Trang chủ » Kinh doanh » Tranh luận » Làm sao Việt Nam có thể trở thành “con hổ kinh tế mới”?

Làm sao Việt Nam có thể trở thành “con hổ kinh tế mới”?

Tác giả:

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trả lời câu hỏi làm sao Việt Nam có thể trở thành “con hổ kinh tế mới” khi mà các tiềm năng, lợi thế của chúng ta được ví như “đang ngủ quên”.

Thủ tướng: Ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ

Việt Nam không còn là một nước nhỏ, kém phát triển

Chiều 15/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, năm 2017 là một năm thành công của cả nền kinh tế, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra mục tiêu: Phải làm sao năm nay phấn đấu có 150.000 doanh nghiệp mới được thành lập.

“Thành tựu có ý nghĩa thiết thực nhất đối với chúng ta đó là tầm vóc, vị thế và uy tín của đất nước được nâng lên một tầm cao mới. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế cũng như sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế trong năm 2017”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, thành tựu này một mặt khẳng định nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển mới, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển, đã có thể tham gia vào những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực. Mặt khác, thành tựu đã thể hiện được khát vọng của tất cả chúng ta, của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khát vọng vươn lên, khát vọng cống hiến.

“Việc đạt và vượt cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội được Quốc hội giao là một thành tựu nổi bật nhất trong nhiều năm trở lại đây, khẳng định kết quả của đổi mới công tác kế hoạch hóa, sự chỉ đạo điều hành năng động, sáng tạo và quyết liệt của Lãnh đạo bộ, Đảng ủy, tổ chức đoàn thể chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo về công tác năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81% trong khi kế hoạch là 6,7%, sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 127 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,2%; số FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53% .Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực…

“Những kết quả đó đã củng cố niềm tin, tạo lập không khí phấn khởi, thi đua sáng tạo trong toàn xã hội, góp phần phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, thúc đẩy hội nhập và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đánh giá.

Dân tộc phồn vinh chứ không chỉ là giới chủ phồn vinh

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội có sự đóng góp lớn của ngành Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là tham mưu trưởng về kinh tế-xã hội, là tổ trưởng tổ kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Thủ tướng đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, thể hiện vai trò cơ quan đầu mối tham mưu, điều phối công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô. Cùng với một số bộ liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, giải pháp, trong đó đặc biệt là giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

{keywords}

“Các đồng chí đã bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là các giấy phép con, cản trở doanh nghiệp phát triển lâu nay”, Thủ tướng khen ngợi. “Từ đề xuất của Bộ KH&ĐT, nhiều bộ, ngành trình sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh”.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những văn bản luật quan trọng, khắc phục tình trạng chồng chéo, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch trong bối cảnh cả nước có tới 19.000 quy hoạch.

Đáng chú ý, Thủ tướng đặt bài toán cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như yêu cầu trả lời câu hỏi làm sao Việt Nam có thể trở thành “con hổ kinh tế mới” khi mà các tiềm năng, lợi thế của chúng ta được ví như “đang ngủ quên”.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phát triển bền vững, không để lạm phát phá vỡ kinh tế vĩ mô như đã mắc phải cách đây không lâu. Phải thực hiện tam giác phát triển: Kinh tế, xã hội, môi trường, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai nghèo cùng cực, “làm sao đất nước hạnh phúc, dân tộc phồn vinh chứ không chỉ là giới chủ phồn vinh”. Làm sao giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là từ nguồn lực tư nhân và từ nước ngoài có chọn lọc. Làm sao giá trị gia tăng phải cao hơn chứ không thể chỉ làm nguyên liệu thô như hiện nay.

Đây là những vấn đề Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời và trên tinh thần đó, bộ máy nào, nhân lực nào để Bộ Kế hoạch và Đầu tư  làm tròn trách nhiệm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đổi mới công tác thống kê, tổng hợp, phân tích dự báo, hoàn thành phương pháp tính GDP với tinh thần tính đúng, tính đủ quy mô khi mà “người ta nói Việt Nam bỏ lọt GDP, không tính kinh tế phi chính thức, tới 30%”.

Đáng chú ý Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu công khai minh bạch, đừng để mang tiếng trong đấu thầu, thi công công trình dự án, không để xảy ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ”. Đây là một tồn tại kéo dài, cần khắc phục hiệu quả. Xử lý nghiêm các vi phạm, không để tình trạng rút ruột công trình, thi công kém chất lượng, không bảo đảm an toàn hiệu quả.

Nêu rõ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mới chỉ đạt kết quả bước đầu, Thủ tướng cho rằng, phải đẩy mạnh hơn, phải làm sao năm nay phấn đấu có 150.000 doanh nghiệp mới được thành lập.

Tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của Bộ KH&ĐT và hệ thống ngành KH&ĐT. “Chính phủ đề ra phương châm hành động “10 chữ” cho năm 2018, vậy Bộ KH&ĐT, các Sở KH&ĐT thực hiện chủ trương này như thế nào”, Thủ tướng nói và yêu cầu phải thay đổi tư duy toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức; phải từ bỏ tư tưởng chờ địa phương, doanh nghiệp đến gặp mới xử lý. Phải đặt lợi ích chung, yêu cầu nhiệm vụ lên trên hết.

“Bộ phát triển thể chế mà để người ta đến xin, đề nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết thì làm sao gọi là kế hoạch, đầu tư phát triển được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lương Bằng