Trang chủ » Tài chính » Tranh luận » Lê Hùng Dũng nghỉ, Trầm Bê rút: Eximbank, Sacombank chưa yên

Lê Hùng Dũng nghỉ, Trầm Bê rút: Eximbank, Sacombank chưa yên

Tác giả:

Nhiều năm sau khi ông Lê Hùng Dũng rời Eximbank, ông Đặng Văn Thành và Trầm Bê rút khỏi Sacombank, các ngân hàng này vẫn chưa ổn định xong nhân sự và tình hình kinh doanh đi xuống.

Sóng ngầm chưa dứt

5 năm trôi qua, ván cờ mua bán sáp nhập SouthernBank, Sacombank với sự tham gia của Eximbank đã ngã ngũ. Ông Đặng Văn Thành – người sáng lập lên Sacombank – đã sớm rút lui khỏi “cuộc chiến” và quay về với nông nghiệp, trồng chè, dạy học.

Đại diện nhóm thâu tóm, ông Trầm Bê – tưởng chừng là người thắng cuộc sau khi sáp nhập thành công SouthernBank vào Sacombank – nhưng cũng đã lặng lẽ rút khỏi cuộc chơi và từ bỏ hết cổ phần tại ngân hàng sau sáp nhập vì khối nợ SouthernBank để lại quá lớn.

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2017 đang đến. Một lần nữa, chương trình đại hội cổ đông Eximbank lặp lại nội dung bỏ phiếu bầu bổ sung thành viên HĐQT để tăng số thành viên từ 8 lên 11 trong nhiệm kỳ 2015-2020.

{keywords}
Hậu “cuộc chiến” thâu tóm: Sacombank vẫn đang gặp khó khăn.

Eximbank cho biết đã nhận được danh sách 3 ứng cử viên vào HĐQT và đã trình danh sách này lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước 1 tháng kể từ ngày tổ chức đại hội. Tuy nhiên, danh tính các ứng cử viên vẫn được giữ kín.

Trong năm trước, Eximbank đã hai lần tổ chức đại hội cổ đông nhưng đầu không xuôi đuôi không lọt. Cả hai lần đại hội của NH này kết thúc trong bế tắc và cuộc chiến quyền lực “hậu Lê Hùng Dũng” vẫn chưa được định đoạt rõ ràng.

Tình hình tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín – Sacombank (STB) rõ ràng hơn đôi chút, nhất là sau khi cha con ông Trầm Bê và Trầm Khải Hoàn ký giấy tờ tự nguyện rời vị trí và không còn tham gia vào điều hành Sacombank từ cuối 2/2017 sau khi đã “chuyển giao” quyền sở hữu cổ phần Sacombank hơn 1 năm về trước cho NHNN.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Sacombank vẫn khá bi đát.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của STB trong năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc sáp nhập lại SouthernBank với lợi nhuận giảm gần 64% xuống còn hơn 530 tỷ đồng do chi phí hoạt động tăng; tỷ lệ nợ xấu lên tới 5,4%, mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết cũng như mức trung bình của toàn ngành.

{keywords}
Ông Trầm Bê từ bỏ cổ phần tại Sacombank và cam kết dùng tài sản riêng để bù đắp thiệt hại.

Trước đó, từ cuối 2011, giới đầu tư xôn xao về thông tin Sacombank bị một nhóm cổ đông lớn thâu tóm. Ván cờ sau đó tưởng chừng kết thúc khi ông Trầm Bê lộ diện và thực hiện sáp nhập SouthernBank “rách nát” vào Sacombank.

Tình hình Eximbank cũng không khả quan hơn. Gần đây, cổ phiếu EIB tiếp tục bị giữ ở diện cảnh báo do chưa khắc phục được lỗ lũy kế (cuối 2016 là 463 tỷ đồng). Theo HSC, 2016 là năm khó khăn nhất của Eximbank. Lợi nhuận chỉ hoàn thành khoảng 40% kế hoạch năm. Nợ xấu tăng từ 1,86% cuối 2015 lên 2,95% cho dù ngân hàng đã xử lý được khoảng 50% nợ xấu vào nửa cuối 2016 có thể thông qua hình thức hoán đổi trái phiếu VAMC.

Trước đó, lợi nhuận năm 2014 và 2015 của Eximbank bị điều chỉnh hồi tố từ lãi xuống lỗ hơn 800 tỷ đồng nên cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2016.

Diễn biến bất ngờ: Sắp có bước ngoặt lớn

Trong vài phiên giao dịch gần đây, khi mùa đại hội cổ đông đến gần, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank bất ngờ trở thành tâm điểm của TTCK. Trong phiên 3/4, cổ phiếu này tăng trần với dư mua lên tới hàng triệu đơn vị. Tính trong khoảng 2 tuần qua, STB đã tăng khoảng 23%.

Diễn biến bất ngờ này xuất phát từ những thông tin xung quanh câu chuyện tái cơ cấu ngân hàng này cùng với hàng loạt các phương án mới, những cái tên cả cũ cả mới có thể sẽ xuất hiện trong HĐQT của NH này.

{keywords}
Eximbank chưa thoát khỏi cuộc chiến tranh giành quyền lực.

Giới đầu tư xôn xao với khả năng ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Sacombank có thể quay lại lèo lái NH vốn một thời gian dài nằm ở top đầu trong hệ thống. Nhóm NĐT trong đó có ông Thành đề xuất bơm hàng chục ngàn tỷ vào Sacombank.

Bên cạnh đó, tập đoàn mới nổi NovaGroup trước đó cũng đã đề xuất mua 20% cổ phần Sacombank, mong muốn tâm được tham gia vào quá trình tái cấu trúc NH này cho dù chưa đưa ra phương án cụ thể.

Cũng giống như Eximbank, Sacombank sẽ tiến hành họp đại hội cổ đông vào cuối tháng này. Theo yêu cầu của NHNN, Sacombank phải trình lại đề án tái cơ cấu và bổ sung các điểm mới theo chỉ đạo của NHNN với tinh thần chung là: tái cấu trúc ngân hàng bắt buộc phải có tiền tươi để tháo gỡ sở hữu chéo.

Cổ phiếu EIB của Eximbank chưa thực sự bùng nổ trong thời gian gần đây nhưng cũng đã kịp tăng từ khoảng 9.500 đồng/cp lên mức 12.000 đồng/cp trong vòng hơn 2 tháng qua.

Chưa có dấu hiệu cho thấy, tại đại hội cổ đông lần này, Eximbank sẽ có được một giải pháp tốt để xử lý xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông. Tuy nhiên, danh sách ứng cử đã được trình lên và NHNN đang vào cuộc rất sát sao. Trước đó, những thôn tin từ cơ quan quản lý hé lộ, Eximbank không vướng phải những vấn đề về tài chính mà vấn đề của ngân hàng chính là sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn.

Trong tài liệu họp đại hội cổ đông, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 khoảng 600 tỷ đồng, tăng trưởng 53,6% so với 2016.

Eximbank và Sacombank đều là những NH từng hoạt động rất tốt. Rất có thể, giới đầu tư sẽ chứng kiến sự xuất hiện hoặc trở lại của các nhà lãnh đạo vang bóng một thời, mang đến sự bình yên và phát triển ổn định cho hai ngân hàng này hậu thời kỳ Trầm Bê, Lê Hùng Dũng.

M. Hà