Trang chủ » Kinh doanh » Các đại gia góp tiền xúc tiến du lịch

Các đại gia góp tiền xúc tiến du lịch

Tác giả:

Để có tiền xúc tiến du lịch, mới đây, hàng chục doanh nghiệp, trong đó có 5 “ông lớn”, đã tự nguyện đóng góp mỗi đơn vị 5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn cam kết đóng góp quỹ xúc tiến khoảng 70 tỷ đồng từ nay đến 2020.

Việt Nam đang “dạo chơi trong xúc tiến”

Tại Hội nghị Xúc tiến du lịch 2017, do Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch tổ chức sáng 3/8, có ba vấn đề cốt lõi đặt ra: thứ nhất, tiền đâu để xúc tiến du lịch, vì Việt Nam chi có 2 triệu USD/năm cho công tác này, quá thấp so với các nước ASEAN; thứ hai, cân nhắc việc thành lập cơ quan xúc tiến du lịch; thứ ba, tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến.

Thực ra, có thể nói, cả ba vấn đề này đều không mới, là mấu chốt khó khăn trong công tác xúc tiến du lịch ở Việt Nam thời gian qua.

{keywords}
Hiện 7 khu vực với 14 nước đang chiếm 85% thị phần khách nước ngoài tới Việt Nam

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch, cho hay, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước ASEAN về thu hút khách quốc tế, nhưng đóng góp về kinh tế thấp hơn Philippines nên chung cuộc vẫn xếp thứ 6.

Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 nằm trong top 3 của khu vực, thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD,… để đạt được, đòi hỏi từ nay năm nào cũng phải tăng trưởng 15-20%, và quan trọng là giá trị xuất khẩu du lịch tại chỗ tăng lên.

Thế nhưng, công tác xúc tiến lại đối mặt tình trạng ngân sách quá nghèo nàn, ít ỏi: 2 triệu USD cho xúc tiến du lịch mỗi năm so với 70 triệu USD của Thái Lan, 105 triệu USD của Malaysia, 80 triệu USD của Singapore hay 200 triệu USD của Indonesia,… Vì thế, việc chúng ta thu hút được 10 triệu lượt khách năm 2016, theo ông Chính, là “kỳ tích”. Nói như ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, với số tiền đó chẳng khác gì chỉ “dạo chơi trong xúc tiến”.

Vì thế, theo ông Vũ Thế Bình, việc tham gia hội chợ với các gian hàng “bé bé con con” thôi cũng vô cùng gian khổ, phải vận động xin đủ các nguồn tài trợ. Do đó, xúc tiến quảng bá không thể mang ý nghĩa quốc gia nếu không có tiền để làm.

Chưa hết, kinh phí thì nhỏ bé như vậy nhưng giải ngân lại “khủng khiếp”, không thể đúng thời điểm được. Tiền không thể xuất trước khi đi xúc tiến, hay đến tận cuối năm mới dồn dập giải ngân. “Thà huy động vốn xã hội còn hơn dùng tiền ngân sách với cơ chế nặng nề không thoát ra được”, ông Bình than thở.

Ông Bình cho hay, Tổng cục Du lịch không có cơ quan xúc tiến, cả nước cũng không có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia nên việc tổ chức rất khó khăn.

{keywords}
Việt Nam chưa mở được văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm

Ngoài ra, chúng ta còn thiếu chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến. Báo cáo của Tổng cục Du lịch thừa nhận, công tác phối hợp tổ chức gian hàng, chuẩn bị, nội dung thông điệp và các hoạt động xúc tiến chưa chuyên nghiệp,… hội chợ trong nước chưa thực sự có đẳng cấp; các roadshow chưa phối hợp tốt với các cơ quan du lịch phía nước bạn, các hãng hãng không để mời đúng đối tượng là các DN chuyên gửi khách tới Việt Nam.

Không có con người, tổ chức chuyên nghiệp, mục tiêu rõ ràng thì không thể chuyên nghiệp được – ông Bình nhận xét.

Tháo dần điểm nghẽn

Về số tiền chi cho xúc tiến du lịch, ngoài ngân sách Nhà nước, hoàn toàn có thể vận động được sự đóng góp của doanh nghiệp và xã hội hóa công tác này.

Trên thực tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, một trong những thành công bước đầu hiện nay là Hội đồng tư vấn du lịch đã thành lập được CLB doanh nghiệp đầu tư du lịch, bước đầu thu hút hơn 10 DN tham gia, trong đó có 5 DN lớn là Vietnam Airlines, Thiên Minh Group, Vingroup, HG Group, Mường Thanh mỗi năm đóng góp khoảng 5 tỷ đồng. Hiện CLB đã có 25 tỷ để hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch.

Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, mối quan tâm đặc biệt của các DN là số tiền đóng góp phải được sử dụng hiệu quả, minh bạch, có kế hoạch rõ ràng và có định hướng cụ thể. Khi đó, con số không chỉ là 5 tỷ mà có thể nhiều hơn. Vừa rồi, Hội đồng tư vấn du lịch còn kêu gọi đóng góp quỹ xúc tiến 70 tỷ đồng từ nay đến năm 2020, và nhiều khả năng năm nay là đạt được con số này.

{keywords}
Sắp tới sẽ thay đổi giao diện trang web du lịch của Tổng cục Du lịch, hướng tới khách quốc tế nhiều hơn

“Tôi nghĩ nên thành lập hội đồng tư vấn du lịch quốc gia theo cơ chế hợp tác công – tư có sự tham gia của các DN. Các DN có quyền đóng góp ý kiến về thu hút nguồn tiền từ đâu, sử dụng vào việc gì. Nếu chỉ thành lập Cục Xúc tiến Du lịch thuần túy là cơ quan quản lý Nhà nước thì e rằng những đóng góp từ DN sẽ khó được tiếp nhận thì cách sử dụng khó hiệu quả”, ông Chính đề xuất.

Về quỹ xúc tiến du lịch quốc gia, các nước khác đều có sự hợp tác công – tư như vậy. Nhà nước nên có đóng góp gọi là vốn mồi ban đầu, từ đó các DN sẵn sàng tham gia. Khi đó, ông Chính tin rằng số tiền không chỉ là 200 tỷ mà còn lên tới 300 tỷ, 400 tỷ đồng.

Ông Vũ Thế Bình đúc kết, chỉ khi nào chúng ta minh bạch công khai các khoản chi cho công tác xúc tiến thì mới có thể thu hút được cả xã hội đóng góp.

Song, từng là “người Nhà nước” nên ông Vũ Thế Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho rằng, phải có cơ quan chuyên nghiệp về xúc tiến, ở Tổng cục Du lịch tái thành lập Cục xúc tiến du lịch hoặc cao hơn là Cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia. Nơi đây tập hợp những người thực sự am hiểu, có trình độ về du lịch, hiểu nhu cầu, tính cách của mỗi thị trường để có thể làm trúng, làm đúng.

Trước mắt, trong ngắn hạn yêu cầu du lịch Việt Nam phải tăng trưởng rất nhanh, đạt 30% để thu hít 13-15 triệu khách, ông Bình cho rằng nên chọn thị trường để kích thích tăng trưởng. Đầu tiên là các nước ASEAN, bởi khách du lịch từ 6 nước đứng đầu khu vực này tới Việt Nam đạt 1,3 triệu lượt, trong khi người Việt Nam sang 6 nước là hơn 3 triệu khách, như vậy cần xóa ngay sự mất cân bằng giữa lượng khách đi – đến từ các nước Đông Nam Á hiện nay…

Ngọc Hà