Ngay sau khi xảy ra vụ cháy khủng khiếp tại Công ty Rạng Đông, thị trường nhà đất tại khu vực Hạ Đình đã đóng băng.
Chị Huyền, một cư dân sống tại phố Hạ Đình cho biết, trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở Công ty Rạng Đông, căn nhà chị đang ở đã có người đặt cọc 100 triệu đồng, hẹn 15 ngày sau sẽ ra công chứng và chuyển hết tiền.
Tuy nhiên, sau khi nhận cọc 10 ngày thì xảy ra vụ cháy. Vị khách hàng đó đã yêu cầu chủ nhà giảm giá 500 triệu đồng vì nhà ở khu vực không an toàn về môi trường. Nếu không giảm, họ sẵn sàng mất 100 triệu tiền cọc để rút lui.
“Nhà tôi do đang vay tiền ngân hàng để làm ăn, sổ đỏ căn hộ cũng đang thế chấp, đến giữa tháng 9 này là hạn cuối phải trả tiền ngân hàng, nên lúc bán nhà cho khách cũng đã bán rẻ hơn giá thị trường 200 triệu đồng. Nhưng giờ xảy ra sự cố này, khách không mua nữa thì nhà sẽ bị ngân hàng siết nợ”, chị Huyền cho hay.
Nhà đất Hạ Đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự cố cháy Công ty Rạng Đông. |
Cũng theo chị Huyền, vì áp lực trả nợ ngân hàng nên gia đình chị đang cân nhắc thương lượng với khách, chấp nhận giảm thêm tầm 100 triệu đồng nữa.
“Hiện chấp nhận giảm tiền thêm nhưng khách hàng cũng có vẻ không mấy mặn mà. Họ chấp nhận mất tiền cọc chứ cũng không muốn mua căn nhà tôi nữa vì có mua thời điểm này, họ cũng chưa thể đến ở hay cho thuê buôn bán được”, chị Huyền nói.
Anh Tuấn, một môi giới nhà đất khu vực Thanh Xuân kể, trước đây nhà đất Hạ Đình giao dịch khá tốt, dù giá đất không hề rẻ. Đất trong ngõ cũng tầm 80 – 100 triệu đồng/m2, tuỳ theo mặt ngõ lớn hay nhỏ. Còn đất mặt đường để làm ăn buôn bán thì hơn 100 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ cháy nhà máy Rạng Đông, giao dịch nhà đất tại khu vực này gần như đóng băng.
“Tôi đăng tin trên các trang quảng cáo nhưng không một cuộc gọi điện hỏi thăm. Trước đây, tin đăng lên thường có vài ba chục cuộc điện thoại, nhưng giờ thì im ắng lắm. Nhiều môi giới cũng ngừng đăng tin rao bán nhà đất khu vực này”, anh Tuấn cho hay.
Cũng theo anh Tuấn, không chỉ Hạ Đình, mà khu vực Khương Đình, Kim Giang giao dịch nhà đất cũng đóng băng. Đây là những khu vực nằm gần Công ty Rạng Đông.
Tại khu vực Khương Đình, có chủ nhà trước đây rao bán nhà 2,6 tỷ đồng (30m2, mặt ngõ 2,5m), nhưng giờ chấp nhận thu về 2,4 tỷ đồng nhưng cũng không thế giao dịch được.
“Căn nhà này trước đây có khách trả 2,5 tỷ đồng nhưng chủ nhà nhất quyết không bán. Giờ xảy ra sự cố cháy Công ty Rạng Đông, chính chủ nhà cũng phải di dời và muốn bán nhanh, nên hạ giá 200 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc này hạ giá cũng không ai dám mua”, anh Tuấn kể.
Anh Tuấn cũng cho biết, tâm lý của khách hàng hiện nay đều không ai dám mua nhà đất tại khu vực này. Bởi lẽ hiện khu vực này đang ô nhiễm nghiêm trọng, chưa biết đến bao giờ mới hết tình trạng ô nhiễm.
Người mua nhà không thể đến ở cũng không thể cho thuê, nên không ai mặn mà với nhà đất khu vực này.
“Hiện tại nhà đất khu vực này gần như đóng băng. Tuy nhiên, đấy là với những căn hộ chủ nhà không chấp nhận giảm giá và khách mua để ở thực. Còn nhiều nhà đầu tư họ vẫn rất quan tâm đến đất khu vực này, nhờ môi giới, nếu thấy căn nào giảm giá sâu thì báo họ để họ vào tiền”, anh Tuấn tiết lộ.
Anh Minh, môi giới nhà đất khác tại khu vực này cũng cho hay, mới cách đây 2 hôm, anh vừa bán được 1 căn nhà mặt ngõ rộng 3m ở Hạ Đình, căn này chủ nhà muốn bán để nhanh để lấy tiền mua nhà mới nên bán cắt lỗ, giảm 400 triệu đồng so với giá trước đây rao bán. Nhà đầu tư thấy rẻ nên đã “ôm” ngay sau 1 ngày.
“Với người mua để đầu tư, thì đây là thời điểm thích hợp để “ôm hàng” vào, vì lúc này giá nhà sẽ rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đó, nếu may mắn, sau sự cố cháy lần này, Công ty Rạng Đông bị di dời đi nơi khác, đất vàng Rạng Đông sẽ trở thành khu đô thị, thì mảnh đất quanh khu vực Hạ Đình chắc chắn sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, đấy là góc nhìn của các nhà đầu tư, còn với người mua ở thực, sự cố hỏa hoạn ở Rạng Đông khiến người dân hết sức hoang mang. Việc di dời đã có chủ trương nhưng đến khi nào được thực hiện mới là điều quan trọng”, anh Minh nói.
Ngoài ra, theo anh Minh, hiện các chủ nhà tại đây dù rao bán nhiều nhưng mức giá vẫn theo thị trường, không mấy người chịu giảm sâu, nên giao dịch gần như đóng băng.
(Theo VTC News)