Trang chủ » Tài chính » Giá điện bất ngờ tăng từ 1/12, lên 1.720 đồng/kWh

Giá điện bất ngờ tăng từ 1/12, lên 1.720 đồng/kWh

Tác giả:

Từ ngày mai, 1/12, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Bộ Công Thương vừa ra thông báo. 

Hiện nay, giá bán lẻ bình quân hiện hành đang là 1.622,01 đồng/kWh.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

{keywords}
Giá điện tăng sau 3 năm.

Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ.

Cũng trong chiều này, Bộ Công Thương công bố về giá thành điện năm 2016 cho biết, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN thì kết quả lại là lỗ 593,46 tỷ đồng. EVN có lãi nhờ bù trừ các hoạt động liên quan đến điện.

Cụ thể, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện).

Với chi phí này, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đ/kWh.

Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 203.000,73 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.167,27 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 101,18 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phân phối – bán lẻ điện là 45.859,32 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối – bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 286,99 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ – quản lý ngành là 1.076,93 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ – quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,74 đ/kWh.

Với con số chi phí trên, EVN gặt hái doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh). Đồng thời, EVN lãi nhờ vào các khoản thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng.

Ngoài ra, EVN còn có khoản thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN (số liệu EVN báo cáo): 75,00 tỷ đồng và khoản thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của các Tổng công ty Điện lực (số liệu EVN báo cáo): 293,43 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập, có một số các khoản chi phí hiện vẫn chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016.

Đó là khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn, trong đó, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỷ đồng; Công ty mẹ Tổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỷ đồng; Công ty mẹ – Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỷ đồng.

Khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 714,26 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 386,70 tỷ đồng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại là 185,48 tỷ đồng.

Ngày mai, Bộ Công thương sẽ họp báo chính thức công bố giá điện mới.

Phạm Huyền