Trang chủ » Tài chính » Tranh luận » Định giá vốn nhà nước: Sai sót hàng chục ngàn tỷ đồng

Định giá vốn nhà nước: Sai sót hàng chục ngàn tỷ đồng

Tác giả:

Mặc dù đạt được kết quả ban đầu, song, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn mang tính thành tích. Bởi, 96,5% số DNNN được cổ phần hóa nhưng chỉ có 8% vốn nhà nước được chuyển giao. Chưa kể, vốn Nhà nước suýt bị thất thoát khi xác định giá trị cổ phần hóa.

Đó là lo ngại của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại hội thảo Xác định giá trị DN trước khi CPH và vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), diễn ra ngày 21/8.

Đằng sau bức tranh “cổ phần hóa”

TS. Trần Đình Thiên cho hay, qua 15 năm sắp xếp, cơ cấu lại, đến nay, số lượng DNNN đã giảm mạnh, từ hơn 6.000 (năm 2001) chỉ còn khoảng 700 doanh nghiệp vào năm 2016. Nhìn vào kết quả thì thấy ngoạn mục, khi 88% số DNNN đã chuyển đổi hình thái tồn tại, tức không còn là DNNN hoặc không tồn tại nữa.

Điều quan trọng, các DNNN đã giảm lĩnh vực nắm giữ, thu hẹp “địa bàn hoạt động”, tăng không gian cho khu vực tư nhân. Cụ thể, năm 2001, DNNN còn nắm giữ 60 ngành, lĩnh vực then chốt thì nay chỉ còn 19. Giảm về số lượng nhưng tăng về quy mô vốn.

{keywords}
Cách tiếp cận về CPH các DNNN cần thay đổi, đặc biệt là xác lập về quyền sở hữu tài sản (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ông Thiên chỉ ra hai vấn đề “đối nghịch” tồn tại. Đó là tuy nắm giữ vai trò chủ đạo, “chốt giữ” những thành phần quan trọng của nền kinh tế, song, thực chất DNNN làm chưa tròn vai, chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển. Thế lớn nhưng lực không mạnh. Chưa kể, hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động là đáng lo ngại.

“Trên thực tế, nhiều khi DNNN còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất cho nền kinh tế cả trực tiếp (mất vốn, lãng phí lớn) lẫn gián tiếp (làm méo mó môi trường kinh doanh). Tình trạng nhiều dự án đắp chiếu, nhiều DN thua lỗ, gánh nặng nợ – nợ xấu của khu vực DNNN” – ông Thiên lo ngại.

Vì thế, so với nguồn lực được giao, với những ưu đãi, những đặc quyền, những hỗ trợ mà Nhà nước dành cho, và đặc biệt là nếu so với “trọng trách” phải gánh vác thì đóng góp của DNNN còn xa mới tương xứng.

Lý do, các DNNN hoạt động trong tình trạng “tay không bắt giặc”: tỷ lệ vốn tự có thấp hoặc rất thấp, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu cao gấp 3-10 lần. Riêng số nợ của DNNN năm 2016 lên tới 324 tỷ USD, bằng 158% GDP.

Vì thế, để tái cơ cấu DNNN, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn khỏi các ông lớn Nhà nước.

Kết quả dường như đã đạt mong đợi khi 96,5% số DNNN được CPH theo đúng kế hoạch (508/530 DN đề ra cho giai đoạn 2011-2015). Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, thành tích này chưa phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh CPH nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế, nếu không muốn nói là che giấu.

Sự thật, chỉ 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân.

Như vậy, nếu nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu kinh tế (phân bổ lại nguồn lực từ khu vực kém hiệu quả sang khu vực sử dụng hiệu quả), kết quả CPH có thể coi là chưa đạt.

Kết cục, mặc dù số lượng DNNN được lên kế hoạch CPH là rất lớn, song tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán rất hạn chế, may lắm là 49% để nhà nước giữ quyền chi phối. Trên thưc tế, con số đó thấp hơn nhiều, không đủ đề thay đổi cấu trúc sở hữu và quản trị DN, nên chủ thể mới không thể tham gia điều hành hoạt động chứ chưa nói là chi phối hoạt động của DN. Đó cũng là lý do tại sao DN tư nhân ít mặn mà với việc mua DNNN.

{keywords}
Kinh tế Nhà nước vẫn duy trì ở mức trên 30% GDP

Suýt lọt gần chục nghìn tỷ vốn Nhà nước

Một trong những khâu quan trọng khi cổ phần hóa DNNN là xác định giá trị doanh nghiệp. Do có nhiều yếu tố liên quan đến pháp lý, phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, tài sản vô hình, các khoản đầu tư tài chính, góp vốn bằng ngoại tệ, giá trị quyền sử dụng đất, trình độ nhân viên thẩm định,… khiến Nhà nước chịu thiệt cả ngàn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, dẫn chứng, qua kiểm toán 8 DNNN được các tổ chức tư vấn định giá xác định theo phương pháp tài sản, KTNN đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước trên 8.454 tỷ đồng.

Chẳng hạn, tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo báo cáo so với con số sau kiểm toán vênh tới gần 4.590 tỷ đồng. Hay, Công ty mẹ – Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, số chênh lệch cũng lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Chưa kể, có hai DN, nếu áp dụng theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị DN tăng thêm gần 15.690 tỷ đồng.

Lý do, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, còn nhiều sai sót trong định giá và xử lý tài chính, như kiểm kê sót tài sản hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ. Một số đơn vị không xử lý các khoản tài chính như doanh thu, thu nhập khác, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả. Cùng với đó là tình trạng kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh,… Việc định giá quyền sử dụng đất và nhượng bán dất và tài sản trên đất sau thời điểm xác định giá trị DN còn nhiều bất cập.

Còn ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế DN lớn, Tổng cục Thuế, lưu ý, có sự vênh nhau về thời điểm: khi định giá DN và khi phần hóa. Đây là khoảng trống, thẩm định viên chưa có đủ thuông tin, nên đến khi CPH cần kiểm toán bổ sung.

Một thực tế nữa là đến khi có kết quả kiểm toán, con số thường chênh lệch lớn, gây khó khăn đến việc xử lý. Do thiếu những quy định pháp lý, trình độ kiểm toán viên lại hạn chế, chưa thể xem xét dự báo được giá cổ phiếu tương lai nên dẫn tới tình trạng nhiều khi DN muốn lên sàn nhanh, mắc mưu “đội lái”. Vì thế, cần tăng cường vai trò của cơ quan kiểm toán và có cơ chế xử lý sau kiểm toán.

Ngọc Hà