Trang chủ » Điểm nóng » Mỗi bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thay đổi: Bộ máy sẽ chuyển động

Mỗi bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thay đổi: Bộ máy sẽ chuyển động

Tác giả:

“Từng công chức khó có thể có thay đổi. Nhưng các ông đứng đầu như bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, giám đốc sở, chủ tịch huyện mà thay đổi thì tôi tin là bộ máy sẽ chuyển động. Họ phải vào cuộc quyết liệt cùng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng… thì sẽ giải quyết được các vấn đề ở môi trường kinh doanh hiện nay”, ông Cung nói.


Đó là mong mỏi lớn nhất của đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế trong buổi toạ đàm mang tên “Bảo đảm tính nhất quán trong môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” do do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/3.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra về một chính phủ liêm chính và hành động đã thực sự tạo dấu ấn trong giới các nhà quan sát và doanh nghiệp thời gian qua.

Nhắc lại vụ “quán cafe Xin chào”- một vụ việc Thủ tướng chỉ đạo xử lý rốt ráo, ông Cung nói: “Dù đó chỉ là một việc cụ thể nhưng đã vô cùng có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp. Lâu nay, họ luôn lo lắng việc mình bị hình sự hoá trong các hoạt động kinh tế”.

Không chỉ vậy, những vụ việc được giải quyết rốt ráo như câu chuyện quán cafe Xin chào còn góp phần làm “tăng nhận thức về trách nhiệm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, hành pháp”, ông Cung nói.

Minh chứng thêm cho dấu ấn “Chính phủ liêm chính- hành động”, TS Cung đã ví ngày 1/7/2016 gần như là một cuộc cải cách toàn diện về môi trường kinh doanh bởi tinh thần cải cách ồ ạt, đồng loạt, có tham vấn bên ngoài.

{keywords}
Cải cách thuế mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho môi trường kinh doanh (theo Bizlive)

“Từ đó đến nay, chúng ta đã bỏ đi hàng nghìn điều kiện kinh doanh như kiểm tra formaldehyt trong dệt may, tháo gỡ xuất khẩu gạo, nhập khẩu ô tô ở Thông tư 20.. .. Những thay đổi tưởng nhỏ đó, nhưng chính là thay đổi về tư duy quản lý và qua đó, giảm được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp và doanh nghiệp bắt đầu có niềm tin”, TS Cung nhận xét.

Dù vậy, những động thái cải cách vừa qua vẫn là chưa đủ. TS Cung cho rằng, kết quả đạt được hiện nay vẫn còn cách xa so với mong mỏi của doanh nghiệp và so với các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh đặt ra để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Công Đốc, Giám đốc Công ty May Hải Anh, Nam Định cũng cho rằng, những cải cách vừa qua như trong thủ tục thuế, hải quan đã tạo niềm tin hứng khởi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng thực tế, muốn duy trì và có nhiều niềm tin hơn nữa từ doanh nghiệp thì Chính phủ sẽ phải nhất quán với thông điệp và hành động.

Ông Đốc nhấn mạnh, ví dụ như việc tăng phí vận tải sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ như May Hải Anh trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, hay các chính sách về tiếp cận vốn, lãi suất còn cao…

“Tôi mong là Chính phủ sẽ có những bước đi thích hợp, ban hành các chính sách thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) chia sẻ, doanh nghiệp vẫn còn một khoản tiền 4.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng ở dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa được giải quyết. Trước kia, khoản tiền này đáng lẽ phải cấp trước khi đầu tư, nhưng Chính phủ nói cứ ứng tiền ra làm giải phóng mặt bằng trước.

“Chúng tôi phải vay với lãi suất 10% trong 8 năm nay, mà đến nay, các bộ ngành vẫn chưa đưa vào kế hoạch tài chính trung hạn. Thiệt hại này ai chịu trách nhiệm?… Những thứ minh bạch rõ ràng như vậy mà các bộ ngành, các cấp còn không giải quyết thì thứ khác, còn dễ lãng quên như thế nào?”, ông Tỉnh bức xúc nói.

Ông Tỉnh nhìn nhận: “Môi trường kinh doanh giờ còn vướng mắc quá nhiều điểm. Ở trên thì quyết liệt nhưng ở dưới chưa chuyển động quyết liệt theo Chính phủ. Doanh nghiệp rất cần sự chuyển động ở địa phương về môi trường kinh doanh, chứ không dừng lại ở vài cuộc gặp gỡ, thăm hỏi doanh nghiệp đầu năm”.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong hoạch định chính sách, cách phối hợp để xử lý giải quyết vấn đề là quan trọng, đặc biệt là thái độ, cách thức làm việc của đội ngũ công chức.

“Từng công chức khó có thể có thay đổi. Nhưng các ông đứng đầu như bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, giám đốc sở, chủ tịch huyện mà thay đổi thì tôi tin là bộ máy sẽ chuyển động. Họ phải vào cuộc quyết liệt cùng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng… thì sẽ giải quyết được các vấn đề ở môi trường kinh doanh hiện nay”, ông Cung nói.

Phạm Huyền