Trang chủ » Tranh luận » Một quyết định chục ngàn tỷ bị treo: Ông lớn nín thở chờ tín hiệu Bộ Tài chính

Một quyết định chục ngàn tỷ bị treo: Ông lớn nín thở chờ tín hiệu Bộ Tài chính

Tác giả:

Trước các phản ứng vì Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng thanh toán dự án BT, mới đây Bộ này đã có động thái mới để xử lý “khoảng trống pháp lý”.

Tình hình ‘rất gấp’, Bộ hỏi quan điểm tỉnh về dự án BT

Đề nghị Hà Nội tạm dừng dùng quỹ đất thanh toán các dự án BT

Nguồn tin của PV.VietNamNet cho hay, Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) đối với các hợp đồng được ký kết theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tài chính, để xử lý khoảng trống pháp lý khi Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT chưa được ban hành, thì việc Chính phủ ban hành nghị quyết này là cần thiết và có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 điều với nguyên tắc tôn trọng các Hợp đồng BT đã ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng. Đồng thời, bám sát các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 về việc dùng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT.

{keywords}
Bộ Tài chính muốn chặt chẽ hơn trong việc thanh toán dự án BT. Ảnh: L.Bằng

Cụ thể, điều 1 quy định: Kể từ ngày 1/1/2018, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tài sản công để thanh toán gồm quỹ đất; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp… ; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng; các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc thanh toán dự án BT bằng tài sản công chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án BT phải thực hiện đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Bộ Tài chính nhấn mạnh việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện theo nguyên tắc ngang giá”, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị tài sản công thanh toán.

Trong đó, giá trị tài sản công “được xác định theo giá thị trường” theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán. Trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở, thì thời điểm thanh toán là khi UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư. Trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng thì là thời điểm cơ quan nhà nước ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư.

Việc thanh toán cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện khi có khối lượng xây dựng dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng.

“Việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT phải dược chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT đối với phần giá trị dự án BT hoàn thành chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư.

“Việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện đồng thời hoặc sau khi dự án BT hoàn thành”, Bộ Tài chính dự thảo.

Trường hợp tổng giá trị tài sản công thanh toán lớn hơn tổng giá trị dự án BT thì nhà đầu tư nộp số tiền chênh lệch bằng tiền vào ngân sách. Trường hợp nhỏ hơn thì Nhà nước thanh toán số chênh lệch bằng tiền hoặc tài sản công cho nhà đầu tư.

Ở điều khoản chuyển tiếp (điều 3), Bộ Tài chính dự thảo: Với dự án BT được ký hợp đồng trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết.

Với dự án ký sau ngày 1/1/2018 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát các hợp đồng BT đã ký, đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 1 và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp chưa đảm bảo nguyên tắc này, thì phải có trách nhiệm đàm phán với nhà đầu tư để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật.

Với dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư trước này Nghị quyết này có hiệu lực, cơ quan nhà nước xem xét ký hợp đồng theo hướng thực hiện thanh toán tài sản công khi Nghị định quy định thanh toán dự án BT có hiệu lực thi hành.

“Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thì các bộ, ngành địa phương phải tạm dừng việc đưa nội dung sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT vào hợp đồng BT ký kết cho đến khi Nghị định về thanh toán BT được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành”, dự thảo nêu rõ.

Hàng loạt dự án BOT, BT vào tầm ngắm Kiểm toán Nhà nước

Hàng loạt dự án BOT, BT vào tầm ngắm Kiểm toán Nhà nước

Các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải; các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BOT, BT) nằm trong kế hoạch kiểm toán.

Lương Bằng