Trang chủ » Kinh doanh » Tranh luận » Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã vượt qua

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã vượt qua

Tác giả:

Đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua và đang đến rất gấn với TPP- 11 có tên gọi mới là CPTPP. Bước tiến quan trọng đó là một cảm hứng tuyệt vời và một động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam.  Như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: CPTPP hay TPP-11, không đơn giản là mở cửa thị trường và thương mại kinh tế. Theo đó, tính chất và chất lượng của CPTPP nằm ở hai từ “Toàn diện” và “Tiến bộ”. 

Đảm bảo yêu cầu chất lượng cao

Mặc dù Hoa Kỳ đã chính thức rút khỏi TPP, song trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, các Bộ trưởng của 11 thành viên TPP còn lại đã đạt được thỏa thuận cơ bản cho TPP- 11, thống nhất tên gọi và nhiều nội dung quan trọng theo hướng, giữ nguyên các nội dung của TPP cũ, nhưng cho phép các thành viên được hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao.

Chia sẻ về những kết quả của TPP- 11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Hiệp định TPP- 12 đã được 12 quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực, nên khi đạt được sự đồng thuận thì tất cả các quốc gia đều hài lòng, vì nó không những là một dự thảo Hiệp định với tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn đạt được điểm cân bằng của các quốc gia tham gia Hiệp định. Do đó, khi Hoa Kỳ- một quốc gia có sức nặng kinh tế tuyên bố rút khỏi Hiệp định đã tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm duy trì TPP với tiêu chuẩn cao như vậy. Để đạt được điểm cân bằng mới với những lợi ích, nghĩa vụ và cam kết của mình trong tất cả các vòng đám phán, các Trưởng đoàn đàm phán (theo chỉ đạo của các Bộ trưởng) đã có những cách tiếp cận thực tiễn nhưng vẫn duy trì được Hiệp định chất lượng cao, đảm bảo được mục tiêu ban đầu.

Mặt khác, có thêm quan điểm thực tiễn hơn để đảm bảo tính thực thi của 11 quốc gia. Trải qua 4 vòng đàm phán của cấp Trưởng đoàn với quan điểm xây dựng của các Bộ trưởng TPP và sự hỗ trợ của Chính phủ các nước, TPP- 11 đã đạt được thỏa thuận quan trọng cốt lõi và đảm bảo yêu cầu chất lượng cao của TPP- 12. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu các quốc gia trong TPP- 11 có những điểm cân bằng mới.

{keywords}
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, CPTPP đã gần đi đến cái đích cuối cùng, mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc hợp tác với những nền kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới.

Đánh giá về kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định “Đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua và đang đến rất gấn với TPP- 11 có tên gọi mới là CPTPP”. Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo là cụ thể hóa một số yêu cầu trước khi có thể ký kết chính thức những điểm liên quan đến nội dung xem xét tạm hoãn, cơ chế, phương thức tạm hoãn để các cấp Trưởng đoàn sẽ đàm phán cụ thể và cần thời gian để đảm bảo lợi ích hài hòa, có sự đồng thuận cao như Hội Nghị TPP- 11.

Việt Nam cần làm gì để tận dụng TPP- 11?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, CPTPP đã gần đi đến cái đích cuối cùng, mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc hợp tác với những nền kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Song đi kèm cơ hội đó là những thách thức không nhỏ. Bởi TPP- 11 được các quốc gia thành viên thống nhất duy trì với chất lượng cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong khi đó, so với các quốc gia TPP- 11, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đi sau có nền kinh tế kém phát triển hơn và có nhiều “khiếm khuyết” về thể chế, chính sách hội nhập và tăng trưởng kinh tế.

Đàm phán thành công ở Việt Nam mở ra giai đoạn mới cho CPTPP

Ông Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: TPP- 11 mang lại lợi ích cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng như nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, tuy nhiên cũng đòi hỏi mức độ cạnh tranh lớn hơn, do mức độ mở cửa cao hơn. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều “vấn đề”, do thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Theo đó, để tận dụng được cơ hội, đòi hỏi Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, trong đó, Chính phủ nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, và khu vực DN cần nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho khoa học công nghệ…

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng khẳng định: CPTPP thành công đã tạo ra một cảm hứng tuyệt vời, một động lực tăng trưởng mạnh cho Việt Nam và các quốc gia thành viên. Để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định này,Việt Nam cần tích cực chuẩn bị năng lực thực thi- năng lực cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ, năng lực thể chế để đáp ứng những điều kiện khắt khe, các đòi hỏi cao nhất của TPP – 11. Theo đó, vấn đề năng lực bộ máy, năng  lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế, nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần đảm bảo sự tương thích. Muốn làm được như vậy, các cơ quan chức năng tới đây cần hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để, nhằm xây dựng những cơ chế vượt trội, tận dụng tốt nhất cơ hội từ CPTPP.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: TPP- 11 không chỉ đơn thuần là sự khác biệt về số thành viên mà các Bộ trưởng đã thống nhất cao quan điểm duy trì TPP- 11 với chất lượng cao, mang tính toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích các nước thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Thùy Linh