Trang chủ » Kinh doanh » Tranh luận » Luật Cạnh tranh sửa đổi: Tạo sân chơi lành mạnh cho doanh nghiệp

Luật Cạnh tranh sửa đổi: Tạo sân chơi lành mạnh cho doanh nghiệp

Tác giả:

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào chiều 23/10, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2018. Với những sửa đổi mang tính “đột phá”, các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu được thông qua, Luật Cạnh tranh mới sẽ tạo sân chơi lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Khắc phục tồn tại, phù hợp xu thế

Mặc dù đã được Quốc hội thông qua vào năm 2004, đến nay đã được hơn 10 năm, song Luật Cạnh tranh năm 2004 vẫn được các chuyên gia kinh tế đánh giá chưa phát huy được hiệu quả trong việc giám sát, quản lý các hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN), cũng như không tạo được sân chơi lành mạnh, chưa tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng cho khu vực DN hoạt động.

Để khắc phục những tồn tại của Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo vào năm 2016, trải qua nhiều lần dự thảo và trình Chính phủ lấy ý liến các thành viên Chính phủ, nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo. So với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh mới đã được chỉnh sửa theo hướng tích cực, phù hợp với thông lệ quốc tế.

{keywords}
Luật Cạnh tranh sửa đổi: Tạo sân chơi lành mạnh cho doanh nghiệp

Phát biểu trước Quốc hội vào chiều ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Việc sửa đổi lần này sẽ khắc phục được những hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Bởi “với xu thế toàn cầu hóa kinh tế và mở cửa thị trường, phạm vi hoạt động của DN ngày càng mở rộng trên phạm vi lãnh thổ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng có tác động tới môi trường cạnh tranh trong nước.

Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia đã mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh trên nguyên tắc tác động ảnh hưởng của hành vi để kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh, xuyên biên giới, nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Cùng với đó, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng sẽ đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập và phù hợp với các cam kết quốc tế; đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh.

Kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm có 121 điều, được bố cục thành 09 chương, so với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều. Theo đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng trong dự án Luật bao gồm: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam”. Mở rộng đối tượng áp dụng, theo đó, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, dự thảo Luật còn áp dụng đối với các “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”. Trong đó, bao gồm các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính. Thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, dự thảo Luật đã điều chỉnh cách tiếp cận kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo hướng kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, phù hợp với thực tiễn cạnh tranh trên thị trường và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tương tự như kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các quy định về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền trong dự thảo Luật cũng được thay đổi theo hướng kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý. Dự thảo cũng thay đổi cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của DN trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá mộ vụ việc tập trung kinh tế.

Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tại Quốc hội mới đây cũng cho biết: Luật Cạnh tranh mới sẽ điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh như:

Thứ nhất, đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại Luật khác, dự thảo Luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác, đồng thời bổ sung nguyên tắc xử lý để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi.

Thứ hai, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về hành vi “bán hành đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ ba, dự thảo Luật đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có cản chất phù hợp với khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại dự thảo Luật.

Thứ tư, dự thảo Luật đã lược giản hóa trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, theo đó bãi bỏ thủ tục điều tra sơ bộ và rút ngắn thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh từ 90 ngày xuống còn 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra. Luật Cạnh tranh sửa đổi cũng hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh. Theo đó, quy định về cơ quan cạnh tranh trong dự thảo Luật được tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh mới.

Hoa Quỳnh