Trang chủ » Doanh nhân » Điểm nóng » Sếp lớn tập đoàn nhà nước: Từ hoành tráng ngàn tỷ đến vòng lao lý

Sếp lớn tập đoàn nhà nước: Từ hoành tráng ngàn tỷ đến vòng lao lý

Tác giả:

Chiếc ghế lãnh đạo của các tập đoàn tên tuổi như dầu khí, điện lực, than khoáng sản, đóng tàu, vận tải biển,… không nói ai cũng hiểu là đầy quyền lực. Nhưng ngay cả khi “ghế nóng” hoàn thành sứ mệnh của mình thì trách nhiệm của người từng ngồi trên đó chẳng dễ gì buông bỏ.

Hàng loạt cựu sếp DNNN dính vòng lao lý

Vài năm gần đây, nhất là những tháng đầu năm 2017, dư luận đổ dồn sự chú ý vào việc một loạt cựu lãnh đạo DNNN bị kỷ luật, cách chức, thậm chí khởi tố, truy nã quốc tế vì sai phạm kinh tế trong quá trình quản lý các DNNN. Mới đây nhất là loạt sếp đương chức cũng như đã về hưu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật, kiểm điểm vì các sai phạm trong quá trình thực hiện những dự án nghìn tỷ.

Ngoài ra, những cái tên bị khởi tố điều tra ngày một dài như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận (cựu sếp PVC); Vũ Đình Duy, Trần Trung Chí Hiếu (cựu sếp nhà máy 7.000 tỷ PVTex đắp chiếu),… cùng hàng loạt cá nhân khác. Trong số này, Trịnh Xuân Thanh đã chịu quy án sau 1 năm trời bị truy nã.

%image_alt%
Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận… là những nhân vật bị khởi tố

Đó là những nhân vật mới nhất bị pháp luật sờ gáy. Còn trước đó, nhiều vị khác cũng đã phải ra trước vành móng ngựa sau bao tháng năm làm khuynh đảo những “quả đấm thép”. Đó là các sếp trong vụ án Vinashin, Vinalines,… hồi năm 2010-2012.

Đầu 2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines. Trong số những nhân vật bị khởi tố có Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines. Khi ấy, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng để giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT).

Tuy nhiên, ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt vào ngày 18/5/2012. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế.

Tại phiên phúc thẩm xét xử vào tháng 5/2014, Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines, phải nhận án cao nhất: Tử hình!

Trước đó, năm 2010, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch HĐQT tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) do những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, khiến tập đoàn có nguy cơ phá sản.

Từng được xem là con chim đầu đàn của ngành đóng tàu Việt Nam, Vinashin dần lún sâu vào nợ nần do những sai lầm trong quyết định đầu tư dàn trải, ngoài ngành. Phạm Thanh Bình đã phải lãnh 20 năm tù. Những “đồng phạm” khác xưa chia nhau tiền bất chính thì cũng nay phải chia nhau cả nhiều năm tù.

Một nhân vật khác cũng phải nhận quyết định khởi tố vào tháng 5 năm nay là ông Phí Thái Bình (cựu chủ tịch HĐQT Vinaconex, cựu phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội). Lý do là ông này có liên đới trách nhiệm trong việc xây dựng đường ống nước Sông Đà – một đường ống vỡ đến hơn 20 lần. Ông Bình bị khởi tố sau 10 năm rời Vinaconex (tháng 7/2006) để làm Phó Chủ tịch Hà Nội và sau 1 năm về hưu.

Trong quá khứ, còn nhiều lãnh đạo DNNN khác cũng đã bị kỷ luật và mất ghế như ông Đào Văn Hưng, cựu chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (năm 2012), ông Đoàn Văn Kiển, cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2009.

%image_alt%
Những dự án đắp chiếu đang bị truy trách nhiệm các cá nhân, tập thể. Ảnh: L.Bằng

Lời cảnh tỉnh

Nhìn lại những cựu sếp DNNN bị xử lý gần đây, TS. Đỗ Đức Định, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Kinh tế xã hội Việt Nam, thốt lên “chưa thấy thời kỳ nào nhiều cựu lãnh đạo DNNN bị xử lý như vậy”.

TS Đỗ Đức Định cho rằng ngày trước, hầu như ít xuất hiện những trường hợp sai phạm liên quan đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí chục ngàn tỷ như thời kì này. Con số sai phạm ngày xưa có bị phát hiện cũng chỉ dừng ở con số vài tỷ.

TS Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ DNNN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng thốt lên việc xử lý hàng loạt cựu lãnh đạo DNNN là “chưa bao giờ thấy”.

Đáng chú ý, nhiều cựu sếp DNNN bị xử lý thời gian gần đây khi đã rời ghế lãnh đạo DNNN để nắm giữ nhiều trọng trách, kể cả ở cấp cao trong bộ máy quản lý.

TS Đỗ Đức Định cho rằng: Người ta hay nói đến quy trình trong quá trình bổ nhiệm trong khi cái chất của con người lại không xét hoặc xét không cẩn thận. Cho nên đã để lọt những con người thiếu phẩm chất nhưng đúng quy trình vào bộ máy.

“Chất của con người không được xét mà chỉ xét về mặt hình thức, quy trình cho nên lọt những người phẩm chất kém như thế”, TS Đỗ Đức Định nhấn mạnh đó là lí do khiến người ta hay viện dẫn đúng quy trình để bao biện cho những việc bổ nhiệm sai người, sai chỗ.

Nhưng dù thế nào, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý mạnh với những sai phạm của các cựu sếp DNNN, dù sau đó ở cương vị nào cũng tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến những vị còn đương chức. Danh sách có thể còn tiếp tục nối dài khi Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra trách nhiệm các cá nhân, tập thể tại 12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu ngành Công Thương.

Lương Bằng