính sách rất thiết thực và thực hiện các chính sách rất hiệu quả. Đơn cử vài thí dụ:

Thứ nhất, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, yểm trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng chính sách tín dụng, thủ tục hành chính đơn giản, hầu như không có tham nhũng nên đầu tư tăng rất nhanh. Tỷ lệ đầu tư trên GDP tăng từ 20% năm 1955 lên 30% năm 1960 và 35% năm 1970. Trong tổng đầu tư có tới 75% là đầu tư của doanh nghiệp tư nhân. Những công ty nổi tiếng sau này như Honda, Sony, Toyota… đều lớn mạnh trong giai đoạn này. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn đầu tư dễ dàng, thậm chí những doanh nghiệp có số lao động dưới 20 người vẫn dựa chủ yếu vào vốn vay ở các ngân hàng và cơ quan tín dụng hiện đại.

Thứ hai, ngoại tệ được quản lý chặt chẽ và tiết kiệm tối đa, hạn chế việc đi du lịch nước ngoài. Các quan chức dùng ngoại tệ đi tham quan nước ngoài được kiểm soát chặt chẽ nên các chương trình phải bị giới hạn và việc thực hiện phải tiết kiệm. Ngoại tệ chủ yếu dành để nhập thiết bị, nguyên liệu và công nghệ cần thiết cho đầu tư. Doanh nghiệp hăng hái du nhập và cách tân công nghệ nên ngày càng sản xuất sản phẩm mới với giá thành và phẩm chất tốt, cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Do cách tân công nghệ của doanh nghiệp và do thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch, nền kinh tế phát triển rất có hiệu suất. Tuy đầu tư nhộn nhịp như vậy nhưng độ cống hiến của tư bản trong tăng trưởng chỉ có khoảng 25%, trong khi cống hiến của công nghệ, của quản lý là 65%. Do đầu tư có hiệu suất nên kinh tế phát triển nhanh.

Ngoài ra, còn nhiều chính sách khác về giáo dục, khoa học công nghệ, về đẩy mạnh xuất khẩu, về tổ chức thị trường… Nói chung lãnh đạo và quan chức khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách để đạt mục tiêu của kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân; và doanh nghiệp đã hưởng ứng tạo nên khí thế đầu tư mạnh mẽ.

Thí dụ thứ hai là trường hợp của Hàn Quốc. Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới và chính trị xã hội hỗn loạn trong gần 10 năm tiếp theo. Sau khi nắm chính quyền năm 1962, Park Chung Hee đưa ra quyết tâm phát triển đất nước. Trước hết, ông ta cho lập Tổng bộ Phát triển (Korea Development Board), một cơ quan siêu bộ, gồm nhiều người học ở nước ngoài về, có nhiệm vụ vạch ra chiến lược và có quyền hạn phân bổ ngân sách và các nguồn lực khác để thực hiện chiến lược.

Cốt lõi của chiến lược phát triển trong giai đoạn trước mắt là đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp với nhận định là chiến lược này sẽ đưa lại hiệu suất phát triển vì doanh nghiệp phải cạnh tranh trên thị trường thế giới, và tận dụng thị trường thế giới để tăng tính quy mô của sản xuất, khắc phục sự hạn hẹp của thị trường trong nước. Hơn nữa, Hàn Quốc phải vay vốn nước ngoài nên phải bảo đảm có nguồn ngoại tệ để trả nợ, và họ phải nhập khẩu công nghệ và nguyên liệu nên cần có nguồn cung cấp ngoại tệ bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu.

Hàn Quốc đặt ra mục tiêu xuất khẩu rất cao và càng về sau mục tiêu càng cao hơn, chẳng hạn kế hoạch xuất khẩu cho năm 1972 tăng gấp 29 lần năm 1962, kế hoạch năm 1981 tăng gấp 12 lần so với năm 1972. Trong gần 20 năm bắt đầu từ khi đặt kế hoạch, thành quả xuất khẩu lúc nào cũng vượt mục tiêu, trừ năm đầu tiên và năm 1975 khi kinh tế thế giới đình trệ sau cuộc khủng hoảng dầu hỏa cuối năm 1973. Có thể tóm tắt các yếu tố đưa đến thành công trong kế hoạch xuất khẩu của Hàn Quốc như sau:

Một là, vấn đề xuất khẩu được đặt thành một hoạt động cấp quốc gia, biến nó thành chiến dịch lớn của cả nước. Từ năm 1964 Hàn Quốc lấy ngày 30/11 hàng năm làm “Ngày xuất khẩu”. Hàng năm vào ngày đó, chính phủ tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm, trao phần thưởng cho những doanh nghiệp có thành tích lớn trong xuất khẩu.

Hai là, sau khi đặt ra mục tiêu xuất khẩu, chính phủ theo dõi diễn tiến thị trường vào có những điều chỉnh kịp thời về chính sách. Cơ chế hợp tác, liên huề giữa chính phủ và doanh nghiệp cũng được xúc tiến. Đặc biệt từ năm 1965 hàng tháng chính phủ tiến hành hội nghị thúc đẩy xuất khẩu. Tổng thống đích thân làm chủ tịch và chủ trì hội nghị này. Trong trường hợp hội nghị bàn về một thị trường cụ thể nào đó thì đại sứ Hàn Quốc tại thị trường nước sở tại được mời về tham dự.

Ngoài ra, chính sách miễn thuế cho hoạt động gia công xuất khẩu, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng… đều có tác dụng tích cực cho việc đẩy mạnh xuất khẩu.

Thay lời kết

Dự phóng tương lai, đặt mục tiêu dài hạn và có kế hoạch thực hiện là rất cần thiết, nhất là đối với một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp, một nước đi sau cần vươn lên hàng các quốc gia tiên tiến. Nhưng để đặt ra được mục tiêu khả thi, hợp với nguyện vọng của dân chúng, và thực hiện thành công kế hoạch, đạt được mục tiêu đề ra cần điều kiện gì? Câu trả lời ngắn gọn nhất là sự hiền minh của người lãnh đạo đất nước. Hiền minh ở đây có nghĩa là sự khôn ngoan, sáng suốt, chữ người xưa hay dùng để chỉ sự anh minh của lãnh đạo. Người lãnh đạo như vậy sẽ quy tụ được trí thức, cùng chia sẻ trăn trở về tương lai đất nước với trí thức và cuối cùng sẽ tìm được con đường để đưa đất nước đến mục tiêu được sự đồng thuận của xã hội. Sự hiền minh giúp lãnh đạo không bị gò bó vào một giáo điều lỗi thời, mà khách quan, cầu thị, tiếp thu cái mới, biết sử dụng thành tựu khoa học và các giá trị có tính phổ quát của nhân loại. Sự hiền minh giúp lãnh đạo trọng dụng người tài, không bị các nhóm lợi ích chi phối, tránh được nạn tham nhũng và nhờ đó mới huy động được các nguồn lực hướng vào mục tiêu dài hạn đã được đề ra. Nhật Bản và Hàn Quốc có được ngày hôm nay nhờ đã có những lãnh đạo hiền minh trong thời đại còn là những nước đi sau.