Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Minh bạch thông tin: Chìa khóa cho tăng trưởng

Minh bạch thông tin: Chìa khóa cho tăng trưởng

Tác giả:

Theo nghiên cứu của Intel vào năm 2012, chỉ trong một phút nhân loại gửi đi 204 triệu email, xem 20 triệu bức ảnh trên Facebook, truy cập 1.3 triệu lượt video trên Youtube, và lưu chuyển khoảng 640 nghìn gibabytes thông tin, tức bằng dung lượng của khoảng 4000 chiếc laptop đời mới. Trong vòng hai năm trở lại đây, con người đã tạo ra đến 90% số dung lượng dữ liệu trong toàn bộ lịch sử của máy tính và internet. Các chuyên gia của IBM dự đoán số dung lượng hiện tại sẽ tăng tới 44 lần trong năm 2020.

Trong kỷ nguyên internet, các doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy này. Với một môi trường kinh doanh được kết nối trên toàn cầu, sở hữu dữ liệu và biết cách xử lý thông tin phù hợp đóng một vai trò tối quan trọng trong thành công của các doanh nghiệp.

{keywords}
Thế giới chưa bao giờ có nhiều dữ liệu như hiện nay.

Thông tin đúng lúc, kịp thời, và đúng đắn nhiều khi quyết định sự thành bại của các kế hoạch kinh doanh. Một ví dụ điển hình là hoạt động của hệ thống siêu thị Walmart ở Châu Á. Ở một môi trường văn hóa, lịch sử, đặc điểm khách hàng, mùa bán hàng (sales) hoàn toàn khác so với thị trường truyền thống Bắc Mỹ, thì việc thu thập dữ liệu là tối quan trọng để cho họ “địa phương hóa” hoạt động kinh doanh của mình. Phương pháp hoạt động của Walmart là thu thập tất cả thông tin bán hàng vào hệ thống máy chủ, sau đó xử lý thông tin và cung cấp các kết quả phân tích trở lại cho bộ phận marketing, để từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu suất bán hàng một cách liên tục.

Tất nhiên việc tìm kiếm và xử lý dữ liệu trong quản lý kinh doanh được áp dụng từ trước khi máy tính và internet ra đời, tuy vậy, những công cụ mới của thời đại số cho phép các công ty như Walmart có thể cập nhật, hoàn thiện, và xử lý dữ liệu trong một quá trình không bị gián đoạn.

Theo Davenport và nhóm nghiên cứu (2012) từ trường kinh doanh Sloan của Học viện Công nghệ Massachusetts, thông tin-dữ liệu trong thời đại internet trở thành một “dòng chảy” (flow) chứ không còn là “khối” (stock) cố định như các giai đoạn trước đây. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có khả năng tự hoàn thiện không ngừng và đáp ứng liên tục nhu cầu của khách hàng, nếu có được một mô hình phân tích dữ liệu hiệu quả, như trường hợp của Walmart kể trên.

Theo báo cáo của McKinsey (2011), một chuỗi siêu thị bán lẻ có thể tăng lợi nhuận lên đến hơn 60% nếu biết cách khai thác dữ liệu khách hàng. Xét trên tầm vĩ mô, báo cáo trên ước đoán ngành y tế của Mỹ sẽ làm ra thêm được 300 tỷ dô la, Hội đồng Châu Âu (EC) có thể tiết kiệm được 149 tỷ đô la, và ngành dịch vụ nói chung có thể kích cầu được thêm 600 tỷ đô la nếu dữ liệu được sử dụng hợp lý.

Dữ liệu tạo giá trị bằng cách nào?

Vấn đề được đặt ra cho các doanh nghiệp là làm thế nào để tận dụng hiệu quả nhất khối lượng thông tin-dữ liệu khổng lồ như hiện nay. Theo như đề xuất của Viện Nghiên cứu Toàn cầu của McKinsey (McKinsey Global Institute), có năm cách để tạo ra giá trị từ dữ liệu.

Thứ nhất, dữ liệu có thể giúp cho thông tin được minh bạch và dễ sử dụng với tần suất lớn hơn nhiều so với trước. Từ những dữ liệu vĩ mô (chỉ số lạm phát, thông tin về thị trường chứng khoán, tăng trưởng GDP), cho đến vi mô (hoạt động kinh doanh của các công ty, nhu cầu tìm việc của người lao động), doanh nghiệp thời nay có thể tìm kiếm được hầu hết các dữ liệu cần thiết trên mạng.

Thứ hai, khi doanh nghiệp tạo ra và lưu trữ dữ liệu ở dạng số (digital), tất cả các thông tin hoạt động sẽ được truy cập một cách chính xác và chi tiết nhất, từ đó giúp họ phân tích những điểm mạnh, điểm yếu dễ dàng hơn và qua đó cải thiện khả năng hoạt động.

Thứ ba, dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ thói quen mua sắm/sử dụng dịch vụ của khách hàng, giúp cho doanh nghiệp có thể tạo ra, cải tiến, hoặc thay đổi sản phẩm/dịch để đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Điều này tạo ra một nhánh phát triển kết hợp sản phẩm-dịch vụ mới gọi là on-demand marketing (marketing theo yêu cầu), theo đó sản phẩm sẽ được thiết kế sao cho phù hợp nhất với yêu cầu của khách hàng, dựa trên các dữ liệu đã có về họ. Nhờ sự liên kết với các sản phẩm-dịch vụ khác, on-demand marketing sẽ vừa đảm bảo dịch vụ hậu mãi rất tốt cho khách hàng, vừa kích thích họ tiêu dùng nhiều hơn.

Thứ tư, kết quả phân tích dữ liệu có thể giúp các nhà quản trị đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Kinh doanh vốn là một ngành dựa vào lý tính nhiều hơn cảm tính. Với thông tin định lượng có được từ dữ liệu, rõ ràng các quyết định sẽ trở nên bớt khó khăn hơn cho các công ty khi dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể.

Thứ năm, dữ liệu có thể được sử dụng để cải thiện thế hệ các sản phẩm tiếp theo. Nếu như trong thế kỷ trước, điều này chỉ có thể thực hiện được bằng việc làm khảo sát đánh giá sự hài lòng của khách hàng, thì hiện nay các doanh nghiệp có thể tự thu thập được các số liệu như thời gian sử dụng sản phẩm, phàn nàn của khách hàng gửi đến dịch vụ bảo trì, hay thông qua chip điện tử gắn vào sản phẩm.

Đối với những công ty chuyên nghiên cứu, đánh giá doanh nghiệp thì vai trò của dữ liệu lại càng quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện công đoạn thu thập dữ liệu không chỉ đơn thuần qua internet mà còn từ nhiều nguồn khác nhau, bằng các phương cách khác nhau, góp phần vào công cuộc minh bạch thông tin và từ đó giúp các doanh nghiệp “biết mình biết ta” một cách khách quan, chính xác và công bằng. Việc xuất hiện trong các Bảng xếp hạng trong nước như FAST500, VNR500 và V1000, hay các bảng xếp hạng quốc tế như Forbes 2000 Global… lại vô hình chung trở thành sự đảm bảo cho tính minh bạch của nguồn dữ liệu do doanh nghiệp cung cấp, khẳng định danh tiếng và uy tín trong mắt các đối tác.

Thách thức từ kỷ nguyên số

Tuy vậy, việc sử dụng dữ liệu số cũng có một số vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải giải quyết.

Đầu tiên là vấn đề quyền riêng tư, an ninh và sở hữu trí tuệ. Báo New York Times từng đề cập đến một câu chuyện rằng, một chuỗi bán lẻ biết được một cô gái có thai trước khi cả bố mẹ cô ấy biết, bằng cách phân tích các sản phẩm cô này mua sắm ở siêu thị. Điều này từng khiến cho nhiều người tiêu dùng lo sợ về một thế giới mà những con số kiểm soát con người bằng những siêu máy tính và thuật toán phân tích hành vi.

Thêm vào đó, nhu cầu mới buộc các doanh nghiệp phải tích cực hơn trong việc tìm kiếm dữ liệu đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ các tổ chức nghiên cứu. Với một khối lượng thông tin khổng lồ như hiện nay, việc tự tìm kiếm dữ liệu quan trọng để phục vụ các mục tiêu kinh doanh trở nên ngày càng khó khăn và tốn kém. Ngoại trừ các công ty lớn như Vietinbank hay Techcombank, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấy lạ lẫm với khái niệm “outsource” (thuê ngoài) các dịch vụ thường được coi là trách nhiệm của công ty, ví dụ như tư vấn và nghiên cứu. Trong một môi trường ngày càng phức tạp và cạnh tranh, điều này sớm muộn sẽ phải thay đổi.

Các doanh nghiệp cũng cần trở nên minh bạch hơn. Hiện nay, việc đầu tiên các công ty sẽ thực hiện trước khi lựa chọn đối tác ở một thị trường mới là tìm kiếm tin tức trên mạng. Thật khó hình dung một đối tác sẽ được tin tưởng nếu họ vô hình trên internet. Nếu như trước đây website và tên tuổi của công ty trên mạng chỉ là giá trị tăng thêm, thì hiện nay nó đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ và phát triển hình ảnh của công ty. Nói như Erik Qualman, chuyên gia internet marketing và là giáo sư của trường Kinh doanh Hult, các công ty phải xây dựng được một “cuộc sống số” trên internet song hành với “cuộc sống thực.”

Sự kiện Hoàng Anh-Gia Lai được “nổi tiếng” trên báo chí quốc tế sau tranh cãi với một tổ chức NGO về việc phá rừng cho thấy minh bạch hóa quan trọng như thế nào. Với thị trường toàn cầu, nhà đầu tư toàn cầu, và chính sách toàn cầu, chỉ có minh bạch là con đường duy nhất để các doanh nghiệp phát triển bền vững, có được niềm tin từ đối tác và khách hàng trong dài hạn.

Những thách thức trên thực chất là những đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình hơn nữa. Môi trường internet cũng như sự đa dạng của thông tin-dữ liệu tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng giống như mọi giai đoạn khác, cơ hội chỉ đến với những ai đủ khả năng để nắm bắt nó.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 04/4/2014 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội,  Đây là lần thứ tư liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh  những doanh nghiệp năng động và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Sau đó một ngày (05/4) cũng trong khuôn khổ sự kiện công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, tại KS. Fortuna, Ban tổ chức FAST500 sẽ tổ chức Hội nghị: Truyền thông hiện đại: Bài học từ truyền thông các sản phẩm giải trí bom tấn. do Giáo sư Anita Elberse đến từ Trường kinh doanh Harvard làm diễn giả. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn