Trang chủ » Thế giới » Trừng phạt Moscow, London ngấm đòn ‘bố già’ Nga

Trừng phạt Moscow, London ngấm đòn ‘bố già’ Nga

Tác giả:

Theo thông lệ, tháng 5 tới sẽ là thời điểm diễn ra lễ hội từ thiện do Friends of Dulwich College – ngôi trường nằm ở phía Nam London với học phí 5.500 bảng (tương đương 9.100 USD) cho mỗi học kỳ – tổ chức. Mang đậm màu sắc nước Nga (rất nhiều phụ huynh là người Nga nằm trong ban tổ chức), hội chợ được tài trợ bởi công ty hàng không Nga Aeroflot.

Thế nhưng, với khủng hoảng ở Ukraine, sự kiện này âm thầm bị hủy bỏ. Có lẽ ý tưởng đã được đưa ra nhầm thời điểm.

Tài sản của người Nga tồn tại trong xã hội Anh nhiều hơn so với bất kỳ xã hội phương Tây nào. Thậm chí, người ta cho rằng số tiền mà các “bố già” Nga đổ vào London có nghĩa là Thủ tướng Anh David Cameron sẽ không bao giờ động đến họ, cho dù họ có tồi tệ thế nào đi chăng nữa.

Chính phủ Anh sẽ cấp visa nhà đầu tư có kỳ hạn 3 năm cho nhà người nước ngoài đầu tư tối thiểu 1 triệu bảng vào trái phiếu chính phủ. Hai năm sau, họ có thể mua quyền cư trú với giá 10 triệu bảng nếu như vẫn tiếp tục nắm giữ trái phiếu. Theo cách này, kể từ quý III/2008 đến quý III/2013, tổng cộng đã có 433 người Nga được cấp visa. Chỉ có người Trung Quốc gần bắt kịp Nga với con số 419.

{keywords}

Dulwich cũng là một trong số hơn chục trường trung học và đại học ở Anh mở lớp dành riêng cho con cháu của các tỷ phú Nga. Theo số liệu chính thức của năm ngoái, 8,3% học sinh không phải người Anh tại các trường tư là người Nga. Điều này đem lại cho hệ thống giáo dục của Nga khoảng 60 triệu bảng tiền học phí mỗi năm. Kể từ năm 2009, số học sinh sinh viên người Nga đã tăng gấp đôi.

Các tỷ phú Nga cũng là bộ phận tiêu thụ nhiều biệt thự ở London. Theo số liệu của công ty bất động sản Savills, 4% người mua ở các khu vực trung tâm cao cấp – như Chelsea và Westminster – là người Nga. Tính trung bình, các khách hàng Nga sẽ bỏ ra khoảng 6,3 triệu bảng.

Dẫu vậy, số lượng bất động sản được người Nga đứng tên vẫn chưa thể lột tả con số thực giá trị tài sản mà người Nga đang cất trữ ở Anh bởi chưa tính đến những tài sản ở các thiên đường thuế. Những trung tâm tài chính ở hải ngoại – đặc biệt là quần đảo Virgin – vốn vẫn được biết đến là nơi trú chân của các tập đoàn muốn trốn thuế. Một luật sư ở đây cho biết các khách hàng Nga chiếm khoảng 15 – 20% tổng khách hàng của ông. Đứng ngay sau là người Trung Quốc. Luật sư này lưu ý có vẻ như nhu cầu từ các khách hàng Nga tăng nhẹ trong mấy tuần gần đây.

London cũng là địa điểm lý tưởng để thu hút vốn ngoại của các công ty Nga. Nhiều công ty Nga đã chọn London làm nơi niêm yết cổ phiếu để có được vị thế quốc tế. Có khoảng 28 công ty Nga với tổng giá trị vốn hóa 260 tỷ USD đang niêm yết ở London (ở New York chỉ có 2). 15 công ty khác có hoạt động kinh doanh tập trung ở thị trường Nga. Theo số liệu của Dealogic, khoảng 46 tỷ USD cổ phiếu Nga đã được bán trong các phiên IPO ở London kể từ năm 1996.

Giao dịch ở London không chỉ giúp tăng cường danh tiếng của công ty phát hành mà còn làm đầy thêm túi tiền của các nhân viên ngân hàng đầu tư, luật sư, kế toán viên và nhân viên tư vấn. Đặc biệt, ngân hàng bảo lãnh thường là bên thu được nhiều lợi lộc nhất. Trong mấy năm gần đây, phí phát hành nợ ở London mà các công ty Nga chi trả đã lên đến gần 300 triệu USD mỗi năm.

Các luật sư hoàng gia Anh cũng thu được nhiều tiền từ các tỷ phú Nga. Từ tháng 5/2008 đến tháng 3/2013, gần 2/3 nguyên đơn trong các vụ kiện thương mại ở cấp tòa án tối cao là người nước ngoài. Trong đó, người Nga chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong vụ đối đầu giữa Roman Abramovich (tỷ phú Nga sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea) và “bố già” Boris Berezovsky, ngành tòa án nước Anh đã thu được khoản phí pháp lý gần 100 triệu bảng.

Với nhiều lợi ích như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên nếu như các quan chức nước Anh phải suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra lệnh trừng phạt đối với các tỷ phú Nga.

London là trung tâm tài chính mang nhiều yếu tố quốc tế hơn so với phố Wall. Tấn công vào các tỷ phú Nga, bản thân London cũng phải trả giá. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến tỷ phú từ các nước khác lo sợ. “Người Anh không bị thuyết phục rằng phong tỏa tài sản của các tỷ phú sẽ làm tổn hại đến ông Putin, và họ biết rằng cuối cùng thì giới nhà giàu sẽ bỏ sang những nơi như Hồng Kông và Dubai”, một cố vấn chuyên làm việc với các khách hàng Nga ở London nhận định.