Trang chủ » Biz Life » Lãnh đạo tỉnh bỏ họp hành đi cà phê với doanh nhân

Lãnh đạo tỉnh bỏ họp hành đi cà phê với doanh nhân

Tác giả:

Tại Cần Thơ khi Chủ tịch UBND tỉnh miền Tây này tuyên bố không dành thời gian họp hành trong ngày thứ Hai hàng tuần, thay vào đó, lãnh đạo tỉnh và các Sở ban ngành tập trung dành trọn ngày này để tiếp doanh nhân.

Một buổi Biz Café (Cà phê Doanh nhân) được tổ chức bên lề Lễ Công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 do VCCI tổ chức ngày 14/03 là nơi các địa phương chia sẻ những sáng kiến cải cách từ cơ sở.

Ở đó, đại diện các địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ với nhau mà theo cách không ai phải lên gân bằng những từ to tát.

Tại Cần Thơ khi Chủ tịch UBND tỉnh miền Tây này tuyên bố không dành thời gian họp hành trong ngày thứ Hai hàng tuần, thay vào đó, lãnh đạo tỉnh và các Sở ban ngành tập trung dành trọn ngày này để tiếp doanh nhân.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Sở KH-ĐT TP. Cần Thơ .

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Sở KH-ĐT TP. Cần Thơ cho biết, để triển khai Chương trình Business Monday, từ UBND thành phố đến các Sở ban ngành và các UBND huyện đều dành trọn ngày thứ Hai hàng tuần để tiếp doanh nghiệp, trừ những cuộc họp theo triệu tập từ Chính phủ. Chương trình này được cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn hoan nghênh. Qua đó, doanh nghiệp ngoài việc được hỗ trợ về chính sách, còn được hỗ trợ về nguồn nhân lực…

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết ý tưởng này được thực hiện từ sau khi Cần Thơ có lãnh đạo mới vào năm 2016. Ban đầu các doanh nghiệp còn ngần ngại, nhưng sau này họ đã hiểu hơn, các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền cũng rõ ràng hơn.

Nhắc đến mô hình Café Doanh nhân, tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình này, từ đó nhân rộng ra một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ… Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, với Café Doanh nhân, chỉ cần 15 phút là có thể giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, thay vì 7-10 ngày như trước đây.

“Văn phòng ủy ban tiếp nhận các câu hỏi bằng email sau đó mời lãnh đạo các Sở ngành có liên quan đến để trao đổi với doanh nghiệp. Hàng ngày vào đầu giờ làm việc, lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo các Sở và các doanh nghiệp ngồi với nhau tại khuôn viên văn phòng Ủy ban. Sau đó, những vướng mắc của doanh nghệp được chuyển thành thủ tục hành chính để chính thức ban hành,” ông Nguyễn Thanh Hùng nói.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Việc làm này tạo được tương tác 2 chiều giữa lãnh đạo chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp được giải tỏa vướng mắc, lãnh đạo chính quyền nhận lại tư duy thị trường, tiếp cận được tư duy thị trường để đưa vào việc quản lý, điều hành kinh tế xã hội ở địa phương.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Café Doanh nhân không chỉ là nơi tương tác giữa doanh nghiệp và chính quyền mà còn là lớp học mà ở đó những doanh nhân chính là thầy giáo để lãnh đạo chính quyền học về tư duy thị trường.

Tuy nhiên, với những gì được cho là mới, khi áp dụng vào thực tiễn không thể tránh khỏi những trở ngại. Ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết mô hình Café Doanh nhân được tỉnh này tổ chức hàng ngày, nhưng ban đầu hai bên còn nhiều “e thẹn”.

“Ban đầu có nhiều e thẹn vì dị nghị lãnh đạo tỉnh sáng nào cũng ngồi café, nhưng chúng tôi chọn chủ đề hàng tháng, ví dụ tháng này chỉ nói về tài chính, tháng sau nói về đất đai, chúng tôi mời cả diễn giả về dự café doanh nhân”, ông Trần Ngọc Thực nói.

{keywords}
Ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Đứng về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, cho rằng việc Tuyên Quang tổ chức chương trình này từ năm 2014 đến nay đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, điều mà trước đó rất khó khăn và không phải lúc nào họ cũng có cơ hội gặp gỡ từ Bí thư đến Chủ tịch tỉnh và Giám đốc các sở ban ngành.

“Đó là sự đối thoại mềm, không có văn bản để giải quyết thủ tục hành chính, nhưng lại giải quyết được tất cả những vương mắc khó khăn. Qua đó doanh nghiệp và chính quyền cùng nhau bàn về giải pháp phát triển kinh tế, hiến kế cho các cơ quan quản lý. Sự lan tỏa thay đổi tư duy công chức, từ tư duy cưỡng bức doanh nghiệp, nay đã chuyển sang tự nguyện phục vụ doanh nghiệp, từ tư duy hành là chính chuyển sang tư duy phục vụ doanh nghiệp,” ông Nguyễn Hữu Thập chia sẻ.

(Theo Infonet)